Facebook giờ trở thành “thức ăn tinh thần” của cộng đồng xã hội, nhất là giới trẻ. Không phân biệt tuổi tác, nghề nghiệp, hoàn cảnh sống, trình độ học vấn, chỉ cần sở hữu điện thoại di động đời mới và chút ít công nghệ, ai cũng có thể tham gia Facebook.
Tính năng ưu việt lớn nhất của Facebook là chia sẻ, thông qua việc “like” (thích), “comment” (bình luận) và “share” (chia sẻ). Chỉ cần một ai đó cho đăng status (trạng thái), những người bạn sẽ chọn hoạt động “like”, “comment” hay “share” để thể hiện tình cảm, cảm xúc hoặc đơn thuần là chia sẻ với chủ nhân dòng status.
Ai càng có nhiều “like” thì càng cảm thấy hồ hởi vì được mọi người quan tâm. Nhưng giờ đây, nút “like” đang bị lạm dụng nhiều quá. Tuần trước, anh bạn học có đưa tấm ảnh linh cữu người nhà với dòng trạng thái “Bà đã ra đi”. Rất nhiều bạn bè xem ảnh, vào mục “bình luận” gửi lời chia buồn cùng gia đình anh, khi không có dịp ghé lại thắp nén nhang cho người đã khuất. Phía bên cạnh, hàng chục “like” được… gửi đến. Tôi khó nghĩ quá, chẳng biết họ “thích” cái gì: Sự mất mát của gia đình anh, dòng chia sẻ đầy tình cảm của anh, hay chỉ đơn thuần là họ quen nhấn nút “like” trong vô thức?
Hàng chục “like”, hàng chục người quen trên Facebook đã vô hình chung khiến nút “like” trở nên xấu xí và phản cảm hơn bao giờ hết. Và trong trường hợp này, chẳng biết chủ nhân của dòng trạng thái trên có cảm thấy “hồ hởi” nữa chăng?
Những trang Facebook như thế này cũng được lập ra.
Thực tế cho thấy, có rất nhiều người sẵn sàng “like” cho dòng trạng thái buồn đau, bệnh tật, chán nản…, tóm lại là tiêu cực của người khác. Họ lướt Facebook, nhìn thấy dòng trạng thái ấy, hờ hững nhấn “like” như cách giữ mối liên hệ “bạn bè” với mọi người. Giá như, họ thật lòng quan tâm nhau, ghé vào “comment” hỏi thăm, hoặc tiện nhất là gửi tin nhắn chia sẻ riêng tư, thì chẳng cần nút “like” vô nghĩa ấy.
“Nhiều khi mình chẳng muốn “like” hình ảnh hay dòng trạng thái của một ai đó, thậm chí là cảm thấy bực bội nữa vì sự khoe mẽ, trẻ con của người ấy. Nhưng không “like” thì lại thể hiện sự… ghét ấy rõ ràng quá, người ta sẽ biết, nên đành nhấn “like”…
“Người ta thường “like” mình, mình mà không làm như thế thì một thời gian nữa người ấy tự động hủy kết bạn với mình là cái chắc” – Th., cô bạn tôi triết lý. Trong câu chuyện này, thì “like” chẳng còn là “thích” nữa, mà như sự ràng buộc về trách nhiệm phải “thích” nhau!
Rồi chưa bao giờ thấy nút “like” thần kỳ như thế: 1.000 “like” để ai đó sống lại, để ai đó vượt qua cơn bạo bệnh… Thậm chí, có những hình ảnh người mẹ chăm sóc con rất đẹp và cảm động, được gắn thêm dòng chữ: “Bạn có thương mẹ không? Nếu có, hãy để lại 1 like”. Chả lẽ, những ai không “like”, không sử dụng Facebook đều là kẻ bất hiếu, không thương cha mẹ? Và trong số những người sẵn sàng “like” hình ảnh ấy, bao nhiêu người biết cách yêu thương mẹ bằng hành động ý nghĩa ở cuộc đời thực?
Như một thói quen, tôi vẫn thường lướt trang Facebook của mình mỗi khi rảnh rỗi. Và tôi nhận ra rằng, thế giới ảo vẫn chỉ là thế giới ảo, gắn con người gần nhau hơn bằng công nghệ, nhưng cũng thật sự đẩy họ xa nhau vì sự tiện lợi của nó. Nút “like” trong chừng mực nào đó rất ý nghĩa, nhưng nếu lạm dụng nó thì… chua chát lắm thay. Người xưa có câu: “Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”. Trong thời hiện đại này, chắc có lẽ phải đổi lại thành “Uốn lưỡi bảy lần trước khi like” cũng nên!
Bình luận (0)