Cuối tuần qua, phóng viên Báo Người Lao Động đã đến bến phà Bình Quới - nối quận Bình Thạnh và TP Thủ Đức, TP HCM. Nơi đây quang cảnh vắng vẻ, không có ai trông coi, thi thoảng vài người chạy xe máy tới nhưng rồi quay đầu trong thất vọng.
Tiếc nuối
Ghé bến phà Bình Quới với ý định qua TP Thủ Đức, anh Trương Kiệt (ngụ quận Tân Phú) mới biết nơi đây không còn hoạt động. Để sang được bên đó, anh phải đi đường bộ vòng hơn 7 km nữa.
"Tôi chưa nghe tin nên bị bất ngờ. Vậy là từ nay có việc cần đi lại thì phải vượt thêm gần chục cây số. Điều đáng tiếc nữa là không được ngắm cảnh sông nước để tâm hồn thư thái hơn trước khi giải quyết công chuyện" - anh Kiệt bày tỏ, đồng thời hy vọng đây chỉ là quãng nghỉ tạm thời của bến phà.
Thấy khách đến rồi quay đi, cô Năm, người dân sống tại đây, cho hay bến phà Bình Quới ngưng hoạt động từ ngày 1-7 do chủ bến chưa được cấp phép hoạt động lại.
Theo cô, có bến phà rất thuận tiện cho người dân ở Bình Thạnh muốn qua Thủ Đức vì chỉ mất vài phút; còn không thì phải qua đường Xô Viết Nghệ Tĩnh hoặc Phạm Văn Đồng, xa hơn mà còn kẹt xe. Phà đóng cửa, ai cũng tiếc.
Không chỉ bến phà Bình Quới, ông Nguyễn Kim Toản, Giám đốc Công ty TNHH Thường Nhật - đơn vị vận hành tuyến buýt sông số 1 (Bến Bạch Đằng - Linh Đông), thông tin lộ trình tuyến buýt sông đi qua 5 bến thì bến Thanh Đa đã ngừng hoạt động do địa phương không gia hạn giấy phép. Vì thế, tàu buýt sông không ghé đón khách bến này nữa. Bến tàu Cầu Mống (quận 4) phục vụ tour du lịch đường sông cũng trong tình trạng tương tự.
Theo ông Toản, việc các địa phương không gia hạn giấy phép cho các bến thủy này khiến hoạt động đưa đón khách du lịch, khách đường thủy gặp trở ngại. Sau giai đoạn dịch COVID-19, giao thông thủy dần hồi phục, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước, doanh nghiệp chưa kịp mừng thì đã lo.
Mở lối phát triển
Ông Phan Xuân Anh cho rằng doanh nghiệp sẵn sàng tham gia đấu thầu để được khai thác các bến khách, bến thủy theo quy định pháp luật. Doanh nghiệp đang chờ có đơn vị đứng ra tổ chức đấu thầu.
Trong khi đó, ông Nguyễn Kim Toản đề xuất sớm tháo gỡ điểm nghẽn về cơ chế cho thuê đất, quy hoạch sử dụng đất dọc hành lang sông rạch để mở lối phát triển giao thông thủy.
Chung trăn trở, ông Phan Xuân Anh - Chủ tịch HĐQT Công ty Du ngoạn Việt, đơn vị vận hành tour đường thủy kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè - cho hay về luồng thủy thì tàu thuyền vẫn hoạt động bình thường. Chỉ có điều, đầu bến trên bờ phía quận 1, quận 3 không được địa phương gia hạn giấy phép do vướng quy định về sử dụng đất công.
Từ chuyện này, công ty phải giảm 50% lượng phương tiện phục vụ tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, hoạt động cầm chừng chờ hướng dẫn.
"Tuy giảm phương tiện nhưng công ty vẫn duy trì trả lương cho đội ngũ lái tàu, phục vụ... nên khá chật vật. Chúng tôi rất mong cơ quan nhà nước sớm thống nhất gỡ khó, cấp phép lại cho các bến khách đường thủy này" - ông Phan Xuân Anh bày tỏ.
Chung tay gỡ vướng
Đề cập vướng mắc khiến các địa phương ngừng gia hạn cấp phép các bến thủy, bến khách ngang sông, ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM, cho biết theo Nghị định 08/2021 về quản lý hoạt động bến thủy nội địa thì hồ sơ cảng, bến thủy nội địa liên quan trên địa bàn sẽ do các địa phương xem xét, giải quyết, công bố hoạt động, gia hạn theo thẩm quyền.
"Theo tìm hiểu thì nhiều địa phương cho rằng điều kiện để cấp phép hoạt động cho bến thủy là đất phải có chủ sở hữu. Tuy nhiên, đa số đất làm bến thủy, bến khách ngang sông nằm trên hành lang sông, kênh rạch không có chủ sở hữu mà thuộc sở hữu nhà nước. Do đó, việc sử dụng đất công, đất hành lang sông rạch phải thông qua đấu thầu theo Luật Đất đai" - ông An giải thích. Theo ông, đây là điểm nghẽn lớn, dẫn tới các địa phương không cấp phép cho các bến thủy đang hoạt động.
Để giải quyết khó khăn này, ông An cho hay Sở GTVT đã tổ chức họp, hướng dẫn các địa phương cũng như đề xuất các ngành liên quan cùng tháo gỡ, tạo điều kiện cho những bến thủy hoạt động bình thường. Bởi lẽ, điều này vừa đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân vừa bảo đảm định hướng phát triển giao thông thủy cho TP HCM đến năm 2030.
TS Phạm Viết Thuận, Viện trưởng Viện Kinh tế Tài nguyên và Môi trường TP HCM, nhận định với lợi thế 110 tuyến sông rạch trên tổng chiều dài khoảng 1.100 km nhưng TP HCM chỉ đang khai thác khoảng 20 tuyến vận tải hành khách và du lịch đường thủy là con số khiêm tốn.
Trong bối cảnh phát triển du lịch đường thủy là định hướng của TP HCM nhằm khai thác tiềm năng sông rạch cũng như chia sẻ với giao thông đường bộ, thành phố cần sớm tháo gỡ những những vướng mắc, khó khăn về sử dụng đất công, đất hành lang sông rạch.
"Trong lúc chờ các quy hoạch về đất hành lang sông rạch, UBND TP HCM có thể trình HĐND thành phố thông qua tiêu chí về điều kiện cấp phép hoạt động cho các bến thủy, bến khách, bến vật liệu... Song song đó, ban hành mức phí đối với các bến thủy này để các địa phương có cơ sở thực hiện" - ông Thuận đề xuất.
Đề nghị phối hợp kiểm tra, xử lý
Theo thống kê của Sở GTVT, TP HCM tồn tại 54 bến thủy nội địa hoạt động không có giấy phép. Trong đó, 51 bến thủy nội địa đang hoạt động trên các tuyến sông, kênh, rạch do Cảng vụ Đường thủy nội địa thành phố quản lý; 3 bến thủy nội địa do Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực III quản lý.
Sở GTVT đã đề nghị cơ quan chức năng, gồm công an thành phố, các quận - huyện, thanh tra sở, phối hợp kiểm tra, xử lý đối với các bến thủy nội địa chưa được công bố, cấp phép hoạt động. Qua đó, tổ chức cưỡng chế đối với trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc không tự tháo dỡ theo quy định.
Ngoài ra, Sở GTVT đề nghị kiên quyết xử lý nghiêm chủ tàu, người điều khiển phương tiện vi phạm điều kiện an toàn...
Bình luận (0)