Theo Reuters, Trung tâm Khoa học và Môi trường (một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở chính tại New Delhi) ước tính thời tiết cực đoan đã khiến gần 3.000 người tử vong tại Ấn Độ trong năm nay.
Ông K.S. Hosalikar, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu và dịch vụ khí hậu tại Cục Khí tượng Ấn Độ (IMD), cho biết IMD đang đưa ra dự báo dựa trên các mô hình toán học sử dụng siêu máy tính. Việc ứng dụng AI với mạng quan sát mở rộng có thể giúp tạo ra dữ liệu dự báo chất lượng cao với chi phí thấp hơn.
Theo ông Hosalikar, IMD hy vọng các mô hình và tư vấn về khí hậu dựa trên AI mà họ đang phát triển sẽ giúp cải thiện chất lượng dự báo. Cơ quan này đã sử dụng AI để tạo ra cảnh báo công khai về nắng nóng và các bệnh như sốt rét.
Họ cũng dự định tăng cường các đài quan sát thời tiết và cung cấp dữ liệu có độ phân giải cao hơn để phục vụ việc dự báo. Các chuyên gia nhận định dữ liệu tốt hơn là cần thiết để tận dụng tối đa khả năng của AI.
Theo tờ The New Indian Express, một nghiên cứu gần đây của Viện Công nghệ Ấn Độ (IIT) cho thấy việc ứng dụng AI có thể giúp cải thiện dự báo thời tiết ở miền Đông Bắc - khu vực có địa hình phức tạp và thường xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan.
Chẳng hạn, việc dự báo chính xác hơn về lượng mưa tại khu vực có thể giúp đưa ra cảnh báo sớm hơn, nhờ vậy công tác chuẩn bị ứng phó thảm họa hiệu quả hơn.
Với Ấn Độ, dự báo thời tiết chính xác còn đặc biệt quan trọng bởi nước này hiện là nhà sản xuất gạo, lúa mì và đường lớn thứ hai thế giới.
Bên cạnh Ấn Độ, nhiều cơ quan thời tiết trên thế giới cũng tập trung khai thác AI với hy vọng có thể giúp giảm chi phí và cải thiện tốc độ xử lý. Cơ quan Thời tiết Anh nhận định AI có thể "cách mạng hóa" việc dự báo thời tiết sau khi một mô hình được hãng Google tài trợ tỏ ra vượt trội các phương pháp truyền thống.
Thăm dò ý kiến
Theo bạn, những sự kiện quốc tế nào nóng nhất năm 2023?
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Bình luận (0)