Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến đưa vào dự thảo Luật Nhà giáo quy định nhà giáo phải có giấy chứng nhận nghề nghiệp. Giấy chứng nhận này được cơ quan quản lý giáo dục có thẩm quyền cấp miễn phí và có giá trị sử dụng trong toàn quốc.
Còn nhớ mấy năm trước, Bộ Nội vụ đã bãi bỏ hàng loạt chứng chỉ lỗi thời, không cần thiết, làm khó người lao động… được dư luận đồng tình. Không hiểu sao khi soạn thảo Luật Nhà giáo, người ta lại muốn thêm vào nội dung nhà giáo phải có giấy chứng nhận nghề nghiệp? Việc này có cần thiết không? Câu trả lời xin dành cho các nhà quản lý điều hành lĩnh vực của mình.
Theo tôi, một vấn đề còn có nhiều ý kiến khác nhau mà vẫn đưa vào luật, nếu không thực hiện được chỉ thêm rối, có khi còn gây hậu quả tiêu cực hoặc vừa ban hành đã phải bãi bỏ hay sửa lại càng mất uy tín, chẳng khác gì kéo lùi sự phát triển chung của đất nước.
Một giáo viên ra trường để được đứng trên bục giảng cũng phải trải qua thời gian học tập, thi đủ các môn, kiến tập, thực tập, tập sự… Nếu cho là kiến thức mỏng, chưa đủ, cần tiếp tục trang bị, bổ túc thêm và qua khâu sàng lọc… thì đó là lỗi ở khâu đào tạo, chứ chứng chỉ nghề nghiệp cũng không thay thế hay nâng cao kiến thức được, không khéo lại trở về cơ chế xin - cho, khiến "chạy chọt", tiêu cực có đất sống. Hơn nữa, quá trình hành nghề nếu không đáp ứng được yêu cầu giảng dạy cũng không tránh khỏi quy luật tự đào thải nghiệt ngã của cuộc sống.
Cuối cùng, để không gây khó khăn thêm cho nhà giáo, nhất là với tình hình lương bổng hiện nay thì không nên tạo thêm gánh nặng chi phí cho giáo viên (tốn thời gian, công sức, tiền bạc và nhiều yếu tố khác).
Bình luận (0)