UBND TP HCM vừa có văn bản đề xuất Bộ Tài chính tham mưu Chính phủ cấm hẳn hoạt động của các công ty đòi nợ thuê. Lý do là để hạn chế những hệ lụy, ảnh hưởng trật tự an toàn xã hội. Việc vay nợ là hợp đồng giao dịch dân sự, nếu các bên vi phạm hợp đồng, có thể nhờ hệ thống cơ quan thực thi pháp luật vào cuộc. Như bạn Ngộ Không nhận xét: "Mọi quan hệ dân sự đều đã được luật hóa. Vậy cho phép các công ty đòi nợ thuê hoạt động để làm gì?".
Nhiều bạn đọc dẫn chứng nhiều hoạt động đòi nợ thuê đã gây hoang mang trong dư luận, làm ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội, như chặn xe trước nhà hay công ty, căng biểu ngữ đòi nợ., cho người tạt mắm tôm, sơn vào tường nhà, nhắn tin, điện thoại liên tục, bất kể giờ giấc. Có trường hợp các công ty đòi nợ thuê khủng bố người thân của con nợ dù họ không liên quan, chịu không xiết, nhiều người phải vay mượn tiền đưa cho họ để được yên thân…. Theo nhiều người, nhân viên các công ty hoạt động đòi nợ thuê hành xử chẳng khác gì với giang hồ đâm thuê chém mướn. Đáng nói là dù những nhân viên đòi nợ này chửi bới, hăm dọa con nợ nhưng công an không thể xử vì không có bằng chứng cụ thể chứng minh nạn nhân bị thiệt hại nặng nề.
Vui mừng trước kiến nghị của UBND TP HCM, bạn Nam Nguyễn đề xuất: "Theo tôi, Chính phủ nên cấm hẳn, ngay bây giờ, không đợi sửa luật". Chưa biết kết quả ra sao, nhưng bạn Trần Minh Chính nói: "Đây là một quyết định đúng đắn, ích nước lợi dân, mong Chính phủ nhanh chóng loại dịch vụ trá hình này, mang lại sự bình yên cho nhân dân trong cả nước".
Từ vụ việc này, bạn Hoàng Việt Cường kiến nghị nên xiết lại hoạt động cho vay của nhiều công ty trực tuyến đang hoạt động rầm rộ khắp các tỉnh thành, từ ngoài đường đến hang cùng ngõ hẻm. "Hoan hô TP đề nghị cấm dịch vụ đòi nợ thuê và cũng mong TP quản lý lãi suất của các công ty cho vay trực tuyến vì lãi suất quá cao"- bạn Cường nhắc nhở.
Mong rằng từ kiến nghị của TP HCM và ý muốn của người dân, Chính phủ ra quyết định cấm những công ty đòi nợ thuê gây ức chế cho nhiều người từ nhiều năm qua. Không chỉ vậy, hơn hết là các cơ quan công an, tòa án, thi hành án cần hoạt động tích cực hơn để nâng cao tinh thần thượng tôn pháp của người dân và lấy lại niềm tin của mọi người, theo tôn chỉ "sống và làm việc theo hiến pháp, pháp luật".
Bình luận (0)