Chiều 18-2, tại TP Quy Nhơn, UBND tỉnh Bình Định đã phối hợp cùng Tổng cục Du lịch, Tập đoàn FLC tổ chức tọa đàm "Mở cửa an toàn, hiệu quả: Thời cơ vàng của du lịch Việt Nam".
Quang cảnh buổi tọa đàm "Mở cửa an toàn, hiệu quả: Thời cơ vàng của du lịch Việt Nam"
Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, từ khi thực hiện chương trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế (từ tháng 11-2021 đến 8-2), Việt Nam đã đón hơn 8.900 du khách.
Qua 4 tháng thực hiện thí điểm đón khách quốc tế, các địa phương đã có sự chuẩn bị nguồn lực, tích lũy kinh nghiệm để sẵn sàng mở rộng quy mô đón khách, sớm phục hồi du lịch.
Theo Trung tâm Thông tin du lịch - Tổng cục Du lịch, lượng tìm kiếm quốc tế về du lịch Việt Nam từ đầu năm 2022 đang tăng mạnh. Từ đầu tháng 1 đến nay, lượng tìm kiếm quốc tế về hàng không Việt Nam ở mức rất cao, có thời điểm tăng 425%.
Bối cảnh hiện tại cũng mang đến cơ hội và khả năng sớm phục hồi cho thị trường du lịch Việt Nam. Một số địa phương có lợi thế trong việc thu hút du khách, đặc biệt là khách quốc tế, như Hà Nội, Quảng Ninh, Phú Quốc, Khánh Hòa, Đà Nẵng... Là địa phương thứ 6 đủ điều kiện đón khách quốc tế từ đầu năm 2022, Bình Định đã chủ động xây dựng chiến lược mở cửa.
Ông Lâm Hải Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho rằng du lịch là ngành kinh tế tổng hợp có sự tham gia của nhiều ngành. Những năm qua, du lịch Bình Định có sự phát triển, lớn mạnh cả về chất và lượng. Điều đó giúp Bình Định đạt được những kết quả tích cực như: cuối năm 2019, tỉnh đón trên 4,8 triệu lượt khách, tạo ra 123.000 việc làm, đóng góp 7,2% GRDP của tỉnh.
Tuy nhiên, trước những tác động của Covid-19, ngành du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề. Cả năm 2020, tỉnh đón 2,2 triệu lượt khách, giảm 54% so với nằm trước. Lũy kế 10 tháng đầu 2021, Bình Định đón trên 1,2 triệu khách, doanh thu đạt 1.616 tỷ đồng.
Ông Lâm Hải Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định - phát biểu tại toạ đàm
"Có thể nói, đại dịch là biến cố chưa từng có với du lịch toàn cầu. Tọa đàm "Mở cửa an toàn, hiệu quả: Thời cơ vàng của du lịch Việt Nam" có ý nghĩa thiết thực với cơ quan nhà nước, sớm thống nhất chủ trương để đưa ngành kinh tế sớm phục hồi, tạo nền tảng phục hồi và phát triển kinh tế xã hội" - ông Giang nói.
Ông Đỗ Việt Hùng - Phó Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn FLC - cho biết thông tin Chính phủ đề xuất mở cửa du lịch từ ngày 15-3 là tín hiệu tích cực cho các địa phương và doanh nghiệp du lịch phục hồi toàn diện. "FLC mong muốn tiếp tục đồng hành cùng các địa phương, trong đó có Bình Định quảng bá tiềm năng, kích cầu du lịch" - ông Hùng khẳng định.
Du khách chụp ảnh lưu niệm khi đến Eo Gió, một điểm du lịch nổi tiếng ở Bình Định
Ông Vũ Thế Bình - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam - cho rằng việc mở cửa du lịch là vấn đề cấp thiết. Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, kéo theo hoạt động của nhiều ngành kinh tế khác, tác động đến kinh tế và xã hội trên toàn cầu. Ảnh hưởng của đại dịch đã khiến nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng ở châu Âu không bóng người, gây ảnh hưởng đến đời sống, kinh tế.
"Người ta khát khao mở cửa lại du lịch không phải chỉ là nhu cầu được đi lại, vui chơi mà mở cửa du lịch còn để phát triển đời sống cho người dân, cho các ngành kinh tế. Việc mở cửa du lịch không chỉ là ý chí của ngành du lịch mà còn là nguyện vọng chung của nhiều tầng lớp xã hội, của đất nước" - ông Bình nhấn mạnh.
Bình luận (0)