TP HCM đang có chính sách cho các doanh nghiệp (DN) công nghiệp trọng yếu, công nghiệp hỗ trợ vay vốn ưu đãi 50% hoặc 100% lãi suất. Số vốn có thể vay cho mỗi dự án lên đến 200 tỉ đồng.
Hướng đến thành phố công nghiệp
Bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, Phó Giám đốc Sở Công Thương, cho biết TP HCM là một trong những thành phố công nghiệp. Lĩnh vực công nghiệp luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo UBND, HĐND TP HCM.
Định hướng phát triển TP HCM sắp tới là tập trung phát triển công nghiệp công nghệ cao, sản xuất sản phẩm công nghệ cao, nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo, sản xuất thông minh, liên kết vùng, chuyển dịch nội ngành công nghiệp, trong đó theo hướng tự động hóa với các quy trình sản xuất thông minh, sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo…
"Để thúc đẩy quá trình phát triển này, ngay sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 98/2023 về cơ chế đặc thù cho TP HCM, HĐND thành phố đã ban hành Nghị quyết 09 để quy định chính sách hỗ trợ đối với một số ngành. Trong đó, ngành công nghiệp bao gồm công nghiệp trọng yếu, công nghiệp hỗ trợ và logistics" - bà Ngọc thông tin.
Để hiện thực hóa chính sách hỗ trợ nêu trên, tháng 7 vừa qua, UBND TP HCM đã ban hành Quyết định 42, quy định cụ thể nhiệm vụ của các sở, ngành trong việc hỗ trợ DN tiếp cận các chương trình kích cầu.
Riêng trong lĩnh vực vốn, mới đây, Sở Công Thương đã phối hợp với Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP HCM (HFIC) triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất đối với các dự án đầu tư thuộc 4 ngành công nghiệp trọng yếu, lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ…
Chương trình riêng có của TP HCM
Ông Nguyễn Quang Thanh, Phó Tổng Giám đốc HFIC, cho biết UBND TP HCM đã thành lập 2 tổ công tác nhằm xem xét triển khai nhanh chính sách hỗ trợ lãi suất đối với các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực ưu tiên sẽ được hưởng hỗ trợ lãi suất, giúp giảm bớt gánh nặng tài chính cho chủ đầu tư, bao gồm các DN lĩnh vực công nghiệp trọng yếu, công nghiệp hỗ trợ.
HFIC đã tích cực phối hợp với DN, các sở, ban ngành của thành phố trao đổi về những giải pháp thực thi hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN trong việc đầu tư phát triển dự án. Cùng với đó, hướng dẫn chi tiết quy trình và thủ tục để các dự án có thể tiếp cận nguồn vốn vay từ HFIC theo quy định.
"Đây là chương trình hỗ trợ riêng có của TP HCM. Với nguồn lực như thế, DN sẽ có nhiều điều kiện hơn nữa để phát triển trong tương lai gần" - ông Thanh nhìn nhận.
Theo ông Thanh, điều kiện để DN tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ trong chương trình này giống như điều kiện vay vốn bình thường. HFIC còn tạo điều kiện bằng cách xây dựng các biểu mẫu để DN dễ dàng tham gia. Ngoài ra, công ty còn phối hợp với HUBA để thành lập tổ công tác hỗ trợ DN; phối hợp với các ngân hàng hỗ trợ vốn lưu động cho DN.
"Như vậy, chúng tôi đã tổ chức chương trình khép kín để hỗ trợ DN từ đầu, hỗ trợ cả vốn lưu động cho DN có thể thực hiện dự án một cách suôn sẻ. Mục đích cuối cùng là đưa nguồn lực nhà nước hỗ trợ các DN công nghiệp trọng yếu, công nghiệp hỗ trợ có điều kiện đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại hơn, tham gia sâu hơn chuỗi cung ứng" - ông Thanh nhấn mạnh.
Tiếp nhận thông tin từ HFIC, nhiều DN thuộc các nhóm ngành cơ khí tự động hóa; cao su nhựa và hóa chất; chế biến thực phẩm; điện tử và công nghệ thông tin; dệt may, da giày đang lên kế hoạch tiếp cận nguồn vốn rẻ này.
Trước khi có chương trình hỗ trợ tài chính cho DN theo Nghị quyết 98, từ 20 năm trước, TP HCM đã triển khai khá thành công chương trình cho vay kích cầu đầu tư nhằm khuyến khích DN đầu tư vào các ngành nghề ưu tiên. Từ nguồn vốn "mồi" này, nhiều DN đã phát triển lớn mạnh, có mặt trong tốp đầu các ngành sản xuất, dịch vụ trọng yếu của thành phố.
Bình luận (0)