Một blogger du lịch trẻ vừa lên tiếng kêu gọi các du khách Việt Nam khi ra nước ngoài cần thể hiện mình là một "đại sứ văn hóa" của đất nước. Có thể kể một số thói xấu của người Việt khi đi du lịch như: nói to ở nơi công cộng, vô tư hút thuốc nơi có biển cấm; xả rác bừa bãi; ăn cắp vặt; trang phục không phù hợp với điểm tham quan; ăn uống lãng phí...
Thói xấu từ tâm lý đám đông
Bà Trần Thị Bảo Thu, Giám đốc tiếp thị và truyền thông Công ty Du lịch Fiditour, cho biết trước mỗi điểm đến, đội ngũ hướng dẫn viên của công ty thường nhắc nhở du khách tuân thủ quy định song nhiều người không để ý, thậm chí một vài du khách còn tỏ thái độ khó chịu. Nhiều người vi phạm vì làm theo đám đông, như thấy mọi người vứt rác bừa bãi cũng làm theo hoặc lấy quá nhiều thức ăn khi ăn buffet gây lãng phí.
Du khách tham quan một ngôi đền ở Đài Loan Ảnh: CHÂU QUYÊN
Nguyên nhân tình trạng "xấu xí" chốn công cộng của du khách Việt, theo những người làm du lịch, là do quản lý lỏng lẻo, xử phạt chưa đủ mạnh để răn đe, ngăn ngừa người vi phạm ngay khi ở trong nước. Thậm chí, thói quen ăn cắp vặt còn khiến nhiều người Việt mang tiếng xấu khi ra nước ngoài, bị bắt, xử phạt.
Ở các trung tâm mua sắm của nước ngoài thường được giám sát bằng hệ thống camera nhưng nhiều du khách cho rằng có thể dễ dàng lấy cắp vì không thấy nhân viên bán hàng đứng giám sát. Cuối năm 2017, vụ việc 5 người Việt bị bắt tại Nhật vì nghi đã trộm 78.000 USD gây bức xúc dư luận. Đầu năm nay, cảnh sát Đài Loan cũng bắt giữ một nhóm du khách người Việt với cáo buộc trộm cắp hàng hóa, tịch thu tang vật trị giá hơn 30.000 USD… Không hiếm trường hợp du khách đi du lịch "chân tay táy máy", ăn cắp vặt phải nộp phạt xong mới được bay về nước.
Ban hành quy tắc ứng xử cho du khách Việt
Bà Đoàn Thị Thanh Trà, Giám đốc tiếp thị và truyền thông Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist, cho rằng muốn cải thiện cần có thời gian thay đổi thói quen, văn hóa. Cụ thể, phải xem việc xả rác nơi công cộng, hút thuốc lá không đúng nơi quy định, vẽ bậy lên di tích văn hóa lịch sử là những hành vi vi phạm pháp luật có mức độ ngang nhau. Phải có lòng tự trọng, tự thân biết xấu hổ khi làm những điều đó.
Đại diện một công ty du lịch lại cho hay du khách đi theo tour thì có thể căn dặn, nhắc nhở nhưng du khách đi tự túc thì nằm ngoài sự kiểm soát, quản lý của công ty du lịch. Chưa kể hướng dẫn viên cũng chỉ làm hết trách nhiệm của mình, còn du khách có thực hiện đúng hay không lại là chuyện khác, như công ty du lịch không thể kiểm soát việc du khách ăn cắp vặt ở siêu thị, trung tâm thương mại.
TS Huỳnh Trung Minh, chuyên gia kinh tế, nhận định thói quen xấu từ xả rác, vẽ bậy, thậm chí ăn cắp vặt khi đi nước ngoài sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh của người Việt. "Bên cạnh việc cảnh báo, khuyến cáo của các công ty du lịch, cần áp dụng biện pháp xử phạt đối với những hành vi này của du khách, chẳng hạn như việc nói "có bom" trên máy bay có thể bị cấm bay; hành vi xâm phạm di tích, vẽ bậy... có thể bị cấm đi du lịch. Những hình ảnh xấu xí của du khách Việt ở nước ngoài về lâu dài có thể ảnh hưởng đến việc xin visa khi tới các điểm đến đó" - TS Huỳnh Trung Minh nói.
Theo các chuyên gia du lịch, nên luật hóa hoặc có những bộ quy tắc ứng xử dành cho du khách khi đi du lịch nước ngoài. Hiện Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã ban hành Bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch với phạm vi điều chỉnh dành cho người Việt Nam đi du lịch trong và ngoài nước, các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động kinh doanh du lịch và cả cộng đồng dân cư tại các điểm du lịch. Một số địa phương cũng có bộ quy tắc ứng xử du lịch riêng như TP HCM, Đà Nẵng, Lâm Đồng…
Ông TRẦN THẾ DŨNG, Phó Giám đốc Công ty Du lịch Thế Hệ Trẻ:
Nhiều nơi không thích du khách châu Á
Tôi vừa dẫn đoàn du khách đi Canada, Mỹ và thấy rằng có nhiều nơi họ không quá hiếu khách với một bộ phận khách đến từ châu Á, trong đó có khách Trung Quốc, Việt Nam... Có thể do du khách có những sinh hoạt quá tự nhiên, từ chen lấn khi chụp ảnh, thanh toán, không xếp hàng; đến các di tích thì sờ mó, rờ vào tượng.
Ông TỪ QUÝ THÀNH, Giám đốc Công ty Liên Bang Travel:
Chủ động nhắc du khách
Tại nhiều điểm đến ở Nhật có cây may mắn, khi du khách được phát sợi dây may mắn sẽ đeo ở tay hoặc treo lên cây. Vài lần tôi chứng kiến du khách Việt đã trèo cả lên cây hoặc níu cành xuống để cột dây may mắn vào, rất phản cảm trong mắt người dân bản địa. Vì vậy, hướng dẫn viên các công ty lữ hành cần thường xuyên nhắc nhở du khách, nêu rõ những việc được và không được làm ở các di tích, danh thắng.
Bình luận (0)