Ngay cả diễn biến màn đại chiến Pháp - Đức ở bảng đấu được coi là "tử thần" cũng khớp với tính toán của giới chuyên môn. Đối mặt với ê-kíp được xem là hùng mạnh nhất thế giới hiện nay, thất bại 0-1 của tuyển Đức xem ra còn quá nhẹ khi trong tay HLV Joachim Loew không còn là đoàn quân bách chiến bách thắng của giai đoạn đầu thập niên 2010.
Việc giành trọn 3 điểm ở lượt ra quân đầu tiên chưa cho thấy sức mạnh trọn vẹn của các ứng viên hàng đầu. Tuyển Anh chật vật vượt qua Croatia bằng tỉ số tối thiểu, Pháp đánh bại người Đức bằng pha đá phản của đối phương, Bồ Đào Nha vượt khó nhờ sự bùng nổ kịp thời ở 7 phút cuối trận, trong khi Tây Ban Nha chỉ còn là cái bóng của thời kỳ hoàng kim 10 năm trước. Trong guồng quay nghiệt ngã của cuộc chơi, màn trình diễn của Ý và Bỉ chính là điểm sáng tràn đầy năng lượng lạc quan, hứa hẹn sẽ còn cống hiến cho người hâm mộ những trận cầu mãn nhãn đến tận phút cuối.
Không thể chê trách các "ông lớn" nói trên khi hầu hết đều chạm trán những đối thủ mạnh nhất bảng ở lượt trận mở màn. Khi quy định cho phép cả đội hạng ba ở mỗi bảng cũng có quyền mơ mộng thì tính đua tranh sẽ được đẩy lên rất cao. Ngay cả 2 trận hòa hiếm hoi (Xứ Wales gặp Thụy Sĩ và Tây Ban Nha đối đầu Thụy Điển) cũng chẳng phải là điều tệ hại với người trong cuộc khi 1 điểm cũng đã có thể mang đến sự hài lòng.
Nếu chỉ nhìn qua số lượng trung bình 2,3 bàn/trận, người hâm mộ khó tính ắt chẳng hài lòng vì… quá ít! Tuy nhiên, nếu đặt vào tổng thể vòng bảng, đây là điều chấp nhận được bởi có đội nào không thăm dò, không toan tính ở lượt trận mở màn? Khởi đầu có phần chậm chạp này như một chỉ dấu cho thấy những cuộc thư hùng tiếp theo sẽ thực sự bùng nổ khi các "ông lớn" quyết bung sức để về đích sớm, còn những đội bóng tầm trung sẽ cạnh tranh suất vé vớt.
Bình luận (0)