“Sau hơn 30 năm xa quê hương, lần đầu tiên tôi lại trở về thăm nhà với nhiều cảm xúc vui buồn lẫn lộn, vui vì được trở về nơi chôn nhau cắt rốn, được gặp lại anh em, bà con họ hàng và đặc biệt thắp được nén hương cho ông bà, cha mẹ. Cái cảm giác được trở về quê hương, cảm xúc dâng trào vui không thể tả xiết" Đó là tâm sự của bà Nguyễn Thị Lan, 75 tuổi, quê ở Điện Bàn, Quảng Nam trong ngày đầu năm mới. Bác Lan cho cho biết, ngày xưa cuộc sống ở quê rất khó khăn, chủ yếu sống bằng nghề nông, cơm không đủ no, áo không đủ mặc mà ngày đó, trời lạnh như cắt da cắt thịt, thấy các con nheo nhóc, đói khổ thấy mà thương. Cũng vì cái nghèo, cái khó, vợ chồng con cái dắt dìu nhau vào Nam sinh sống, nhưng có lẽ cái số nghèo, đi đâu nghèo vẫn hoàn nghèo. Bao nhiêu năm xa quê hương, ước được một lần về thăm nhà nhưng đây là lần đầu tiên bà mới được toại nguyện. Ở cái tuổi gần đất xa trời, đây là ước nguyện lớn nhất trong cuộc đời của bác là được trở về nơi chôn nhau cắt rốn của mình, về thăm quê hương một lần để rồi bác có nhắm mắt xuôi tay cũng mãn nguyện.
Hoa vạn thọ không thể thiếu trong Tết cổ truyền
Mỗi người con xa quê là mỗi hoàn cảnh, mảnh đời khác nhau và với họ tất cả đều đau đáu nhớ về quê nhà khi phải biền biệt xa quê hương để làm việc. Ai cũng luôn nhớ nơi mình sinh ra, và luôn mong về nơi ấy với tất cả tình thương và sự mong chờ.
Tôi tình cờ gặp ông Nguyễn Quang Minh, 52 tuổi, trên chuyến tàu cuối năm, là một Việt kiều Đức. Lần trở về nước đón xuân năm nay, trong anh đong đầy bao cảm xúc. Anh tâm sự: “Ba mẹ tôi đã ngoài 80, cái tuổi gần đất xa trời nên tôi muốn được một lần về thăm ba mẹ, anh chị em và bà con họ hàng. Đây là lần thứ 2 tôi về quê hương đón Tết sau gần 30 năm sống ly hương. Với tôi cái cảm giác được cùng gia đình quây quần bên nhau đón một cái Tết sum vầy thật là hạnh phúc, thiêng liêng hơn bao giờ hết. Từ lâu cái cảm giác trống trải, cô đơn khi sống ly hương, tôi mới thấy thắm thía thế nào là không gia đình, không người thân. Lần này trở về, được sum vầy đón một cái Tết cổ truyền đối với tôi đó là kỳ tích, là một điều quá đỗi tuyệt vời và cực kỳ thiêng liêng".
Khi chia tay, ông Minh cũng bộc bạch thêm: “Chuyến tàu này đọng lại trong tôi nhiều cảm xúc thật khó tả. Cách đây 30 năm, tôi bắt đầu rời quê vào Sài Gòn để đi qua Đức, khi đó tôi chỉ là chàng trai trẻ ở độ tuổi sung mãn nhất của đời người. Bây giờ, khi trở về tóc tôi đã điểm sương, và ba mẹ đã quá già”.
Nồi bánh chưng không thể nào quên trong ký ức của những người con xa xứ
Với những người con xa xứ, được trở về quê hương, được đoàn tụ cùng gia đình, là niềm hạnh phúc cho dù họ có thành công hay thất bại thì gia đình vẫn là nơi họ mong muốn quay về. Bởi lẽ chỉ có gia đình mới cho họ cảm giác được đoàn tụ, yêu thương.
Ngày Tết là mùa của đoàn viên, sum họp.
Bình luận (0)