Khoảng 2,7 triệu vé được bán ra cùng với hàng trăm triệu người trên thế giới dõi theo những trận cầu đầy kịch tính của 24 đội tuyển. Có lẽ, cái máu yêu thích bóng đá của thế hệ 7X chúng tôi từ xưa rồi nên chủ nhật ngày 23-6, những người bạn của tôi hiện đang sinh sống và làm việc rải rác trên khắp nước Đức đã quyết định gặp nhau tại thành phố Frankfurt/M để cổ vũ cho đội tuyển Đức gặp Thụy Sĩ vào lúc 21 giờ.
Các chuyến tàu về Frankfurt hôm đó rất đông CĐV, có nhóm còn mang theo nhạc cụ, trống. Giai điệu hào hứng, sôi động của ca khúc "Fire" hay "Football's comming home" vang lên khiến mọi người ngồi xung quanh lắc lư rộn ràng cùng hát theo. Thế mới biết, cả bóng đá và âm nhạc đều có sức mạnh kết nối cộng đồng. Thỉnh thoảng trong nhóm chát của chúng tôi lại hiện ra thông báo "Tàu của tớ bị chậm". Phải đến hơn 2 giờ chiều, các bạn tôi từ München, Hamburg, Leipzig, Ulm, Saarbrücken, Stuttgart, Zittau, Dresden... mới tụ tập đầy đủ.
Sân ga đông kịt, từng đoàn CĐV áo đỏ, áo trắng ào ào xuống tàu. Rất nhiều trong số họ tiếp tục di chuyển đến sân Waldstation, sân nhà của câu lạc bộ EintrachtFrankfurt, có sức chứa hơn 51.000 người để xem trực tiếp, số còn lại không mua được vé trong đó có chúng tôi, sẽ vào phố trung tâm hoặc ra bờ sông Main cổ vũ. Một chiếc băng rôn hoành tráng được thả từ trên cao xuống ngay giữa nhà ga như chào đón tất cả các CĐV đến Frankfurt. Dù hơi muộn so với dự kiến nhưng chúng tôi ai nấy đều rất vui vì đã có mặt ở đây.
Bữa trưa muộn tại một nhà hàng ngay trước cửa ga là chỗ để chúng tôi hàn huyên và tiếp thêm năng lượng cho buổi tối.
Hiền, cô bạn xinh xắn đến từ Zittau nói, nhờ bóng đá mà tụi mình mới có cơ hội tụ tập, chứ bình thường là suốt ngày bận bịu với công việc.
Cô bạn tên Vân đến từ Ulm kể, mười mấy năm gia đình cô mở quán, cứ đến dịp bóng đá là vợ chồng túi bụi từ sáng đến khuya. Hồi ở nhà cũng thích xem bóng đá, sang đây chỉ biết xem qua tivi vì còn bận phục vụ khách xem.
Chuyện trò râm ra, hết gia đình công việc, rồi chúng tôi vẫn quay về chủ đề bóng đá. Nhớ ngày xưa Wordcup 1990, chỉ chờ mong kết thúc mỗi trận đấu để được nghe "Mùa hè Italia". Nào là đội tuyển Đức những năm đó đoàn kết, kỷ luật đến tận phút chót, lừ lừ như cỗ xe tăng mà lật ngược mọi tình thế. Những cái tên danh thủ châu Âu ấn tượng như: Franz Beckenbauer (Đức), Ruud Gullit (Hà Lan), Roberto Barggio (Italia), Zidane (Pháp)... cứ xuất hiện là làm mưa làm gió.
Thế mới thấy tình yêu bóng đá luôn nằm trong máu mỗi người Việt dù ở bất cứ nơi nào.
Trời ngả chiều, chợt sực nhớ phải ra bờ sông Main xí chỗ. Chúng tôi đội mũ, mang cờ hoa, chuẩn bị tinh thần cổ vũ. Cô con gái nhỏ ba tuổi của bạn tôi nằng nặc đòi dán lá cờ Đức lên má. Bạn kể, con háo hức được đi theo ba mẹ nên đêm qua mới 3 giờ sáng đã thức.
Quãng đường từ nhà ga vào khu trung tâm Hauptwache tên Kaiserstrasse. Hai bên đường, những quán bia, restaurant, cafe đông kín.
Có quán thì rực đỏ màu áo CĐV của Thụy Sĩ, có quán lại toàn màu trắng CĐV Đức. Gần như quán nào cũng chuẩn bị một màn hình cỡ lớn cho khách xem. Ngay khu quảng trường trước những khối nhà sừng sững, là một sân khấu ca nhạc rộn ràng. Người đi lại như mắc cửi, chúng tôi phải chờ nhau sợ bị lạc, thỉnh thoảng dừng lại chụp ảnh giao lưu với các CĐV Đức và Thụy Sĩ.
Frankfurt không chỉ là thành phố cửa ngõ vào châu Âu, là trung tâm tài chính, chứng khoán lớn của thế giới mà ở đây còn có rất nhiều di tích lịch sử đáng lưu tâm.
Thời gian không nhiều nhưng chúng tôi vẫn cố qua phố Zeil, nhà hát Alter Opel và quảng trường Romerberg (trái tim của Frankfurt) để ngắm những ngôi nhà cổ tuyệt đẹp từ thế kỷ thứ 15. Hàng quán xung quanh chỗ nào cũng đông màu cờ sắc áo của các CĐV.
Chúng tôi ra đến bờ sông Main lúc 8 giờ tối với hy vọng sẽ kiếm được chỗ xem bóng đá công cộng ở Fanzone. Thật bất ngờ, đoạn đường ngay chân cầu sắt (Eiserner Steg), chỗ ngăn ra cho CĐV vào xem đã chưng biển đóng cổng mặc dù bên trong vẫn thoáng.
Loa phát thanh oang oang thông báo. Để đảm bảo an ninh nên họ cần đóng sớm, mời mọi người chủ động về nhà xem. Chúng tôi chỉ còn cách theo đoàn người lên cầu sắt hướng về chiếc màn hình cỡ lớn ở trong Fanzone mà tiếc nuối.
Thôi thì đành làm một kiểu ảnh kỷ niệm cho khỏi bõ công.Sắp đến giờ đá, cả bọn cuống cuồng tìm xem quán nào còn chỗ trống không.
Hầu như những quán có màn hình phục vụ chúng tôi thấy đều kín hết vòng trong vòng ngoài. Rất may cậu bạn sống ở Frankfurt đã nhanh chân tìm được một quán người Việt, họ hứa sắp xếp chỗ cho chúng tôi. Vậy là thở phào.
Thời tiết ngoài trời hôm đó mát mẻ, chưa đến 20 độ nhưng không khí cổ động của chúng tôi rất "nóng". Lo lắng khi đội Đức bị Thụy Sĩ dẫn trước và có lúc tưởng chừng nhân đôi cách biệt. Dõi theo từng đường chuyền
chuẩn xác của tiền vệ Toni Kroos, hồi hộp thắt tim khi thủ môn Neuer cứu một bàn thua trông thấy cho đội tuyển Đức ở phút thứ 87 và vỡ òa reo hò khi tiền đạo dự bị Niclas Fullkrug ghi bàn gỡ hòa ở phút bù giờ.
Hòa có nghĩa là Đức đã thắng, giữ nguyên ngôi vị đầu bảng A với 7 điểm qua 3 trận đấu. Hòa nhưng CĐV Đức vẫn tưng bừng ăn mừng. Từng đoàn người vẫy cờ hò reo, tiếng còi xe, tiếng nhạc như đánh thức cả thành phố Frankfurt bừng tỉnh.
Họ hô vang "Deutschland" một cách hãnh diện tin tưởng. Chúng tôi bị cuốn theo không khí ăn mừng đó cho tới khuya mới trở về. Đó là một tối đáng nhớ của chúng tôi.
Nếu như sologan của Euro 2024 là "Đoàn kết bởi bóng đá. Hợp nhất trong trái tim châu Âu" thì chúng tôi, những người con xa xứ luôn rất bận với công việc, đã tìm thấy niềm vui, sự quan tâm sẻ chia từ những người bạn... nhờ bóng đá.
Bình luận (0)