Báo cáo của Công viên Phần mềm Quang Trung (QTSC) mới đây cho thấy thị trường trí tuệ nhân tạo (AI) toàn cầu được định giá khoảng 93,5 tỉ USD vào năm 2021, dự kiến tăng trưởng 38,1%/năm trong giai đoạn 2022 - 2030.
Nắm bắt "nỗi đau" của người dùng
AI hỗ trợ doanh nghiệp (DN) phân tích dữ liệu từ các nền tảng số, như biến động giá, hành vi người dùng và đối thủ cạnh tranh, từ đó tạo ra các chiến dịch tiếp thị hiệu quả.
Ông Huỳnh Quang Minh, nhà đồng sáng lập House of Deera, cho rằng AI có thể giúp DN nắm bắt "nỗi đau" của người dùng để điều chỉnh sản phẩm, chính sách bán hàng, quảng cáo cho phù hợp. AI cũng có thể tạo ra nội dung quảng cáo và hình ảnh thu hút; đề xuất DN điều chỉnh nội dung quảng cáo hoặc tạo các bản nhạc lên xu hướng trên các nền tảng như TikTok, Facebook, qua đó giúp DN nâng cao hiệu quả chiến dịch tiếp thị trên mạng xã hội, tiết kiệm đến 50%-60% chi phí và thời gian.
"Nếu chỉ tìm kiếm bằng Google, đội ngũ marketing sẽ không thể tổng hợp đầy đủ thông tin để triển khai chiến lược bán hàng đúng hướng. Từ khi sử dụng công cụ Juno AI, DN trong mảng sản xuất, tiếp thị tiết kiệm đến 50%-60% chi phí và thời gian, nhờ vậy có thể tối đa hóa doanh thu, lợi nhuận" - ông Minh chỉ rõ.
Chủ một DN tại TP HCM nhận xét AI giúp giải đáp thắc mắc, xử lý đơn đặt hàng 24/7, nâng cao trải nghiệm mua sắm của khách hàng một cách hiệu quả. AI cũng giúp xác định đối tượng khách hàng tiềm năng chính xác đến 60%-70%, giảm chi phí thuê chuyên gia 100-150 triệu đồng/lần. "Gần như 90% nội dung quảng cáo mỹ phẩm, dầu gội, sữa... của chúng tôi được tạo ra bằng AI. Chỉ cần 3-5 nhân sự thay vì 15-20 người chạy quảng cáo trên YouTube, Facebook như trước đây" - chủ DN này so sánh.
Nghiên cứu mới đây của Đại học RMIT cho thấy AI đã thành công trong nhiều chiến dịch marketing tại Việt Nam. Chẳng hạn, năm 2023, chiến dịch của VietJet sử dụng nền tảng dữ liệu khách hàng (CDP) và AI đã tạo ra hơn 300 phân khúc khách hàng, mang về doanh số gấp 6 lần so với năm 2022 khi đạt 1,7 triệu lượt đặt vé máy bay và tăng 75% số người dùng hoạt động hằng tháng trên ứng dụng.
Tương tự, Samsung sử dụng CDP và AI trong chiến dịch quảng cáo cho Galaxy Z Flip4 và Fold4 do Cheil Vietnam thực hiện. Chiến dịch tạo ra hơn 300 phân khúc, cho phép quảng cáo cá nhân hóa trên nhiều kênh - bao gồm Instagram và TikTok, nhắm đến người tiêu dùng gen Z. Việc triển khai AI đã giúp tăng tương tác và củng cố vị thế dẫn đầu của Samsung trong thị trường điện thoại thông minh màn hình gập.
Những thách thức
Bên cạnh mặt tích cực, việc sử dụng AI cũng gặp phải một số vấn đề.
Ông Huỳnh Quang Minh cho biết nhiều phần mềm AI hiện nay chưa hoàn thiện nên tạo ra hình ảnh và từ ngữ không đủ tự nhiên, gây nghi ngờ về chất lượng sản phẩm. "Nếu sử dụng phần nội dung thô mà AI tạo ra để đưa vào quảng cáo, ít nhất 30% trong tổng số khách hàng xem nội dung đó sẽ lo ngại về chất lượng sản phẩm và thương hiệu của DN" - ông Minh nói.
Bên cạnh đó, việc tìm kiếm nhân sự giỏi viết prompt (câu lệnh) cho AI cũng là một thách thức. Chưa kể, AI có thể mang lại thuận lợi cho người này nhưng gây ra khó khăn cho người khác. Dễ thấy nhất là xưởng sản xuất trong ngành thời trang trước đây chỉ mạnh về kiểm soát chi phí, xử lý bao bì thì nay có thể dùng AI để tạo mẫu, ý tưởng hình ảnh, nội dung quảng cáo trên TikTok và Facebook, gây khó cho những nhà khởi nghiệp.
Ông Lê Hồng Đức, nhà sáng lập Công ty OneAds Digital, cho hay những nhà bán hàng, DN truyền thống và người đứng đầu DN ở độ tuổi 40-50 trở lên thường ít tiếp cận với công nghệ AI. Hệ quả là tạo ra khoảng cách giữa cách bán hàng cũ và mới, dẫn đến nguy cơ DN lâu đời dễ bị loại khỏi thị trường trong ngắn hạn.
Đối với người tiêu dùng, tác động của AI về mặt truyền thông là rất lớn khi công nghệ deepfake, giả giọng nói tràn lan, tạo ra những video dẫn dắt người dùng mua hàng trên mạng xã hội. "Đôi lúc, AI không cung cấp thông tin đúng sự thật và không đúng bối cảnh thị trường Việt Nam do các công cụ này học từ các cơ sở dữ liệu trên toàn cầu, trong đó Mỹ là chủ yếu" - ông Đức cảnh báo.
Theo các chuyên gia công nghệ, triển khai và sử dụng các công cụ AI đòi hỏi khoản đầu tư ban đầu khá lớn, gồm đầu tư phần mềm, máy móc, đào tạo nhân sự..., nên DN quy mô nhỏ sẽ khó thực hiện hiệu quả. Ngoài ra, còn có nguy cơ lộ lọt thông tin DN, tiềm ẩn rủi ro về bảo mật thông tin của khách hàng. Thậm chí, nếu DN phụ thuộc vào AI thì hoạt động kinh doanh có thể bị gián đoạn khi gặp rủi ro. Để hài hòa lợi ích, các chuyên gia khuyến nghị DN trước khi đầu tư vào AI để bán hàng, tiếp thị quảng cáo cần xác định rõ mục tiêu, từ đó chọn công cụ AI phù hợp với quy mô và đặc thù của DN, bên cạnh việc đào tạo nhân viên về cách sử dụng và quản lý các công cụ này.
Bình luận (0)