Mau đi thôi! Mùa chưa ngả chiều hôm ....
Đứng trước chiếc áo đẹp, vừa ý và có giá khá đắt, người thì đắn đo rồi cũng trả tiền để mua lấy niềm vui; người thì đi thẳng, không dám ngoái nhìn chiếc áo ấy nữa. Người chọn mua áo giàu có hơn người kia chăng? Không hẳn. Trước quyết định có cho phép mình được thỏa mãn mong muốn, nhanh như chớp có sự xuất hiện cùng lúc của chồng con với bài toán thu chi thường nhật, của căn nhà với những vật dụng xuống cấp cần thay thế, của món nợ cần trả góp hàng tháng… Đối lại là tưởng tượng mình mặc chiếc áo ấy đẹp lắm, sang lắm và chắc anh ấy sẽ thích. Không chỉ là vấn đề mê thích chiếc áo, thỏi son, chuyến du lịch… mà là bạn có dám yêu mình?
Bản tính hào phóng hay khe khắt với nhu cầu bản thân một phần được rút tỉa từ đời mẹ, đời chị… Họ sẵn sàng “trứng dồn một giỏ” cho chồng con từ thuở lên xe hoa, cắc ca cắc củm, nhịn ăn nhịn mặc, bỏ quên bạn bè, gác lại đam mê, rồi được nhận lại gì sau từng ấy hy sinh? Hôn nhân tan vỡ của ba mẹ ở tuổi xế đã “đánh thức” chị Hoàng Tâm, chủ một quán ăn nhỏ ở Q.2 (TP.HCM), nhắc chị có một người đang chờ chị để mắt đến – chính chị. Phát hiện ba chị có con rơi đúng bằng tuổi con trai chị, giọt nước tràn ly khiến mẹ chị mạnh dạn kết thúc cuộc hôn nhân nhiều chịu đựng.
Lễ mừng sinh nhật đầu tiên của mẹ ở tuổi… 57 được tổ chức sau khi ly hôn ba tháng. Nhận từ người bạn quà tặng là chiếc vòng cẩm thạch màu xanh, mẹ chị mếu máo: “Mày còn nhớ sở thích của tao hồi xưa hả? Chính tao còn không nhớ tao thích gì, muốn gì. Lúc mới cưới, mấy lần định ghé mua. Nghĩ tới, nghĩ lui, thôi nhịn”. Nhìn mắt mẹ rớm lệ nhưng nụ cười thật rạng ngời khi đeo chiếc vòng mơ ước, chị Hoàng Tâm dặn lòng phải thay đổi, phải sống khác, ít nhất là khác mẹ.
Nhớ lại hôm Tết, chồng chị sẵn sàng vứt vợ và hai con nhỏ để đi Vũng Tàu với nhóm bạn chơi thể thao. Yêu bản thân, lúc ấy, với chị sẽ là gì trong khi không có người giúp việc, nhà cửa bề bộn, lại phải về quê Long An chúc Tết họ hàng? Xe máy để lại thì sợ mất, về quê lại không có xe làm chân, đi xe khách thì sợ chen lấn, chờ lâu, thế là tối 30 Tết, sau khi dọn dẹp nhà cửa, chị vội vàng soạn đồ đạc chở hai con đi. Đứa lớn cột đai ngồi yên sau, đứa nhỏ mới thôi nôi bắc ghế ở sườn xe, lót gối ở tay lái để bé gục ngủ. Chở nặng, đường xa, nỗi tủi cực dâng trào lên mắt, xe chị lảo đảo.
Chị định tấp vào quán cà phê võng khóc một hồi cho đã rồi đi tiếp nhưng thôi. Trộm nghĩ đến chuyện xấu có thể xảy ra trên đường với ba mẹ con, chị rùng mình. “Chỉ có tôi tốt nhất, chân thành nhất với tôi thôi thì tại sao không dành cho mình tình yêu thương trọn vẹn?”, chị đỏ mắt mỗi lúc nghĩ.
Bên cạnh lời cảnh báo từ người khác, những bước rẽ hụt chân trong cuộc hôn nhân của mình là mấu chốt khiến người trong cuộc vỡ òa giấc mơ “hưởng thụ”. Dốc lòng dốc sức mệt nhoài, thiệt thòi, giờ làm cuộc “cách mạng” - buông. Buông để bớt mỏi, buông để tự tạo niềm vui, buông để thấy cuộc đời đáng sống, buông để thấy niềm vui không thể vay mượn từ ai khác, kể cả chồng con, buông để “nửa kia” giật mình nhìn lại… Buông rồi mới hay, nếu mình không ôm đồm đến nỗi ngày quên ăn, đêm bỏ ngủ, đến mặt nám tay chai, tinh thần căng như dây đàn thì mọi thứ vẫn ổn, vẫn có nhiều dịch vụ thay thế và chồng con tỏ ra nhập cuộc hơn, bớt thờ ơ hơn.
Buông rồi mới hay, ngoài kia vui lắm, có nhiều phụ nữ biết sống cho mình. Buông rồi mới ngộ ra rằng, quẳng chồng con để đi chơi không hề là cái tội, thậm chí nhờ thế mà làm mới bản thân và tăng sức hấp dẫn hơn. Bao năm chìm đắm trong xó bếp, trong lớp áo nhàu nhĩ hoài phí tuổi thanh xuân. Phải bứt phá, phải sống cho chính mình, thời gian không chờ đợi! “Chẳng bao giờ, ôi! chẳng bao giờ nữa/ Mau đi thôi! mùa chưa ngả chiều hôm” (Vội vàng - Xuân Diệu).
Đừng biến thuốc bổ thành thuốc độc
Tiến sĩ Võ Văn Nam (giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, chuyên viên tham vấn tình yêu - hôn nhân - gia đình Nhà Văn hóa Phụ Nữ TP.HCM) cho rằng, trong thời đại ngày nay, chăm lo cho cá nhân, biết yêu thương, trân trọng, chăm sóc bản thân, tận hưởng hương vị cuộc sống là một trong những kỹ năng quan trọng và không thể thiếu để xây dựng và bảo vệ hạnh phúc gia đình - đặc biệt là đối với giới nữ. Thành viên của gia đình mà lúc nào cũng khỏe khoắn và tươi tắn là một bông hoa tô điểm cho “vườn nhà”. Đừng để khi mái ấm chông chênh, chao đảo, mới giật mình ngó lại và chua chát nhận ra “tôi thật đáng chán, tôi còn tự chán mình, trách chi chồng…”.
Ngược đãi mình là không nên, nhưng chỉ chăm chăm đáp ứng nhu cầu của bản thân mà không đếm xỉa gì đến “phân nửa còn lại” cũng chẳng được. Thuốc bổ “yêu bản thân” uống quá liều sẽ trở thành thuốc độc. Với gia đình có một người hoặc cả hai đều chỉ biết nghĩ cho mình thì sẽ mâu thuẫn, xung đột triền miên. Và, còn gì bất hạnh hơn là sống vô cảm bên nhau? Yêu thương, quý trọng bản thân phải song hành với yêu thương, quý trọng bạn đời. “Cuộc sống trở nên khó khăn hơn khi chúng ta sống vì người khác, nhưng nó cũng trở nên đẹp đẽ và hạnh phúc hơn” (Albert Schweitzer).
Mạng xã hội ra đời và lên ngôi đón bắt nhu cầu sống cho mình, thỏa mãn vui thích và khẳng định cái tôi cá nhân thời hiện đại. “Trẻ quá, xinh thật, sành điệu ghê, chị là nhất, chị đẳng cấp cao, ngưỡng mộ chị”… những lời tán thưởng không ai đo lường được độ chân thật ấy vô tình gây men để con người, nhất là phái nữ đầu tư mạnh cho bản thân, cho bề ngoài, để thể hiện mình.
Với không ít người, tai hại thay, hạnh phúc của họ được tính bằng… “like” trên mạng ảo, “like” là lẽ sống, là giá trị, là mục tiêu. Hằng ngày, hằng giờ, chiếc gậy selfie chụp ảnh “tự sướng” giơ lên trước những gương mặt cười rạng rỡ, cũng từng ấy lần nó bửa vào mái ấm gia đình nơi vắng bóng người vợ - người mẹ, người chồng - người cha cần mẫn, lo toan; nơi tiếng cười trao nhau đã vắng lặng.
Khi tìm hiểu đối tượng để “tính cuộc vuông tròn”, nếu gặp người quá yêu bản thân hoặc chỉ yêu bản thân (mắc chứng rối loạn ái kỷ) thì nên cân nhắc. Ái kỷ kèm theo những biểu hiện “khó nuốt” như: tự cao tự đại, luôn ám ảnh về tầm quan trọng của mình; ảo tưởng về nhan sắc, thành đạt, quyền lực; thiếu khả năng kiểm soát ham muốn; tự cho mình đặc quyền; thiếu đồng cảm với người khác; khó ăn năn, hối lỗi… Từ trong vô thức, tâm lý con người luôn có mong muốn là ngôi sao, muốn mình nổi trội, muốn mình tỏa hào quang (“thị dục huyễn ngã” - Lão Tử).
Cho nên, từ đáy lòng, ai cũng mong muốn người bạn đời ngưỡng mộ mình, khen ngợi mình và dị ứng với sự phê phán, chê trách, góp ý. Ai cũng ái kỷ nên mới có hiện tượng tự ái khi nghe nhận xét nhược điểm của mình hoặc đề nghị một sự thay đổi. Ái kỷ là cản ngại lớn đến ý thức rèn luyện, hoàn thiện bản thân.
Chính vì thế, để không động vào “núi lửa ái kỷ” nơi bạn đời và để dễ khơi gợi sự hợp tác, liệu pháp tốt nhất là chia sẻ theo kiểu: khen - phê bình nhẹ - khen tiếp. Với người có mức ái kỷ cao, mái ấm sẽ sớm ra tro bụi nếu bạn đời cứ phang thẳng: “Cô! Đàn bà gì không lo nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa. Ham chơi quá, ăn rồi cứ lo mua sắm hàng hiệu, tốn bao nhiêu tiền, lại suốt ngày quăng hình lên facebook, phô trương, khoe mẽ thật chẳng ra làm sao!”.
Bình luận (0)