"Đưa trường học đến thí sinh" là chương trình tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh được Báo Người Lao Động tổ chức xuyên suốt 23 năm nay với sự tham gia, đồng hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), ĐHQG TP HCM, các trường ĐH, CĐ và các doanh nghiệp. Bước sang năm thứ 23, chương trình tiếp tục được đổi mới nhằm giúp học sinh khối 12 xác định đúng ngành nghề phù hợp để chuẩn bị hành trang vào đời.
Định hướng tương lai
Năm nay, chương trình sẽ được khai mạc tại Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, TP Thủ Đức (TP HCM) vào sáng 9-3, dự kiến Đài Truyền hình TP HCM (HTV) truyền hình trực tiếp với sự tham gia của gần 2.000 học sinh các Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, THPT Dương Văn Thì, THPT Linh Trung, THPT Thủ Đức, THPT Đào Sơn Tây...
Ngoài TP HCM, "Đưa trường học đến thí sinh" năm nay sẽ đến với các tỉnh Vĩnh Long (16-3), Quảng Ngãi (24-3) và Kon Tum (6-4) với sự tham dự của hàng ngàn học sinh của các trường THPT trên địa bàn và được các đài phát thanh - truyền hình địa phương truyền hình trực tiếp để lan tỏa thông tin đến những thí sinh không có điều kiện dự trực tiếp. Chương trình cũng sẽ được tường thuật qua các nền tảng truyền thông của Báo Người Lao Động.
Tại mỗi chương trình, đại diện Bộ GD-ĐT sẽ thông tin đến thí sinh về kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024, những thay đổi trong quy chế tuyển sinh; tư vấn định hướng nghề nghiệp cho thí sinh và cung cấp thông tin về tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ cũng như giúp các em khám phá sở thích nghề nghiệp và tư vấn cho các em những ngành học phù hợp nhất. Tại các chương trình, Báo Người Lao Động sẽ trao học bổng cho học sinh dân tộc thiểu số, học sinh nghèo hiếu học và lồng ghép các hoạt động trao "Mai Vàng tri ân", "Cờ Tổ quốc biên cương", khánh thành "Đường cờ Tổ quốc"... tại một số địa phương.
Đã có nhiều năm đồng hành cùng chương trình, TS Lê Trung Đạo, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - Marketing, đánh giá "Đưa trường học đến thí sinh" đóng vai trò là một cầu nối đáng tin cậy giữa phụ huynh, học sinh THPT và các trường ĐH, CĐ. Chương trình cung cấp cơ hội cho họ tương tác và trao đổi thông tin về các hoạt động tuyển sinh hằng năm của các trường ĐH, CĐ.
"Trong bối cảnh sự bùng nổ và phát triển của các hoạt động truyền thông, việc có một nguồn thông tin uy tín, nhanh chóng và thiết thực là vô cùng quan trọng. Từ đó, giúp phụ huynh và học sinh có thể tự tin hơn khi lựa chọn ngành nghề và trường học phù hợp với năng lực và điều kiện cá nhân của mình" - TS Lê Trung Đạo nhận định.
ThS Phùng Quán, chuyên gia tuyển sinh Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQG TP HCM, cũng đánh giá chương trình "Đưa trường học đến thí sinh" của Báo Người Lao Động đã đem đến những thông tin cần thiết nhất cho học sinh THPT. "Việc truyền hình trực tiếp chương trình trên các kênh truyền hình địa phương và công bố thông tin trên website đã giúp lan tỏa thông tin, kiến thức một cách rộng rãi, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh tiếp cận thông tin sớm, chính xác. Đồng thời, chương trình cũng tặng nhiều suất học bổng cho các em học sinh khó khăn, nghèo nhưng có tinh thần học tập cao, điều này thực sự đáng quý và đáng được ghi nhận" - ThS Phùng Quán tâm đắc.
Thiết thực tập huấn kỹ năng hướng nghiệp
Xuyên suốt 23 năm, "Đưa trường học đến thí sinh" luôn lấy hướng nghiệp làm trọng bởi việc định hướng cho học sinh chọn đúng nghề nghiệp phù hợp sẽ giúp các em gắn kết và có sự phát triển nghề nghiệp trong tương lai. Vì vậy, trong mỗi chương trình, học sinh đều được tư vấn định hướng nghề nghiệp.
Phát triển hợp phần này, từ năm 2022, chương trình "Đưa trường học đến thí sinh" tổ chức thêm các buổi tập huấn hướng nghiệp cho hàng trăm giáo viên kiêm nhiệm công tác hướng nghiệp ở mỗi nơi chương trình đến.
Bà Lê Thái Trường Thi, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Ninh Thuận, cho biết giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh là công tác rất quan trọng, một trong những nhiệm vụ của thầy cô để giúp học sinh chọn đúng ngành, làm đúng nghề. Song hiện nay, giáo viên còn lúng túng trong công tác hướng nghiệp nên chương trình "Đưa trường học đến thí sinh" đã "giải cơn khát" đó, cập nhật kiến thức và bồi dưỡng kỹ năng cho giáo viên là rất thiết thực.
Ông Mai Huy Phương, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Trị, cho biết trong chương trình giáo dục phổ thông mới, hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp đã được thực hiện, đa phần phụ huynh và học sinh có sự đầu tư nhất định cho việc tìm hiểu và định hướng chọn nghề. Tuy nhiên, có thực tế là học sinh không chú trọng đến hướng nghiệp chọn nghề mà chỉ cốt đậu ĐH. "Chính vì vậy, các em rất dễ chọn sai và hệ lụy là bị đào thải, khó tìm được việc làm sau khi ra trường. Nên việc tập huấn kỹ năng hướng nghiệp cho giáo viên để "gỡ khó" cho học sinh từ sớm là rất cần thiết" - ông Phương nói.
TS Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP HCM - chuyên gia hướng nghiệp nhiều năm đồng hành với chương trình, nhận định: Việc lấy hướng nghiệp làm trọng làm cho chương trình "Đưa trường học đến thí sinh" của Báo Người Lao Động có sự khác biệt và đặc sắc so với các chương trình tư vấn tuyển sinh khác. Qua đó giúp cho uy tín chương trình ngày càng lan tỏa và được học sinh, giáo viên và các trường THPT, ĐH, CĐ đón nhận tích cực.
Chương trình hội tụ nhiều chuyên gia giàu kinh nghiệm
Chương trình khai màn tại TP HCM sẽ quy tụ dàn chuyên gia tư vấn tuyển sinh giàu kinh nghiệm, gồm PGS-TS Nguyễn Thu Thuỷ, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) cùng đại diện ĐHQG TP HCM, Trường ĐH Tài chính - Marketing, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, Trường ĐH Mở TP HCM, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, Trường CĐ Kỹ thuật - Du lịch Sài Gòn...
Ông Đỗ Dương Cung, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, đánh giá "Đưa trường học đến thí sinh" là chương trình lớn, có thương hiệu của Báo Người Lao Động, trường sẽ tích cực phối hợp tổ chức và huy động tất cả học sinh khối 12 cũng như giáo viên quan tâm tham gia, đồng thời nỗ lực phối hợp trong khâu tổ chức để chương trình khai mạc thành công, hiệu quả.
Bình luận (0)