"Thị trường thiết bị năng lượng tái tạo hiện rất sôi động khi các doanh nghiệp (DN) sản xuất tăng tốc đầu tư nhằm đáp ứng tiêu chuẩn xanh cho đơn hàng xuất khẩu trong quý III và IV/2025" - ông Phạm Đăng An, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Vũ Phong Energy Group, cho biết.
Không thể chần chừ!
Theo ông An, đối với DN sản xuất, mô hình điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ là giải pháp lâu dài giúp giảm chi phí điện năng và đáp ứng yêu cầu phát triển xanh của các thị trường lớn - bao gồm giảm thiểu khí nhà kính hiệu quả, minh bạch theo phạm vi phát thải 2 (phát thải gián tiếp từ tiêu thụ năng lượng mua vào).
"Cần sớm triển khai Nghị định 135/2024 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ với các ưu đãi về thủ tục và thuế. Việc này sẽ tạo thuận lợi để người dân, DN chủ động đầu tư năng lượng sạch, hướng đến phát triển bền vững trong bối cảnh chuyển đổi "kép" - xanh và số - đang trở thành xu thế" - ông An kiến nghị.
Trong lĩnh vực dệt may, ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10, cho hay DN đã liên kết với bên thứ 3, là một quỹ đầu tư của Pháp, để đầu tư điện mặt trời mái nhà ở một số nhà xưởng. Nhờ đó, DN mua được điện sạch giá rẻ mà không tốn nguồn lực đầu tư, tiết giảm được chi phí sản xuất và có chứng chỉ xanh để nâng cao lợi thế cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu.
Tại các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, xí nghiệp chăn nuôi của Công ty Chăn nuôi và Chế biến Thực phẩm Sài Gòn (Sagrifood), ông Bùi Văn My, Giám đốc công ty, cũng cho biết đang liên kết với đối tác đầu tư hệ thống điện mặt trời và tái sử dụng chất thải sản xuất thành điện. "Chúng tôi chăn nuôi heo thảo mộc bằng cách sử dụng hàng trăm thảo dược tự nhiên làm thức ăn chăn nuôi. Các chất thải từ gia súc, gia cầm đều được tận dụng làm chất đốt biogas và phân bón" - ông My cho hay.
Với Công ty CP Cao su Kỹ thuật Đồng Phú (thương hiệu nệm Đồng Phú, thành viên Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam - VRG), Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Danh Khương cho biết DN đã chuyển đổi từ cung cấp nhiệt lưu hóa để làm cứng cao su và sấy sản phẩm bằng nhiên liệu hóa thạch sang nhiên liệu sinh khối (biomass), thông qua tận dụng phế liệu nông nghiệp như vỏ cây, dăm gỗ, cành cây. Công ty cũng tận dụng mái nhà xưởng để lắp hệ thống điện mặt trời, nhờ đó giảm 60% chi phí tiền điện, góp phần giảm giá thành sản xuất.
"Chúng tôi thu gom 100% phụ phẩm rồi xay nhỏ, sấy khô để cung cấp cho những đơn vị sản xuất có yêu cầu chất lượng nguyên liệu thấp hơn như sản xuất lốp xe, tấm lót thú cưng, tấm lót chống trượt trong nhà xưởng..." - ông Khương thông tin.
Ở quy mô tập đoàn, thời gian tới, VRG cho biết sẽ rà soát các diện tích phù hợp cho việc phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo cung cấp cho các KCN, đơn vị sử dụng năng lượng lớn theo cơ chế mua bán điện trực tiếp vừa được Chính phủ thông qua tại Nghị định 80/2024 và hướng đến Net Zero.
Bài toán đầu tư
Chế biến và xuất khẩu đồ gỗ là một trong những ngành chịu sức ép lớn về các tiêu chuẩn xanh mà thị trường xuất khẩu đưa ra.
Ông Đặng Quốc Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty Kim Bội, cho rằng với đòi hỏi phải có chứng chỉ carbon, DN trong ngành bắt buộc phải đầu tư vùng rừng trồng và liên kết, bên cạnh việc phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn khác của thị trường nhập khẩu, nhất là thị trường châu Âu.
Ông Trần Quốc Mạnh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu Hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sadaco - nhìn nhận khó khăn lớn của DN ngành gỗ hiện nay là phải đạt chứng nhận quy trình khép kín với yêu cầu cao hơn đối với các khâu cung cấp nguyên liệu, sản xuất... Trong khi đó, đa phần DN trong ngành có quy mô vừa và nhỏ nên trình độ, công nghệ còn hạn chế, thậm chí rất yếu.
"Hai thị trường mục tiêu là Mỹ và châu Âu đều siết chặt quy định, đòi hỏi sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường của mỗi quốc gia. Chuyển đổi là yêu cầu sống còn với DN, nếu không sẽ không thể trụ được trên thị trường thế giới" - ông Mạnh nói và cho biết Công ty CP Sadaco đã đầu tư hàng triệu USD để chuyển đổi công nghệ sang sản xuất xanh.
Theo ông Nguyễn Đức Minh, Tổng Giám đốc Công ty CP Dinh dưỡng Nutricare, thách thức lớn nhất đối với DN khi chuyển đổi xanh là chi phí đầu tư lớn sẽ tác động tới giá vốn, đẩy giá thành sản phẩm lên cao.
"Trong bài toán sản xuất, có lý thuyết cho rằng cái gì không tạo ra giá trị thì là lãng phí, cần cắt giảm. Nhưng với chuyển đổi xanh lại khác bởi sẽ tạo ra giá trị trong tương lai, là xu hướng sớm muộn phải làm. Khách hàng cũng sẽ sẵn sàng trả giá cao hơn cho sản phẩm xanh" - ông Minh phân tích.
Với tầm nhìn trên, phát triển xanh là con đường mà Công ty CP Dinh dưỡng Nutricare lựa chọn từ nhiều năm nay. Theo đó, ở khâu sản xuất, DN sử dụng năng lượng sạch, tự động hóa bán phần nhờ các máy nâng hạ robot dùng khí nén để tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường. Việc sử dụng năng lượng tái tạo cũng sẽ được tính đến trong kế hoạch trình HĐQT công ty trong năm 2025.
Tiêu chí lựa chọn thương hiệu quốc gia
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương, lưu ý DN nhanh chóng chuyển đổi xanh để nắm bắt, tận dụng cơ hội từ các thị trường xuất khẩu và nâng cao năng lực cạnh tranh.
"Tiêu chí phát triển xanh cũng là ưu tiên để đánh giá, lựa chọn DN trong chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam. DN đạt thương hiệu quốc gia sẽ đóng vai trò dẫn dắt, tạo ra sức lan tỏa cho tiến trình chuyển đổi xanh của cả nước" - ông Phú thông tin.
Bình luận (0)