Cuộc thi Chiếc thìa vàng năm 2016 đang ngày càng trở nên hấp dẫn. Ngay từ vòng sơ kết, các đầu bếp từ các vùng miền đã gây không ít bất ngờ cho ban giám khảo bởi những món ăn đầy sáng tạo.
Từ sâm đất, hạt ươi…
Nổi bật là các đầu bếp của nhà hàng khách sạn Hòa Bình 1 (An Giang) đã giới thiệu lên bàn tiệc lá sâm đất, loại rau mà người dân xứ Bảy Núi hay ăn kèm với mì. Nghiên cứu thêm dược tính của củ (rễ) sâm đất, đội nhà hàng khách sạn Hòa Bình 1 đã tìm ra gia vị “độc” để trình làng món ăn bài thuốc: Bắp hoa bò tiềm màng mề gà và sâm đất ăn kèm mì tươi - rau sâm đất. Món ăn bổ dưỡng cho sức khỏe này ngay lập tức nhận được lời khen ngợi từ giới chuyên gia ẩm thực.
Hay chè nếp sen được các đầu bếp khách sạn Palace Vũng Tàu “nâng cấp” thành món chè độc đáo: chè nếp sen lê-ki-ma. Đầu bếp Phạm Văn Đại, khách sạn Palace Vũng Tàu, nhớ lại thời niên thiếu, anh dùng lê-ki-ma được gửi từ quê Hải Phòng vào xay nhuyễn để làm chè. Ăn món chè lê-ki-ma riết thành ghiền. “Từ cách chế biến dân gian, tôi biến tấu một chút, lấy nhân lê-ki-ma để làm nước xốt, dùng cùng hạt sen tươi cho mùi vị độc đáo, nâng món chè lên một bậc mới” - anh Đại thổ lộ.
Từ Tây Nguyên, các đầu bếp trẻ của Quán 79 Gia Bảo (Kon Tum) lại tạo được sự ngạc nhiên với ban giám khảo khi biến tấu món xúp hải sản bằng hạt ươi bay! Ươi có nhiều ứng dụng trong đông y, thường được gắn với món chè nhưng dùng để nấu xúp là điều “chưa từng thấy”. Nghệ nhân ẩm thực Bùi Thị Sương nhận xét: “Món ăn tốt, có vị ngon. Các đầu bếp nên phát huy sáng tạo này vì ươi rất tốt cho sức khỏe và hiện đang được ứng dụng rộng rãi”...
… Đến sản vật địa phương
Lần đầu có một đại diện “3 sao” của Quảng Ngãi tham gia sân chơi Chiếc thìa vàng, các đầu bếp của khách sạn Cẩm Thành như gửi hết tình cảm với quê hương qua những rong biển Lý Sơn, don sông Trà, cá niên, rau chân vịt Lý Sơn, trái sả Ba Tơ... Từ những gia vị, sản vật địa phương họ đã giới thiệu lên bàn tiệc những tác phẩm ẩm thực ngon lành. Ngoài khen ngợi vị món ăn, nghệ nhân Bùi Thị Sương còn tỏ ra ấn tượng với cách truyền tải, giới thiệu quê mình bằng những nguyên liệu rất địa phương của đội này.
Có thể kể thêm về sự nhọc công vào rừng núi quê hương Quảng Nam của các đầu bếp trẻ Grand Sunrise Hotel Đà Nẵng. Những chàng trai này không chỉ tìm kiếm và giới thiệu hàng loạt nguyên liệu và gia vị mới như lá bứa, lá dứa rừng, hoa trang rừng, rau đay rừng... mà còn học hỏi từ người dân địa phương và tự tay làm phở sắn Quế Sơn mang đi trình làng. Còn đến từ cố đô, các đầu bếp xứ Huế lại một lần nữa khẳng định sự phong phú, tinh tế của ẩm thực trứ danh bằng măng rừng A Lưới, cá chình thác Nhị Hồ, khoai Diên Đại, hải sản Tam Giang, dâu Thủy Biều...
Đặc biệt, ở vòng sơ kết cụm Bắc Trung bộ, các đầu bếp InterContinental Danang Sun Peninsula Resort gây ấn tượng mạnh với Ban giám khảo và khách tham quan khi dùng các phương pháp ẩm thực hiện đại (ẩm thực phân tử và phương pháp nấu chậm) để chế biến món dự thi, xuất sắc giành giải nhất.
39 đội thi vào bán kết
Khép lại vòng sơ kết miền Nam (diễn ra từ ngày 7 đến 10-6 tại TP HCM) và sơ kết miền Trung (diễn ra từ ngày 2 đến 4-8 tại TP Đà Nẵng), đã có 39 đội thi được chọn vào bán kết.
Vòng sơ kết khu vực phía Bắc với sự tranh tài của các đầu bếp thủ đô Hà Nội, đồng bằng sông Hồng, cao nguyên Bắc Bộ sẽ diễn ra từ ngày 27 đến 29-9, tại Cung Triển lãm Kiến trúc - Quy hoạch và Xây dựng quốc gia (số 1 Đỗ Đức Dục, phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội).
Xem thêm thông tin chi tiết tại:
Bình luận (0)