Ngày 12-5, TAND TP HCM đã tuyên án sơ thẩm đối với 11 bị cáo trong đường dây sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh giả do Quách Ngọc Giao (SN 1968) cầm đầu.
Các bị cáo cùng bị tuyên án về tội "Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh".
Làm giả thuốc trị giun, viêm âm đạo, vitamin…
Vụ án bị phát hiện vào tháng 7-2023, khi lực lượng chức năng bắt quả tang Giao đang giao thuốc giả. Đường dây này đã sản xuất và phân phối hàng loạt loại thuốc giả như: Fugacar Janssen 500mg (thuốc trị giun), Neo-Tergynan (thuốc đặt điều trị viêm âm đạo), Becozyme (vitamin nhóm B), Enat 400 (vitamin E), Laroscorbine (vitamin C), Tanganil 500mg (trị rối loạn tuần hoàn não), Asmacort (corticosteroid trị hen suyễn), Terneurine H.5000 (thuốc thần kinh), Voltaren (thuốc giảm đau, kháng viêm).

Các bị cáo trong đường dây thuốc giả tại TP HCM
Các loại thuốc giả này được sản xuất tại nhiều địa điểm ở TP HCM và tỉnh Tiền Giang, bao bì, tờ hướng dẫn sử dụng đều được in giả tinh vi, sản phẩm được gia công tại nhiều cơ sở khác nhau trước khi khi đưa ra thị trường qua mạng xã hội và các đầu mối trung gian.
Tổng giá trị thuốc giả bị thu giữ lên đến hơn 2 tỉ đồng, trong đó riêng tại nơi ở và kho hàng của Giao đã thu được số lượng thuốc giả trị giá hơn 1,6 tỉ đồng.
Giao khai nhận từ năm 2019 đã bắt đầu sản xuất thuốc giả của nhiều nhãn hiệu khác nhau để bán kiếm lời. Đến năm 2022, Giao mở rộng quy mô sản xuất, buôn bán. Trong đó Giao trực tiếp sản xuất thuốc hiệu Laroscorbine; mua lại một số loại khác để gia công thành phẩm rồi bán ra thị trường. Chủ yếu là bán lại cho Trần Văn Nghĩa và Tăng Chí Đức.
Hành vi tinh vi, có tổ chức, mang tính chất nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng nhưng lợi nhuận mà Giao thu được chỉ dừng lại ở con số khiến nhiều người ngỡ ngàng là 90 triệu đồng. Lý giải điều này, Giao khai hoạt động sản xuất, buôn bán thuốc giả diễn ra trong thời gian ngắn và phần lớn tiền bán thuốc đều được "tái đầu tư" cho việc mở rộng sản xuất.
Các bị cáo khác cũng thu lợi từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng; tổng số tiền thu hồi từ các bị cáo là hơn 234 triệu đồng. Riêng hai bị cáo Lê Thị Nhi và Lê Trần Thị Ý Nhi là hai người mua thuốc giả để bán lại qua mạng xã hội, thu lợi từ 10-15 triệu đồng mỗi người, nhưng vẫn chưa nộp lại số tiền thu lợi bất chính.
Bán thuốc giả để kiếm sống và... điều trị bệnh (?)
HĐXX cho biết hầu hết các bị cáo đều là người có hoàn cảnh khó khăn. Trong đó, bị cáo Trần Văn Nghĩa, người giữ vai trò trung gian phân phối trong đường dây, bị nhiễm HIV. Nghĩa khai do thiếu tiền điều trị, từ tháng 2-2023 đã chủ động liên hệ Giao để đặt mua thuốc giả hiệu Fugacar, Becozyme, Neo-Tergynan, Laroscorbine, Voltaren...
Nghĩa vừa trực tiếp bán thuốc qua dịch vụ giao hàng, vừa nhận đơn từ khách rồi chuyển lại cho Giao xử lý và ăn chênh lệch. Ngoài ra, bị cáo này còn tự tổ chức sản xuất thuốc giả hiệu Asmacort để tiêu thụ. Số tiền thu lợi bất chính của Nghĩa được xác định là khoảng 18 triệu đồng.
HĐXX nhận định hành vi của các bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, nguy hiểm cho xã hội, xâm hại trực tiếp đến quyền lợi người tiêu dùng và ảnh hưởng đến uy tín của các doanh nghiệp sản xuất, phân phối thuốc hợp pháp. Các bị cáo đều bị áp dụng tình tiết tăng nặng do phạm tội có tổ chức và có tính chất chuyên nghiệp. Tuy nhiên, bị cáo Phạm Tiến Dũng và Trần Đình Sinh được xem xét giảm nhẹ vì phạm tội lần đầu, chưa hưởng lợi.
CLIP: Các bị cáo tại tòa
Căn cứ vào tính chất, mức độ hành vi và vai trò của từng bị cáo, HĐXX tuyên phạt: Quách Ngọc Giao: 16 năm 6 tháng tù; Trần Văn Nghĩa: 9 năm 6 tháng tù; Võ Công Nghiệp: 8 năm tù; Phạm Văn Đin: 7 năm 6 tháng tù; Tăng Trí Đức: 6 năm 6 tháng tù; Đào Công Tâm: 5 năm 6 tháng tù; Nguyễn Bảo Xuyên: 5 năm 6 tháng tù; Trần Đình Sinh: 5 năm tù; Phạm Tiến Dũng: 5 năm tù; Lê Thị Nhi: 5 năm tù; Lê Trần Thị Ý Nhi: 5 năm tù.
Ngoài án tù và hình phạt bổ sung, HĐXX buộc các bị cáo nộp ngân sách nhà nước từ 20-50 triệu đồng, cạnh đó, các bị cáo có liên quan phải nộp lại toàn bộ số tiền đã thu lợi bất chính từ hành vi phạm tội.
Bình luận (0)