Từ đầu tháng 8-2019, Nghị định 45/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực du lịch bắt đầu có hiệu lực. Điểm c khoản 13 điều 7 của nghị định này quy định: Doanh nghiệp (DN) kinh doanh dịch vụ lữ hành sẽ bị phạt tiền từ 80-90 triệu đồng đối với hành vi "Để khách du lịch trốn ở lại nước ngoài hoặc trốn ở lại Việt Nam trái pháp luật".
Lạc hậu so với thực tế
Theo các công ty du lịch, quy định tại Nghị định 45 có thể xuất phát từ quan niệm người đi du lịch đều mua chương trình trọn gói của DN kinh doanh dịch vụ lữ hành tại Việt Nam, đi theo đoàn lớn và có hướng dẫn viên đi kèm. Như vậy, công ty du lịch có trách nhiệm quản lý khách từ đầu đến cuối chương trình và phải đưa khách đi đến nơi về đến chốn.
Quan niệm này hiện đã lạc hậu so với thực tế. Theo ông Phan Xuân Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty Du ngoạn Việt, du khách mua tour rất đa dạng như: tour trọn gói, tự túc, tour free & easy (chỉ đặt vé máy bay, khách sạn, dịch vụ đưa đón), tour linh hoạt theo nhu cầu của du khách...
Hàn Quốc là điểm đến hấp dẫn của du khách Việt Ảnh: NGỌC CÚC
"Số lượng thị trường được miễn visa du lịch đến Việt Nam ngày càng nhiều nên khách có thể đi tự túc hoặc chỉ mua một phần dịch vụ của công ty du lịch. Nếu bắt DN phải chịu trách nhiệm về việc khách bỏ trốn sau khi đã mua tour thì rất vô lý" - ông Phan Xuân Anh phân tích.
Chủ tịch hội đồng thành viên một công ty du lịch cho rằng điều này trái với định nghĩa về hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành trong Luật Du lịch 2017, là "việc xây dựng, bán và tổ chức thực hiện một phần hoặc toàn bộ chương trình du lịch cho khách du lịch".
"Kể cả khi đoàn khách đi theo chương trình trọn gói, hướng dẫn viên du lịch là người đại diện duy nhất của công ty du lịch theo suốt hành trình. Họ quán xuyến chỗ ăn chỗ ở, điểm tham quan, phương tiện vận chuyển, thuyết minh rã rời cả ngày, đến tối dẫn khách đi chơi, mua sắm, giải quyết vô số trục trặc có thể xảy ra... Làm sao hướng dẫn viên có thể quản toàn bộ du khách trong một đoàn trung bình 15-20 người? Theo Nghị định 45, các công ty du lịch biến hướng dẫn viên thành cảnh sát là không thực tế" - vị này nhận định.
Kiểm soát từ đầu vào
Lãnh đạo một số công ty du lịch cho biết số lượng khách đi du lịch qua DN lữ hành hiện chiếm chưa tới 50%. Trong lĩnh vực du lịch tàu biển, khách tàu biển cũng chưa tới 50% đi theo tour trọn gói mà số lượng đi tự túc ngày càng nhiều.
"Nếu tính theo công suất của tàu biển thì có thể từ 3.000-4.000 khách. Trong số này chỉ khoảng 1.000 khách mua tour trọn gói nên các công ty rất khó thống kê con số cụ thể. Giờ yêu cầu DN lữ hành kiểm soát khách để tránh bỏ trốn ở lại chẳng khác nào đẩy khó cho công ty du lịch, nếu không muốn nói là không thể" - lãnh đạo một công ty du lịch chuyên về khách tàu biển nói.
Theo các công ty du lịch, để thực hiện Nghị định 45, DN chỉ có biện pháp thắt chặt khâu xét duyệt hồ sơ xin visa. Vai trò của công ty du lịch là cung cấp bằng chứng về các dịch vụ như máy bay, khách sạn, chương trình tour; đưa ra những lời khuyên về hồ sơ visa hay xếp hàng nộp hộ khách. Nhưng việc xét duyệt và quyết định cấp visa luôn thuộc về các cơ quan lãnh sự của từng quốc gia.
Ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc truyền thông Công ty TST Tourist, cho rằng vấn đề cốt lõi là nhằm hạn chế tình trạng di cư và nhập cư bất hợp pháp. Cá nhân phải chứng minh được việc làm ổn định, có năng lực tài chính, tài sản để không bỏ trốn... Các công ty lữ hành đóng vai trò tư vấn để hồ sơ khách hàng đáp ứng đủ yêu cầu của lãnh sự các nước.
"Để chắc chắn 100% khách có visa không bỏ trốn là điều không tưởng vì việc bỏ trốn chỉ xảy ra khi khách đã đặt chân đến quốc gia họ cần đến. Có rất nhiều cách họ có thể bỏ trốn mà hướng dẫn viên, người đại diện DN làm trưởng đoàn quản lý, hỗ trợ du khách cũng rất khó biết để xử lý" - ông Mẫn phân tích.
Hàn Quốc và Nhật Bản đã trao một phần trách nhiệm sơ tuyển hồ sơ visa cho công ty du lịch, còn nhiều nước đều tự xét duyệt visa cho du khách mà không hề xem vé máy bay hay chương trình tour là của công ty du lịch nào. Nếu cơ quan lãnh sự của quốc gia đến đã đồng ý cấp visa cho du khách, công ty du lịch liệu có cơ sở gì để phán đoán là khách có thể trốn lại để từ chối dịch vụ?
Công ty du lịch nào tạo dựng hồ sơ giả, tham gia vào các đường dây buôn người, vượt biên đều phải bị trừng phạt và đã được quy định rõ trong luật. Nhưng không thể bắt DN thực hiện việc quản thúc du khách từ đầu đến cuối. Do đó, các DN kiến nghị cơ quan quản lý có hướng dẫn hợp lý và phù hợp thực tế để tránh kìm hãm sự phát triển của ngành du lịch.
Bình luận (0)