Với lợi thế sân nhà và đội hình có sự kết hợp hài hòa, tuyển Đức vượt trội các đối thủ chung bảng A. Đoàn quân của HLV Julian Nagelsmann chiếm tỉ lệ kiểm soát bóng trung bình khoảng 65%, ghi 8 bàn thắng và để lọt lưới 2 lần. Điểm sáng của tuyển Đức nằm ở việc xoay tua đội hình hợp lý, công thủ toàn diện và bảo toàn lực lượng trước khi bước vào vòng đấu loại trực tiếp.
Điểm mờ trong lối chơi của Đức có lẽ là vị trí của Kai Havertz. Tiền đạo 25 tuổi thuộc biên chế CLB Arsenal có tên trong đội hình xuất phát ở cả 3 trận nhưng chỉ ghi được một bàn thắng từ tình huống đá phạt đền và một kiến tạo. Trong chiến thắng trước Scotland và Hungary, Havertz không thể chơi trọn vẹn cả trận đấu và dư luận Đức yêu cầu HLV Nagelsmann đưa Niclas Fullkrug đá chính.
Havertz chưa đạt phong độ như trong màu áo Arsenal - nơi anh ghi 13 bàn thắng và 7 pha kiến tạo trong tổng số 37 lần ra sân, góp phần giúp "pháo thủ" về nhì ở Giải Ngoại hạng Anh dù chơi trái sở trường. Trở về đội Đức, được xếp đá cao nhất trong đội hình 4-2-3-1, Havertz bộc lộ khuyết điểm trong tranh chấp bóng, di chuyển chạy chỗ thiếu hợp lý và dứt điểm kém.
Trong khi đó, đàn anh Fullkrug liên tục tỏa sáng khi được tung vào sân để thay thế cho Havertz. Tiền đạo 31 tuổi của Dortmund đã có 2 bàn thắng sau 3 lần dứt điểm chỉ trong 73 phút được ra sân, đạt hiệu suất ghi bàn cao nhất kể từ đầu giải. Thân hình có phần nặng nề hơn so với Havertz song Fullkrug di chuyển trên sân đến 10 km/trận, nhiều hơn đàn em 2 km. Đáng chú ý, Fullkrug đạt tỉ lệ chuyền bóng chuẩn xác đến 100%.
Hẳn ai cũng thấy về mặt hiệu quả, Fullkrug nhỉnh hơn Havertz. Tuy nhiên, chiến lược gia người Đức hiểu rõ điểm mạnh - yếu của từng học trò. Havertz có thể vô hại trước những đối thủ trẻ tuổi song kinh nghiệm thi đấu ở Premier League sẽ giúp anh tìm cách quấy rối hàng thủ lớn tuổi của Đan Mạch ở màn so tài sắp tới.
Ngoài ra, Havertz bỏ lỡ vài cơ hội ghi bàn nhưng lại tạo ra các pha phối hợp ăn ý với đồng đội. Đây cũng là lợi thế lớn của Havertz so với mẫu trung phong cổ điển như Fullkrug. Sức mạnh của tiền đạo đang chơi cho Dortmund hẳn sẽ được phát huy tốt ở nửa cuối hiệp 2, khi đối phương rơi vào trạng thái hụt hơi hoặc co cụm phòng ngự.
Để hóa giải tuyển Đức ở thời điểm hiện tại là nhiệm vụ không dễ dàng. Đan Mạch có lối chơi phòng ngự phản công chắc chắn nhưng khả năng chuyển đổi trạng thái không còn linh hoạt, nhạy bén bởi dàn tiền vệ đã luống tuổi. Điểm mạnh của "những chú lính chì" nằm ở những cú sút xa chuẩn xác, hiểm hóc cùng khả năng không chiến. Tuy nhiên, việc tiền vệ Morten Hjulmand bị treo giò do thẻ phạt là tổn thất lớn, nhất là khi cầu thủ này đã giúp Đan Mạch gỡ hòa 1-1 bằng cú sút xa đẹp mắt ở trận gặp Anh.
Vì thế, muốn cản "xe tăng", Christian Eriksen và đồng đội cần khóa chặt các "ngòi nổ" ở hành lang của đội chủ nhà. Ngoài ra, khả năng pressing tầm cao đạt hiệu quả cũng sẽ giúp Đan Mạch hạn chế những pha tỉa bóng vượt tuyến sắc bén của Toni Kroos. Nếu khiến đội Đức phải phân định thắng thua bằng loạt đá luân lưu 11 m, đội bóng Bắc Âu Đan Mạch có thể tạo nên bất ngờ ở Euro kỳ này.
Tin vui cho hàng thủ Đức
Tin vui cho đội Đức là trung vệ A.Rudiger kịp bình phục chấn thương cơ đùi để tham gia buổi tập trước trận. Người đá cặp với Rudiger là J.Tah bị treo giò do thẻ phạt và thay Tah là trung vệ N.Schlotterbeck - đang chơi cho Dortmund.
Theo báo Bild, buổi tập sáng 28-6 cho thấy Fullkrug sẽ đá chính thay Havertz!
Bình luận (0)