Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký Chỉ thị 10/CT-TTg ngày 2-3-2024 về việc đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu lúa, gạo bền vững, minh bạch, hiệu quả trong tình hình mới. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương nghiên cứu xây dựng thí điểm các mô hình đưa thương lái vào chuỗi giá trị.
Lực lượng quan trọng
Khoảng 2 tuần qua, nhiều nơi ở ĐBSCL, nông dân than vãn chuyện thương lái bỏ cọc khi giá lúa giảm từ 1.500 - 2.000 đồng/kg so với thời điểm trước Tết Giáp Thìn.
Ông N.C.L, một thương lái thu mua lúa tại tỉnh Đồng Tháp, cho hay trước Tết, ông đặt cọc 200.000 đồng/công (1.000 m2) và thỏa thuận bằng miệng là mua lúa các giống OM ở các tỉnh ĐBSCL với giá 8.000 - 8.200 đồng/kg, IR 50404 là 7.200 - 7.500 đồng/kg. Bây giờ giá lúa rớt, trên thị trường giống OM chỉ còn từ 7.400 - 7.500 đồng/kg, IR 50404 từ 6.400 - 6.500 đồng/kg.
Ông L. có thương thảo với nông dân là tăng lên 100 đồng/kg so với giá hiện tại trên thị trường để gỡ lại chi phí nhân công nhưng họ không đồng ý. "Khi mang lúa tới nhà máy xay xát ra gạo, DN mua gạo cũng thấp hơn thời điểm trước từ 300 - 500 đồng/kg mà trong khi đâu có hợp đồng gì. Giá lúa giảm khiến chúng tôi cũng lỗ. Cho nên có ruộng chúng tôi đến mua, còn có nơi phải bỏ cọc vì càng mua càng lỗ" - ông L. nói.
Ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, cho rằng doanh nghiệp (DN) không đủ sức để gom hết sản lượng lúa của nông dân ở thời điểm thu hoạch cũng như việc nông dân không thể dự trữ vì không có kho chứa. Vì vậy, lực lượng thương lái đóng vai trò quan trọng trong khâu thu mua từ nông dân và bán lại cho nhà máy.
"Gọi họ là tiểu thương hay DN nhỏ thì đúng hơn. Từ trước tới giờ, thương lái ứng xử với nông dân bằng hợp đồng miệng là chính, không chính danh, đây là kẽ hở. Việc Thủ tướng yêu cầu gắn lực lượng này vào chuỗi giá trị ngành hàng là đúng nhịp vì đề án "Sản xuất bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, giảm phát thải khí nhà kính tại vùng ĐBSCL" đang triển khai nên cần nhiều nguồn lực, trong đó có thương lái. Tuy nhiên, khi đưa thành phần này vào thì yêu cầu họ phải có hợp đồng mang tính pháp lý rõ ràng với nông dân cũng như hợp đồng giữa DN và thương lái" - ông Nghiêm nhìn nhận.
Theo ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam - lực lượng thương lái đóng góp quan trọng cho việc tiêu thụ 24 triệu tấn lúa/năm ở ĐBSCL vì rất ít DN đủ sức mua lúa gạo ở tất cả các cánh đồng. Cũng có lúc thương lái cùng hợp tác xã, nông dân thương lượng với DN. Vì vậy, phải xác định họ là thành tố quan trọng trong chuỗi.
"Trong sản xuất lúa gạo thì nông dân, hợp tác xã, DN ai cũng được quan tâm, hỗ trợ nhưng lực lượng thương lái từ trước tới nay ít ai quan tâm, có lúc lên án họ là ép giá, bỏ kèo nhưng phải thấy được lực lượng này đóng góp quan trọng cho việc tiêu thụ lúa gạo" - ông Tùng nói.
Cần người cầm trịch
Ông Tùng nhận xét chỉ đạo của Thủ tướng là điều rất tốt cho ngành hàng lúa gạo hiện tại và trong tương lai. Tuy nhiên, vấn đề lực lượng thương lái sẽ nằm trong cơ cấu tổ chức nào và ủng hộ họ tới mức nào để giúp họ thu mua tốt hơn là điều đáng quan tâm.
PGS-TS Nguyễn Ngọc Đệ, nguyên Phó trưởng Khoa Phát triển nông thôn Trường ĐH Cần Thơ, cho rằng việc liên kết trong chuỗi giá trị lúa gạo đã nói nhiều nhưng chưa chặt chẽ. Vì cả DN, thương lái hay nông dân ai cũng chỉ quan tâm đến lợi ích của mình.
Với chỉ thị của Thủ tướng, PGS-TS Nguyễn Ngọc Đệ đề xuất các bên tham gia trong chuỗi cần chia sẻ lợi ích cũng như rủi ro và tạo lòng tin với nhau. Điều này cần có cơ chế để DN gắn kết với thương lái và nông dân. Đồng thời, mỗi DN cần gắn kết với lực lượng thương lái, xem họ là cánh tay nối dài của mình.
TS Lê Văn Bảnh, nguyên Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, đề nghị: "Nói đến chuỗi giá trị lúa gạo thì ai sẽ cầm trịch điều hành chuỗi này. Vừa qua, Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam thành lập với mục tiêu hình thành chuỗi giá trị lúa gạo. Như vậy, cần phát huy vai trò của hiệp hội để bảo đảm từ khâu sản xuất tới tiêu thụ, bảo đảm có lợi cho các thành phần tham gia trong chuỗi".
Cần có kho dự trữ
Theo TS Lê Văn Bảnh, năm 2023, xuất khẩu gạo của nước ta hơn 8 triệu tấn mang về 4,6 tỉ USD nhưng khi hỏi một vài DN thì họ than lỗ. Nguyên nhân là DN ký hợp đồng trước rồi mới thu mua lúa trong dân, nhưng thời điểm đó giá lúa lên cao ngất ngưởng bắt buộc DN phải mua để giao. Còn hiện tại, dù Việt Nam rộng đầu ra xuất khẩu thì đến mùa thu hoạch rộ vụ đông xuân, giá lúa lại giảm, tình trạng "bẻ kèo" xảy ra, đây là sự phát triển không bền vững của ngành hàng.
"Vấn đề này tồn tại đã lâu. Vì vậy cần nghĩ đến việc dự trữ lúa gạo để khi nước ngoài cần mua, DN có sẵn nguồn hàng. Đồng thời, đến mùa thu hoạch, DN vẫn mua với mức giá bảo đảm cho nông dân có lợi nhuận. Muốn vậy thì ngân hàng cần ưu tiên nguồn vốn cho DN" - TS Lê Văn Bảnh phân tích.
Bình luận (0)