Với tất cả sự nhiệt thành, ông Damcho Rinzin, Giám đốc marketing của Cục Du lịch Vương quốc Bhutan, đã dành cho đoàn nhà báo chúng tôi cuộc trao đổi, chia sẻ hết sức chân tình, cởi mở trong khuôn viên Cục Du lịch Bhutan ngay khi chúng tôi vừa đặt chân đến “hòn ngọc trong dãy núi Himalaya”.
Phóng viên: Được biết Bhutan đã làm rất tốt công tác truyền thông, quảng bá hình ảnh đất nước ra bên ngoài. Ông có thể chia sẻ những kinh nghiệm quý báu này với ngành du lịch Việt Nam?
- Ông Damcho Rinzin: Đầu tiên, chúng tôi mời những chuyên gia về truyền thông hướng dẫn phương thức quảng bá, giới thiệu hình ảnh đất nước: Bhutan là điểm đến an toàn, đất nước của màu xanh, của sự hạnh phúc. Được mệnh danh là “miền đất của rồng thiêng”, đạo Phật đến với Bhutan ngay từ thế kỷ thứ IX với những di sản nằm ở khắp nơi, không chỉ như một tôn giáo mà là một phong cách sống. Chỉ cần ngồi trên máy bay, nhìn xuống đất nước này ở phía dưới là thấp thoáng thấy ngay sự hạnh phúc trong thế giới yên bình của những cánh rừng xanh ngát, những ngôi đền chùa với kiến trúc đặc trưng, những con suối, dòng sông thật thơ mộng...
Buổi gặp gỡ giữa đoàn famtrip BenThanh Tourist và Cục du lịch Bhutan
Sau đó, chiến lược của chúng tôi là xuất hiện trong các roadshow, những hội chợ du lịch, xúc tiến tại các thị trường trọng điểm như Úc, châu Âu, Nhật Bản...; tạo điều kiện đưa các doanh nghiệp du lịch trong nước gặp gỡ các đối tác nước ngoài để chào mời tour trên cơ sở thỏa thuận trước những yêu cầu cụ thể của du khách rồi mới thiết kế tour theo kiểu “đo ni đóng giày” cho từng nước. Khi thiết kế những chương trình tour, chúng tôi đặc biệt chú ý đến những cung đường, những thành tố đem đến cho du khách cảm nhận sự hạnh phúc thật sự. Công tác xúc tiến quảng bá của du lịch Bhutan được giao cho 5 đại lý làm PR chuyên nghiệp ở những thị trường cần đẩy mạnh. Mỗi đại lý sẽ quản lý nhiều thị trường. Họ sẽ có trách nhiệm đưa hình ảnh Bhutan đến du khách một cách trực tiếp và đầy đủ. Do đặc thù Bhutan là một điểm đến du lịch riêng biệt nên chúng tôi nhắm đến phân khúc thị trường đặc biệt và làm truyền thông theo kiểu “liệu cơm gắp mắm”; chứ không chọn quảng bá trên những kênh phổ biến, mang tính đại chúng như CNN. Về chi phí quảng bá, Bhutan cũng áp dụng phương pháp cùng chia chi phí với các nhà cung cấp khác... Do các hãng hàng không Bhutan đều quá cảnh tại Thái Lan nên chúng tôi cùng Thái Lan chia chi phí trong chương trình quảng bá “2 vương quốc, 1 điểm đến”. Phương án cuối cùng là sử dụng sức mạnh của internet, website, Facebook...để luôn cập nhật thông tin mới nhất về Bhutan.
Ông Damcho Rinzin (trái) - đại diện Cục Du lịch Bhutan nhận quà lưu niệm từ ông Vũ Đình Quân - Tổng Giám đốc BenThanh Tourist
Bhutan được xem là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới. Vậy khái niệm hạnh phúc mà ngành du lịch Bhutan muốn giới thiệu đến du khách là gì?
- Khái niệm hạnh phúc khá trừu tượng. Thật sự việc đưa khách đến Bhutan gặp nhiều khó khăn vì hạnh phúc không phải ở sự mô tả mà chính từ sự trải nghiệm của mỗi người. Chúng tôi thật sự mong muốn khách đến Bhutan để cảm nhận được chính xác ý nghĩa của hạnh phúc vì ngôn từ luôn bất lực trong việc miêu tả khái niệm này. Du khách đến Bhutan sẽ không hối hả trong việc di chuyển tất bật từ điểm tham quan này đến điểm tham quan khác, mà sẽ tìm được cảm giác bình yên, thư giãn thật sự. Tôi nghĩ hạnh phúc chính là sự bình yên trong tâm thức, trong cuộc sống. Bằng chứng là có khách đã bỏ 250 USD/ngày chỉ để đến Bhutan ngồi dưới tán cây rừng và không làm gì hết! Vì thế, chúng tôi luôn nắm bắt nhu cầu của khách để phục vụ chứ không cưỡng ép khách theo ý mình, theo những lập trình tour đã định sẵn. Để đem đến cho khách sự bình yên, chúng tôi phải huấn luyện hướng dẫn viên và tài xế rất kỹ để họ đồng hành cùng chúng tôi trong việc phục vụ khách. Logo của ngành du lịch Bhutan là một đóa hoa tặng khách để đem đến cho họ cảm giác hạnh phúc, dù ở đây cuộc sống chậm nhưng không gian xanh - sạch; người dân thân thiện hiền hòa.
Nụ cười Bhutan
Có một nghịch lý ở nhiều quốc gia là khi du lịch càng phát triển thì càng ảnh hưởng, càng “tàn phá” môi trường, càng dễ mất đi bản sắc dân tộc. Trong khi Bhutan lại là quốc gia điển hình cho việc bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc. Vậy làm sao để vừa phát triển du lịch mà vẫn bảo tồn văn hóa dân tộc? Trong thời gian tới, ngành du lịch Bhutan có kế hoạch xây thêm khách sạn hoặc phát triển hàng không?
- Để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, chúng tôi phải kiểm soát chặt chẽ sự phát triển của du lịch. Năm ngoái, ngành du lịch Bhutan đón 155.000 lượt khách quốc tế. Dự kiến năm 2018 sẽ đạt được 200.000 lượt khách và đến thời điểm đó, chúng tôi sẽ xem xét, định hướng lại là tăng hay giảm lượng khách. Để hạn chế lượng khách du lịch ồ ạt vào Bhutan, chúng tôi chọn lọc khách kỹ lưỡng qua việc điều chỉnh giá tour theo chiều hướng tăng giá. Trước đây, trung bình mỗi ngày, du khách đến Bhutan phải trả khoảng 180 USD/khách; sau đó tăng lên 200 USD/khách và đến nay là 250 USD/khách/ngày. Chỉ khi nào khách đạt tối thiểu mức phí như thế chúng tôi mới cấp visa. Tuy nhiên, không phải chúng tôi tăng giá vô tội vạ mà nghiên cứu thấy mức giá tăng như vậy du khách chấp nhận được. Bằng chứng là nhiều khách chi tiêu 1.000 USD/ngày mà đến ở Bhutan cả tháng chỉ để hít thở không khí trong lành! Khi giá tour tăng, chúng tôi cam kết chất lượng dịch vụ cũng tăng theo. Chúng tôi quan niệm khách đến nhiều thì giá phải tăng, miễn sao khách chấp nhận được và người dân cũng hưởng lợi cao hơn để hai bên đều vui thì đó mới là hạnh phúc! Dĩ nhiên, khi lượng khách tăng, chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư thêm khách sạn và phát triển hàng không.
Biểu diễn văn hóa dân tộc Bhutan
Hiện nay, Bhutan có 3.700 phòng lưu trú với khoảng 6.000 giường. Công suất phòng khoảng 75% ở những thành phố du lịch trọng điểm như Thimphu, Paro. Còn những nơi khác trong cả nước chỉ đạt 40-50% công suất phòng.
Để phát triển du lịch bền vững, chúng tôi chú ý nhiều đến yếu tố trách nhiệm, tối thiểu hóa những yếu tố ngoại lai; giám sát kỹ hành vi của khách; không chấp nhận những vị khách “quậy”, dù họ có trả bao nhiêu tiền. Khi đưa khách đến các cộng đồng, các hãng lữ hành phải nghiên cứu kỹ thời điểm phù hợp để không làm ảnh hưởng đến cuộc sống cư dân; để họ cởi mở giao lưu, giới thiệu với khách những nét văn hoa đặc trưng của dân tộc mình. Hy vọng sau chuyến xúc tiến của BenThanh Tourist, lượng khách du lịch Việt Nam đến Bhutan sẽ tăng nhiều hơn. Năm ngoái, ngành du lịch Bhutan đón 395 lượt khách Việt Nam. Cá nhân tôi vẫn chưa có cơ hội đến Việt Nam dù năm 2007 đã đến Campuchia. Khi xem phim về Mekong Delta, tôi rất xúc động và muốn đi dọc vùng châu thổ sông Mekong trong thời gian sớm nhất.
Bình luận (0)