Trước đó, đại diện Sở Du lịch và các công ty lữ hành TP HCM đã có chuyến khảo sát một số điểm khai thác du lịch tại Bạc Liêu, Cà Mau, An Giang...
Từng bước nhìn lại mình
Phát biểu tổng kết chương trình hợp tác phát triển du lịch 5 năm giữa TP HCM và các tỉnh, thành cụm phía Tây ĐBSCL (An Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang và Sóc Trăng), ông Phạm Thế Triều, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang, Cụm trưởng Cụm Hợp tác liên kết phát triển du lịch phía Tây ĐBSCL năm 2016, cho biết: Trong quá trình hợp tác, các tỉnh - thành cụm phía Tây ĐBSCL đã từng bước nhìn lại mình, có những kế hoạch xây dựng, quyết tâm trong hoạt động để định hướng phát triển du lịch. Năm năm qua, 7 tỉnh đã có những bước phát triển du lịch đáng kể về cả lượng khách, doanh thu, cơ sở hạ tầng, sản phẩm du lịch, trình độ cán bộ... Khu vực ĐBSCL nói chung và cụm phía Tây nói riêng có nhiều điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phát triển du lịch: nhiều khu vực có hệ sinh thái đặc thù; các loại hình nghệ thuật, lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa; hệ thống giao thông từng bước được đầu tư hoàn thiện, việc đi lại giữa các tỉnh - thành thuận tiện hơn trước, bảo đảm kết nối vùng; lãnh đạo địa phương dành nhiều sự quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch.
Ký kết hợp tác phát triển du lịch giai đoạn 2016-2020 giữa TP HCM và các tỉnh, thành cụm phía Tây ĐBSCL
Những năm qua, Sở Du lịch TP HCM đã tổ chức nhiều đoàn khảo sát, trong đó có các công ty du lịch lớn của TP HCM; phối hợp với các tỉnh, thành trong cụm để khảo sát, đưa khách đến tham quan các điểm du lịch sinh thái, di tích lịch sử tại Cần Thơ, An Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau... Nhiều dự án hạ tầng du lịch của doanh nghiệp TP HCM đã được các tỉnh - thành chấp nhận và triển khai xây dựng, đi vào khai thác, nhất là các khách sạn, resort tại khu vực trọng điểm về du lịch: Phú Quốc, Rạch Giá, Hà Tiên, Cần Thơ... Các tỉnh, thành trong cụm cũng đã chủ động cung cấp thông tin về điểm du lịch, sản phẩm du lịch mới để giới thiệu đến doanh nghiệp các bên, nhằm thúc đẩy xây dựng sản phẩm, tour du lịch kết nối giữa TP HCM và các tỉnh, thành trong khu vực hợp tác. Ông Nguyễn Văn Sáu, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang, cho biết: Dịp cao điểm hè năm nay, Phú Quốc có gần 60 chuyến bay đến và đi một ngày, trong đó khoảng 2/3 số chuyến là từ TP HCM. Hiện Kiên Giang có khoảng 90 doanh nghiệp lữ hành (gồm cả chi nhánh của các tỉnh bạn) nhưng phần lớn chưa đủ sức để làm một tour du lịch trọn vẹn, bài bản nên rất cần sự hỗ trợ, hợp tác hơn nữa của các doanh nghiệp lữ hành mạnh ở TP HCM, nhất là khi cảng tàu biển đón khách quốc tế tại Phú Quốc sẽ hoàn thiện giai đoạn 1 vào năm 2017.
Đoàn khảo sát gồm đại diện Sở du lịch và các doanh nghiệp lữ hành TP HCM tại Mũi Cà Mau
Hằng năm, các tỉnh - thành cụm phía Tây ĐBSCL đã tích cực đăng ký tham dự Hội chợ Du lịch quốc tế TP HCM (ITE HCMC); tham gia các sự kiện, lễ hội tổ chức tại TP HCM như Ngày hội Du lịch TP HCM, lễ hội trái cây Nam Bộ, Liên hoan Ẩm thực đất phương Nam... qua đó, những nét văn hóa, lịch sử, ẩm thực độc đáo, đặc trưng của miền Tây Nam Bộ đã thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách, góp phần tăng sức hấp dẫn của điểm đến.
Đến một tỉnh, biết cả vùng?
Suốt thời gian dài, nói đến du lịch ĐBSCL, người ta nhắc mãi điệp khúc “xuống ghe, thăm vườn, nghe đờn ca tài tử”. Sản phẩm trùng lắp, đơn điệu đã làm giảm tính hấp dẫn của du lịch ĐBSCL, du khách chỉ cần đến một tỉnh là biết sản phẩm du lịch của cả vùng. Ông Triều cho rằng: Trước đây, khi nói đến ĐBSCL, người ta nghĩ đến “miệt vườn sông nước”. Thấy được nhược điểm này, trong 5 năm qua, từng tỉnh đã tiến hành quy hoạch, xác định loại hình du lịch tiêu biểu, đặc trưng của tỉnh mình. Hiện nay đã hình thành 4 cụm rất rõ ràng trong phát triển du lịch ĐBSCL: miệt vườn sông nước đặc thù, làng nghề, di tích lịch sử cách mạng có Vĩnh Long - Bến Tre - Tiền Giang - Trà Vinh; tâm linh, biển đảo, sông nước đô thị, thương mại có An Giang - Kiên Giang - Cần Thơ - Hậu Giang; cụm văn hóa, rừng ngập mặn có Bạc Liêu - Sóc Trăng - Cà Mau; hệ sinh thái ngập nước có Long An - Đồng Tháp...
Du khách khám phá rừng tràm Trà Sư (An Giang)
Ông Nguyễn Thế Vinh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist, nhận định: Sản phẩm du lịch phải dựa trên nhu cầu thị trường và thị hiếu của du khách, đáp ứng các điều kiện cơ bản như độ hấp dẫn, an toàn vệ sinh... Đối với ĐBSCL, mỗi địa phương nên có sản phẩm đặc thù, tạo điểm nhấn để thu hút du khách. Muốn vậy, cần phải chăm chút điểm đến sao cho bật lên được yếu tố văn hóa, yếu tố sinh thái... Chúng ta có thể đầu tư lớn hơn, rộng hơn nhưng cần lưu ý hạn chế sự giả tạo, phá đi tính văn hóa của du lịch. Cảng biển Phú Quốc, cảng Cần Thơ; dự án mở rộng và nâng cao chất lượng của rừng tràm Trà Sư, dự án cáp treo ở Phú Quốc; phát triển du lịch cộng đồng... là những định hướng rất đúng với nhu cầu, thị hiếu của thị trường du lịch.
Gác kèo ong tại U Minh Hạ
Tuy nhiên, du lịch ĐBSCL vẫn tồn tại một số hạn chế trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng chưa đồng đều ở các địa phương; khai thác nhiều nhưng đầu tư chưa tới; nhận thức và kiến thức của cộng đồng dân cư trong khu vực hoạt động du lịch chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển du lịch cộng đồng; giới thiệu sản phẩm thông qua “truyền khẩu” nhiều hơn việc quảng bá tiếp thị một cách bài bản. Thêm vào đó, tình hình biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng nhanh, sự xâm nhập mặn làm biến đổi hệ sinh thái vùng sông nước, việc xây dựng các đập thủy điện vùng thượng nguồn Mê Kông dẫn đến hạn hán nghiêm trọng.
Ký kết hợp tác phát triển du lịch giữa TP HCM và cụm phía Tây ĐBSCL giai đoạn 2016-2020 sẽ tập trung vào việc trao đổi thông tin đa chiều; hợp tác xúc tiến và quảng bá du lịch; phát huy thế mạnh từng địa phương; tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư; phát triển nguồn nhân lực; xây dựng cơ chế tham vấn lẫn nhau khi triển khai xây dựng sản phẩm mới phù hợp với thị hiếu, nhu cầu của du khách cũng như các tiêu chuẩn về du lịch xanh, du lịch có trách nhiệm với môi trường, du lịch bền vững. Qua đó, sản phẩm của mỗi địa phương cần đi vào chi tiết, không chỉ đáp ứng mỹ quan của điểm đến mà còn phải tương tác nhiều hơn để tạo sự thích thú và chạm đến cảm xúc của du khách.
Theo ông Lê Thanh Phong, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, sắp tới đây, ĐBSCL sẽ phát triển theo văn bản pháp lý cao hơn: Quy hoạch tổng thể do Thủ tướng phê duyệt (trước đây là theo đề án phát triển du lịch đến năm 2020 do Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch ký quyết định ban hành). Quy hoạch tổng thể này đã xác định các trung tâm du lịch; khu, điểm du lịch quốc gia tại ĐBSCL. Trong đó, 5 khu du lịch quốc gia gồm: Khu Du lịch Thới Sơn (Tiền Giang, Bến Tre), Khu Du lịch Tràm Chim - Láng Sen (Đồng Tháp - Long An), Khu Du lịch Năm Căn - Cà Mau (Cà Mau), Khu Du lịch Núi Sam (An Giang), Khu Du lịch Phú Quốc (Kiên Giang); 7 điểm du lịch quốc gia, gồm: xứ sở hạnh phúc Happy Land (Long An), Ao Bà Om (Trà Vinh), cù lao Ông Hổ (An Giang), văn thánh miếu (Vĩnh Long), khu lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu (Bạc Liêu), bến Ninh Kiều (Cần Thơ), thị xã Hà Tiên (Kiên Giang); 2 trung tâm du lịch là TP Cần Thơ và Phú Quốc sẽ đảm nhận vai trò phát triển, phân phối khách cho toàn vùng, trong đó, Cần Thơ phải chuyển đổi từ “điểm dừng” thành “điểm đến”.
Ông Lã Quốc Khánh, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP HCM: Chương trình hợp tác phát triển du lịch giữa TP HCM và các tỉnh ĐBSCL trong 5 năm qua đã đạt một số thành tích đáng khích lệ. Sự phát triển cơ sở hạ tầng đã tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp du lịch TP HCM tập trung đầu tư vào sản phẩm. Việc hoàn thiện các sản phẩm trong tuyến du lịch về miền Tây đã tạo ra sức thu hút cho người tiêu dùng du lịch. Điều mà ĐBSCL đã làm được chính là sự quy hoạch, phân khu chức năng, định vị được điểm đến, định vị được sản phẩm và định vị được cả công tác quảng bá, xúc tiến. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi cần có thêm một khoảng thời gian để tiếp tục thắt chặt mối quan hệ thông qua cửa ngõ phát triển du lịch của TP HCM, cùng với đội ngũ tổ chức lữ hành khá hùng hậu tại TP để phát triển du lịch; không chỉ gửi khách, trao đổi kinh nghiệm, kiến thức mà còn phải phối hợp, tiếp thị điểm đến của cả vùng, phân tích và xây dựng được từng chương trình du lịch theo thị trường ngách.
Bình luận (0)