Vụ việc lãnh đạo một doanh nghiệp bị tạm dừng công việc sau nghi vấn "quấy rối nhân viên nữ" đã khơi lại vấn nạn quấy rối tình dục chốn công sở. Dân công sở một lần nữa hoang mang, nhiều người từng bị quấy rối kêu gọi mạnh dạn tố cáo, vạch trần những kẻ xấu để bảo vệ quyền lợi của mình.
Nhận diện các hình thức quấy rối tại nơi làm việc
- Quấy rối bằng lời nói: bao gồm những lời nhận xét hạ thấp, xúc phạm, lăng mạ, nói xấu, đùa cợt; hay những bình luận, nhận xét không đúng đắn, có ngụ ý; và những lời chỉ trích vô lý. Quấy rối bằng lời nói có thể khó nhận ra và là một hình thức bạo lực phi vật chất.
- Quấy rối thể xác: những cử chỉ không mong muốn như tiếp xúc và cố tình đụng chạm vào quần áo, tóc, mặt hoặc da của người khác. Hoặc nghiêm trọng hơn như hành hung thể xác, đe dọa bạo lực và gây thiệt hại cho tài sản cá nhân.
- Quấy rối tâm lý: điển hình là coi thường thành tích của ai đó, đưa ra những yêu cầu bất khả thi, áp đặt thời hạn không hợp lý cho một nhân viên cụ thể, liên tục yêu cầu nhân viên thực hiện những nhiệm vụ nằm ngoài phạm vi công việc của họ hoặc kiên trì phản đối mọi điều ai đó nói. Hành vi quấy rối tâm lý có thể xem là một hình thức bắt nạt tâm lý có chủ ý.
- Quấy rối trên mạng (bắt nạt trên mạng): bao gồm đăng những lời đe dọa hoặc bình luận hạ thấp trên mạng xã hội, tạo tài khoản ảo để bắt nạt, lăng mạ, chế giễu ai đó trực tuyến cũng như đưa ra những cáo buộc sai trái trên mạng.
- Quấy rối tình dục nơi công sở: là một hành vi phạm tội nghiêm trọng và phổ biến. Quấy rối tình dục tại nơi làm việc là hành vi có tính chất tình dục của bất kỳ người nào đối với người khác tại nơi làm việc mà không được người đó mong muốn hoặc chấp nhận. Nơi làm việc là bất kỳ nơi nào mà người lao động thực tế làm việc theo thỏa thuận hoặc phân công của người sử dụng lao động.
Nghị định 145/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết hơn, mô tả rõ 3 hành vi được xác định là quấy rối tình dục tại nơi làm việc:
- Hành vi mang tính thể chất gồm hành động, cử chỉ, tiếp xúc, tác động vào cơ thể mang tính tình dục hoặc gợi ý tình dục;
- Quấy rối tình dục bằng lời nói gồm lời nói trực tiếp, qua điện thoại hoặc qua phương tiện điện tử có nội dung tình dục hoặc có ngụ ý tình dục;
- Quấy rối tình dục phi lời nói gồm ngôn ngữ cơ thể; trưng bày, miêu tả tài liệu trực quan về tình dục hoặc liên quan đến hoạt động tình dục trực tiếp hoặc qua phương tiện điện tử.
Nghiêm cấm hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc.
Nghị định cũng Quy định về phòng, chống quấy rối tình dục trong nội quy lao động. Quy định chi tiết, cụ thể về các hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc phù hợp với tính chất, đặc điểm của công việc và nơi làm việc.
Trách nhiệm, thời hạn, trình tự, thủ tục xử lý nội bộ đối với hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc, bao gồm cả trách nhiệm, thời hạn, trình tự, thủ tục khiếu nại, tố cáo, giải quyết khiếu nại, tố cáo và các quy định có liên quan.
Hình thức xử lý kỷ luật lao động đối với người thực hiện hành vi quấy rối tình dục hoặc người tố cáo sai sự thật tương ứng với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm.
Bồi thường thiệt hại cho nạn nhân và các biện pháp khắc phục hậu quả.
Bảo vệ bí mật, danh dự, uy tín, nhân phẩm, an toàn cho nạn nhân bị quấy rối tình dục, người khiếu nại, tố cáo và người bị khiếu nại, bị tố cáo.
Được pháp luật bảo vệ
Như vậy, trong trường hợp bị quấy rối tình dục, người lao động được pháp luật bảo vệ, trước hết là quy định người lao động có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng mà không cần báo trước cho đơn vị, vẫn được hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp như nghỉ việc hợp pháp.
Đồng thời, người lao động có thể xúc tiến các hoạt động bảo vệ quyền lợi của mình như tố cáo, yêu cầu đơn vị giải quyết quyền lợi cho mình và xử lý người vi phạm, đòi bồi thường thiệt hại…
Trong trường hợp ban lãnh đạo cơ quan, đơn vị không giải quyết tố cáo hoặc giải quyết không thỏa đáng, người lao động có thể khiếu nại đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để bảo vệ quyền lợi của mình.
Trường hợp người quấy rối có hành động hoặc lời nói làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự của người lao động thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác theo quy định tại Điều 155 Bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Bên cạnh đó, người lao động cũng có thể khởi kiện ra tòa án địa phương, yêu cầu người có hành vi quấy rối bồi thường thiệt hại do bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm theo quy định của Bộ Luật Dân sự 2015.
Bình luận (0)