Sáng 1-12, tại TP HCM, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng UBND tỉnh Hậu Giang đồng chủ trì họp báo Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023 sẽ chính thức diễn ra từ ngày 11 đến 15-12 tại tỉnh Hậu Giang.
Sự kiện quan trọng
Phát biểu khai mạc buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh Festival lần này là sự kiện quan trọng, khẳng định vai trò, định vị ngành hàng lúa gạo Việt Nam trong nước cũng như khu vực quốc tế. Sự kiện được sự quan tâm của Thủ tướng, các bộ ngành và người dân trồng lúa, cơ quan chỉ đạo trong việc sản xuất ngành hàng lúa gạo quốc gia.
Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo cũng là cơ hội để Việt Nam đưa ra thông điệp với thế giới về một quốc gia có trách nhiệm với nền an ninh lương thực toàn cầu khi tiên phong trong sản xuất lúa chất lượng cao, giảm phát thải, phát triển theo hướng xanh và bền vững.
Với vai trò là chủ nhà Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023, ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, bày tỏ sự vui mừng, tự hào khi được Thủ tướng chọn làm địa phương tổ chức sự kiện này.
Theo ông Thanh, Hậu Giang dù là tỉnh có diện tích nhỏ nhưng là trung tâm vùng ĐBSCL, sinh thái đa dạng, diện tích trồng lúa chiếm hơn 50% của tổng diện tích tự nhiên, hộ nông nghiệp chiếm hơn 70%...
Độc đáo "Con đường lúa gạo Việt Nam"
Ông Thanh thông tin hiện đã có 200 khách quốc tế thuộc 39 quốc gia, vùng lãnh thổ đăng ký tham dự sự kiện này. Trong đó, có khoảng 14 cơ quan báo chí nước ngoài đăng ký tham dự, kỳ vọng có sự lan tỏa về ngành hàng lúa gạo Việt Nam ra quốc tế.
Trả lời câu hỏi của báo chí về những điểm đặc biệt của Festival lúa gạo lần này so với những lần trước, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết đây là lần đầu tiên Festival lúa gạo Việt Nam được nâng tầm là Festival quốc tế. Lễ khai mạc và chương trình nghệ thuật quy mô lớn diễn ra vào tối 12-12 được kỳ vọng là điểm nhấn hấp dẫn của Festival.
Điểm nhấn kế tiếp là triển lãm "Con đường lúa gạo Việt Nam" tại bờ kè Kênh xáng Xà No (TP Vị Thanh). Con đường lúa gạo Việt Nam không chỉ góp phần truyền đi thông điệp Festival lúa gạo mà còn là nơi đưa khách tham quan, khám phá, trải nghiệm quá khứ, hiện tại, tương lai của lúa gạo Việt Nam. Con đường lúa gạo thể hiện quá trình trồng lúa Việt Nam từ lúc sơ khai đến thời đại nông nghiệp 4.0. Cuối con đường là bản đồ lúa gạo (ngang 3m, cao 9 m) được làm từ lúa đặc sản, đặc trưng của 63 tỉnh thành cả nước.
Xác lập 3 kỷ lục Việt Nam về lúa gạo
Ngoài ra, trong khuôn khổ Festival còn có triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội, sản xuất lúa gạo của các tỉnh thành cả nước; triển lãm chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo; triển lãm "Lúa gạo Việt - Thương hiệu Việt - Tự hào của người Việt"; triển lãm "Lúa gạo quốc tế", triển lãm "Nông nghiệp số - Nền tảng phát triển bền vững"; triển lãm "Nông nghiệp xanh - Công nghệ sạch"; triển lãm của ngành "Ngân hàng phục vụ sự phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới"; triển lãm ngành du lịch…
Dự kiến tại Festival sẽ mời Tổ chức Guiness Việt Nam xác lập 3 kỷ lục Việt Nam: sự kiện công diễn và chế biến 200 món bánh làm từ gạo nếp; Con đường lúa gạo Việt Nam; Bản đồ lúa gạo đặc sản Việt Nam.
Đề xuất khen thưởng các doanh nghiệp thi gạo ngon
Liên quan đến giải thưởng "Gạo ngon nhất thế giới", tại họp báo, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết từ năm 2022, The Rice Trader không trao giải cụ thể cho một giống nào cụ thể, mà trao giải cho gạo quốc gia. Như năm 2022, gạo Campuchia đoạt giải Nhất; năm 2023, gạo Ấn Độ, Việt Nam và Campuchia nằm trong top 3, trong đó, gạo Việt Nam được trao giải thưởng Gạo ngon nhất. "Đây là thành tựu đáng tự hào. Chúng tôi sẽ đề xuất khen thưởng các doanh nghiệp đã tham gia cuộc thi" – ông Cường nói.
Bình luận (0)