Ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, Phó Ban tổ chức Festival Huế 2024 khẳng định, Festival Huế 2024 được tổ chức trong bối cảnh Thừa Thiên - Huế tăng tốc mạnh mẽ; là năm bản lề, có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện mục tiêu xây dựng và phát triển Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hoá, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.
* Phóng viên: Ông hãy cho biết những điểm nhấn tại Tuần lễ Festival nghệ thuật quốc tế Huế 2024 là gì?
- Ông Hoàng Việt Trung: Tuần lễ Festival nghệ thuật Quốc tế Huế 2024 diễn ra trong 6 ngày đêm, từ ngày 7-6 đến 12-6 với 12 chương trình chính. Đây là lần đầu tiên chương trình khai mạc Festival Huế được tổ chức tại điện Kiến Trung trong Đại nội Huế, sẽ trở nên lung linh và tỏa sáng kiêu hãnh bởi sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại trình chiếu Laser, Led Matrix, Hologram, 3D Mapping.
Bên cạnh đó là lễ hội đường phố "Sắc màu văn hóa", khai thác di sản văn hóa Huế, văn hóa các vùng miền và của các quốc gia trên thế giới. Chương trình biểu diễn của các đoàn nghệ thuật trong nước và quốc tế; "Dạ yến hoàng cung" tại sân điện Cần Chánh (Đại nội Huế), quý khách có cơ hội trải nghiệm ẩm thực cung đình triều Nguyễn, đồng thời thưởng thức các tiết mục tiêu biểu, độc đáo nhất của nhã nhạc, âm nhạc cung đình Huế - Di sản Văn hóa Thế giới. Chương trình âm nhạc "Đối thoại Trịnh Công Sơn – Tình yêu tìm thấy"; "Lễ hội ánh sáng"...
Tuần lễ Festival nghệ thuật quốc tế Huế 2024 sẽ khép lại với chương trình nghệ thuật "Về Huế Festival", bao gồm các tiết mục nghệ thuật của đoàn trong nước và quốc tế, không gian hội tụ của những người bạn gần xa đến với cố đô Huế.
* Có gì mới, thú vị tại lễ hội ánh sáng và màn trình diễn của đoàn cà kheo Hoàng gia vùng Merchtem (Bỉ) tại lễ hội đường phố "Sắc màu văn hoá", thưa ông?
- Ông Hoàng Việt Trung: Đơn vị thực hiện "Lễ hội ánh sáng" lần này cũng chính là đối tác đã cùng Ban Tổ chức Festival Huế 2023 thực hiện thành công chương trình "Huế by light - The live show" vào cuối năm 2023. Tuy nhiên, hình thức tổ chức của 2 chương trình là hoàn toàn khác nhau.
"Huế by light - The live show" được thực hiện theo thể thức của một show diễn trong thời gian ngắn 1-2 tiếng, trình chiếu ánh sáng trên bề mặt kiến trúc của cổng Ngọ Môn - Đại nội Huế. Chương trình muốn phô bày tất cả vẻ đẹp của công nghệ ánh sáng hiện đại trên nền những lớp trầm tích văn hóa của di tích lịch sử và hòa quyện với nghệ thuật âm nhạc của người nghệ sĩ.
Trong khi đó "Lễ hội ánh sáng" sẽ diễn ra tại Thái Bình lâu và vườn Thiệu Phương trong Đại nội Huế. Chương trình là một sự sắp đặt âm thanh - ánh sáng tạo nên một không gian nghệ thuật lấy cảm hứng từ những chất liệu di sản Huế và công nghệ hiện đại phương Tây. Không gian này sẽ đưa du khách bước vào một cuộc "dạo chơi" ảo diệu và đầy chất thơ.
Hoạt động mở cửa miễn phí, du khách đi vào từ cửa Hiển Nhơn và rời địa điểm tham quan qua của Hòa Bình. Có thể nói chương trình "Lễ hội ánh sáng" là hoạt động mới đầy thú vị, lần đầu tiên được tổ chức tại một kỳ Festival Huế.
Với đoàn cà kheo Hoàng gia vùng Merchtem (Bỉ), đây là một đoàn nghệ thuật lớn và lâu đời. Họ có vị thế và danh tiếng trên thế giới, từng tham dự những sự kiện mang tầm quốc tế như khai mạc Thế vận hội mùa đông 1992 , World Cup 1998, Euro 2000... Kỳ festival này là lần thứ 5 họ đăng ký tham dự, nguyên nhân một phần là vì họ cảm nhận được lòng mến khách và ấn tượng với sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân cố đô Huế khi đến biểu diễn trong các kỳ festival. Năm nay ngoài lễ hội đường phố, đoàn cà kheo Hoàng gia vùng Merchtem còn xuất hiện trong chương trình "khai hội" trước Ngọ Môn. Đây là một nét mới, một hoạt động chào đón mở màn cho tuần lễ hội kéo dài 6 ngày đêm.
* Những năm trở lại đây, Festival Huế là chương trình xuyên suốt quanh năm với nhiều hoạt động. Phải chăng đó chỉ là sự "hệ thống hoá" các chương trình, sự kiện có sẵn chứ chưa được nâng tầm chất lượng?
- Ông Hoàng Việt Trung: Có thể hiểu hệ thống hóa các lễ hội là sự nghiên cứu về tính đa dạng hóa của các hoạt động lễ hội văn hóa trong cả dân gian đến cung đình, từ truyền thống đến hiện đại, cùng mối quan hệ giữa các lễ hội theo dòng chảy thời gian. Đây là một sự "ôn cố tri tân" - hiểu rõ cái cũ để hiểu biết cái mới. Từ sự hiểu biết đó, ta bảo tồn và phục dựng những gì đã có trong nội tại, để hướng đến sáng tạo và phát huy thế mạnh của vùng đất, con người.
Một thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam thì sẽ không dậm chân tại chỗ với những gì đã có được mà phải liên tục vận động và thay đổi tiến bộ. Festival Huế được tổ chức theo định hướng bốn mùa trải dài quanh năm đã bắt đầu được thực hiện từ năm 2022.
Các chương trình lễ hội không chỉ được hệ thống hóa mà còn được sáng tạo, mở rộng, làm phong phú thêm các chương trình, hoạt động lễ hội kéo dài suốt cả năm, tổ chức các hình thái lễ hội dân gian, lễ hội cung đình, lễ hội tôn giáo, lễ hội truyền thống, lễ hội hiện đại mới phù hợp với xu thế, đáp ứng nhu cầu thưởng ngoạn của công chúng, phát triển trở thành sản phẩm du lịch định kỳ, đưa người dân và du khách trở thành chủ thể sáng tạo lẫn chủ thể hưởng thụ, đưa Festival Huế trở thành tài sản tinh thần bền vững của cộng đồng.
Xin cám ơn ông
Bình luận (0)