Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) Lê Quang Tùng vừa ký văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất bổ sung các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành du lịch do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tại TP HCM, nhiều giải pháp cũng được Sở Du lịch TP kiến nghị để doanh nghiệp (DN) có thể cầm cự, không bị phá sản…
Tổn thương đầu tiên, hồi phục sau cùng
Trong mấy chục năm làm nghề, bà Nguyễn Thị Khánh, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch TP HCM, chưa bao giờ chứng kiến ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề như hiện nay. Không chỉ DN gặp khó mà hàng ngàn hướng dẫn viên, đầu bếp… cũng thất nghiệp.
"Một trong những áp lực lớn nhất là dòng tiền để hoàn trả cho các tour bị hoãn, hủy vì dịch Covid-19. Các công ty lữ hành đặt dịch vụ nhà hàng, khách sạn, hàng không, dịch vụ của đối tác ở nước ngoài đến giờ chỉ nhận được lời hứa sẽ đổi bằng sản phẩm, dịch vụ sau khi hết dịch, trong khi lữ hành phải hoàn trả tiền mặt cho khách hủy tour. Quá khó khăn trong lúc việc tiếp cận chính sách từ các gói chính sách hỗ trợ chưa nhiều" - bà Nguyễn Thị Khánh nói.
Nhiều điểm tham quan nổi tiếng của TP HCM đóng cửa do dịch Covid-19. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Hiệp hội Du lịch TP cũng tiếp tục kiến nghị để một số nhóm đối tượng gặp khó như hướng dẫn viên, đầu bếp tự do… được hỗ trợ phần nào trong giai đoạn khó khăn này.
Lãnh đạo nhiều công ty du lịch cho biết hoạt động của DN đã tê liệt từ nhiều ngày qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, vắng bóng cả khách quốc tế, khách nội địa. Không có nguồn thu nhưng vẫn phải nuôi lượng cán bộ nhân viên nhất định sau khi đã cho một bộ phận nhân viên nghỉ việc hoặc nghỉ không lương, nhiều DN đang đau đầu với bài toán vốn để tiếp tục duy trì hoạt động. Ngành kinh tế mũi nhọn này bị tổn thương đầu tiên nhưng lại phục hồi cuối cùng bởi có dư dả thì người dân mới đi du lịch. "Hiện giờ chắc 99% DN đã tạm ngừng hoạt động" - giám đốc một công ty du lịch buồn bã nói.
Tại TP HCM, trong tháng 1 và tháng 2, lượng khách và doanh thu trung bình của các công ty lữ hành giảm từ 50%-60% so với cùng kỳ, qua đến tháng 3 tình hình tiếp tục ảnh hưởng nặng nề hơn.
Số liệu tổng hợp từ các DN lữ hành còn tổ chức phục vụ khách du lịch cho thấy lượng khách và doanh thu giảm 95%-100% so với cùng kỳ. Đến 90% DN lữ hành vừa và nhỏ đã tạm ngừng hoạt động, một số DN lớn vốn tư nhân cũng hoạt động cầm chừng... Tình hình kinh doanh của hệ thống cơ sở lưu trú du lịch, nhà hàng ăn uống, cơ sở mua sắm cũng giảm mạnh so với cùng kỳ. Đến nay, các điểm tham quan du lịch đã tạm ngừng phục vụ khách do ảnh hưởng của dịch bệnh. Thiệt hại thống kê sơ bộ của các công ty du lịch hiện nay và trong quý II/2020 ước tính lên tới hàng ngàn tỉ đồng.
Cần gói giải cứu riêng cho du lịch
Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng Giám đốc Công ty Vietravel, với nhiều DN lữ hành, việc tiếp cận tín dụng từ ngân hàng thương mại, nhất là các gói ưu đãi lãi suất rất khó vì lữ hành không có tài sản thế chấp. Trụ sở phần lớn đi thuê hoặc mua thì giá trị cũng không cao để bảo đảm khoản vay.
"Các chính sách hỗ trợ của nhà nước có nhưng đến được tay DN trong ngành du lịch lại quá khó, trong khi du lịch là ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Ngành du lịch thời gian qua đóng góp vào tăng trưởng GDP trên 8%, riêng tại TP HCM ngành đóng góp tới 10%-11% nên cần có gói giải cứu riêng cho du lịch; quy định rõ cách tiếp cận để DN trong ngành mũi nhọn này có thể cầm cự, chờ cơ hội phục hồi sau dịch bệnh?" - ông Nguyễn Quốc Kỳ đề xuất.
Nhằm hỗ trợ DN tháo gỡ khó khăn, chuẩn bị chính sách thúc đẩy du lịch phát triển ngay sau khi dịch bệnh kết thúc, Sở Du lịch TP đang rà soát, đánh giá tình hình thiệt hại của các DN kinh doanh du lịch và đề xuất UBND TP các giải pháp. Trong đó tập trung các nhóm giải pháp như đề nghị giãn thuế, giãn thời gian thực hiện nghĩa vụ thuế, cho phép chậm nộp các loại thuế…; đề nghị Ngân hàng Nhà nước khẩn trương thực hiện các biện pháp hỗ trợ DN, đặc biệt với các DN lĩnh vực du lịch, bởi đến giờ các DN vẫn chưa được hỗ trợ về ân hạn khoản vay hoặc giảm lãi vay, khó vay vốn thế chấp hoặc tín chấp vì không có doanh thu do tác động của dịch.
Trong khi đó, Bộ VH-TT-DL đề xuất hỗ trợ gói tài chính cho các DN du lịch trong việc hoàn, hủy tour thay vì phải hủy tour. Gói tài chính này sẽ hỗ trợ các DN phát hành "phiếu mua tour" có thời hạn 12-18 tháng với giá trị tương đương tour đã đặt cho khách không thể thực hiện được chuyến đi do dịch bệnh hoặc các trường hợp bất khả kháng.
Với DN vừa và nhỏ, chủ nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê (homestay), người lao động mất việc làm trong cơ sở lưu trú du lịch, Bộ VH-TT-DL đề nghị đưa các đối tượng này vào diện được hỗ trợ trong gói 62.000 tỉ đồng giúp người dân gặp khó khăn chống dịch Covid-19; miễn phí cấp mới, cấp đổi, cấp lại Giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế, nội địa; thẻ hướng dẫn viên du lịch trong năm 2020.
Đáng lưu ý, lãnh đạo Bộ VH-TT-DL đề nghị Cục Hàng không Việt Nam chỉ đạo các hãng hàng không hỗ trợ DN lữ hành giải phóng tiền đặt cọc mua vé máy bay trong thời gian dịch bệnh. DN du lịch và người lao động được phép chậm nộp BHXH năm 2019, năm 2020, đến hết tháng 6-2021, đồng thời điều chỉnh quy định về quyền lợi bảo hiểm thất nghiệp...
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư quy định cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa; phí thẩm định cấp hướng dẫn viên du lịch.
Theo đó, tổ chức, cá nhân được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa; cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch sẽ thực hiện nộp phí bằng 50% mức thu. Mức thu trên sẽ thực hiện đến hết ngày 31-12.
Bộ VH-TT-DL đề xuất 3 kịch bản ứng phó
Với kịch bản Việt Nam công bố hết dịch, ngành sẽ tập trung kích cầu thị trường du lịch nội địa thông qua miễn, giảm có thời hạn giá dịch vụ (hàng không, lưu trú, phí tham quan...); tập trung vào phân khúc khách du lịch kết hợp kinh doanh, giải quyết công việc, du lịch MICE; triển khai chiến dịch truyền thông "Du lịch Việt Nam an toàn". Đồng thời, Bộ VH-TT-DL đề nghị Chính phủ có các gói kích cầu tiêu dùng, trong đó có kích cầu người tiêu dùng trong nước sử dụng dịch vụ du lịch.
Với kịch bản Việt Nam và một số nước khác công bố hết dịch (dự kiến các nước khu vực châu Á có khả năng hết dịch sớm), ngành du lịch đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, phát động chương trình: "Việt Nam an toàn và hấp dẫn". Qua đó, góp phần khẳng định Việt Nam đã thành công trong đẩy lùi dịch Covid-19, tiếp tục là điểm đến an toàn, khách du lịch được chào đón trở lại, hoạt động kinh doanh du lịch được phục hồi. Ngành cũng cơ cấu lại thị trường khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, tập trung quảng bá khách đến và đi du lịch các thị trường đã hết dịch, nhất là phân khúc khách du lịch kết hợp kinh doanh, giải quyết công việc, du lịch MICE.
Khi thế giới công bố hết dịch, du lịch Việt Nam sẽ tăng cường công tác xúc tiến quảng bá, ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá, truyền thông, phát triển sản phẩm du lịch mới. Bộ VH-TT-DL kiến nghị Chính phủ xem xét có chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch đến Việt Nam như tăng tần suất, mở thêm đường bay đến các thị trường quốc tế, miễn thị thực, miễn giảm phí thị thực nhập cảnh...
Bình luận (0)