Nhìn tổng quan thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam hiện nay, có thể thấy xu hướng "gạo xanh - sống lành" chưa được thể hiện rõ nét. Trong khi đó, một số thị trường đã thiết lập tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm, tạo ra những thách thức lớn cho việc xuất khẩu gạo của Việt Nam.
Thị trường lớn, thử thách lớn
Ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), cho biết 11 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu gạo cả nước đạt khoảng 7,75 triệu tấn, trị giá hơn 4,4 tỉ USD. Đây là kết quả cao nhất kể từ khi ngành lúa gạo Việt Nam tham gia thị trường xuất khẩu.
Theo ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNN), từ năm 2018 đến nay, Việt Nam luôn duy trì là 1 trong 3 quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Những thị trường nhập khẩu gạo chính của Việt Nam hiện nay là Philippines, Indonesia, Trung Quốc, Bờ Biển Ngà, Malaysia, Singapore…
Về tổng thể, bức tranh xuất khẩu gạo Việt Nam đang rất ấn tượng. Tuy nhiên, một số thị trường gần đây đã tăng cường quản lý sản phẩm nhập khẩu theo chuẩn mực mới, trong đó ưu tiên "tiêu chí xanh". Vì thế, xuất khẩu gạo Việt Nam sang những thị trường này gặp không ít khó khăn.
Trung Quốc là một minh chứng. Đây là thị trường xuất khẩu gạo lớn của Việt Nam. Sau khi thay đổi chính sách quản lý về lương thực, thực phẩm - cụ thể, doanh nghiệp xuất khẩu phải bảo đảm điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm trong nhà máy chế biến, bảo đảm quy trình giám sát... - thì gạo Việt Nam đủ điều kiện nhập khẩu sang quốc gia này sụt giảm khá mạnh so với trước đây. "Trung Quốc cấp cho Việt Nam hạn ngạch 2,5 triệu tấn nhưng số lượng tận dụng được nhỏ hơn rất nhiều" - ông Lê Thanh Hòa dẫn chứng.
Tương tự là thị trường Hàn Quốc - cấp cho Việt Nam hạn ngạch khoảng 170.000 tấn/năm nhưng sau đó thu hẹp lại, chỉ còn 70.000 tấn. Lý do, nguồn cung từ Việt Nam không bảo đảm về chất lượng cũng như một số vấn đề khác liên quan.
Những dẫn chứng trên cho thấy xu thế tiêu dùng trên thế giới đang có những chuyển biến mới. Sản xuất bền vững về môi trường sẽ là tiêu chí ưu tiên trong việc nhập khẩu sản phẩm của các nước.
Ông Lê Thanh Hòa cho biết: "Đây cũng là những yếu tố mà các FTA (Hiệp định Thương mại tự do) đặt ra. Nếu Việt Nam không chủ động tuân thủ thì tương lai sẽ rất khó khăn, nhất là khi chúng ta đã ký 17 FTA. Trong đó, 16 FTA đang thực hiện và tương lai sẽ có thêm nhiều FTA khác được ký kết".
Đề án kịp thời, phù hợp
Để vượt qua những "rào chắn" của thị trường xuất khẩu gạo hiện nay, Bộ NN-PTNN đã phê duyệt Đề án Phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh ở vùng ĐBSCL đến năm 2023, với định hướng "gạo xanh - sống lành". Đây là hướng đi kịp thời và phù hợp với đòi hỏi mới của thị trường.
Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ NN-PTNN, cho biết với đề án này, ĐBSCL sẽ thực hiện thí điểm một số chính sách mới. Theo đó, chi trả tín chỉ carbon dựa trên kết quả; tập trung vào sản xuất phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh; phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng tuần hoàn, tận dụng tối đa phụ phẩm từ sản xuất lúa gạo; khai thác đa giá trị, tạo ra nhiều sản phẩm chế biến từ lúa gạo.
"Các thí điểm thành công tại ĐBSCL sẽ được mở rộng ra cả nước, hướng tới mục tiêu đưa "phát triển xanh, giảm phát thải, chất lượng cao" trở thành thương hiệu của lúa gạo Việt Nam" - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Trong khi đó, bà Carolyn Turk, Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, bày tỏ: "Chúng tôi tin tưởng rằng Chính phủ Việt Nam đang đi đúng hướng thông qua kinh nghiệm mà các nước trên thế giới đã trải qua. Về phía WB, chúng tôi cam kết sẽ đồng hành và hỗ trợ Đề án Phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030".
Theo bà Nguyễn Thị Trà My, Tổng Giám đốc Tập đoàn PAN, doanh nghiệp này sẽ đồng hành với nông dân xây dựng chuỗi giá trị khép kín, từ đầu vào là nguồn giống chất lượng, quy trình canh tác tiêu chuẩn đến các giải pháp phòng trừ sâu bệnh, kiểm soát dịch hại. Sau đó, gắn liền với việc bao tiêu và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm cuối cùng.
"Các giải pháp sẽ hướng đến việc tiết giảm chi phí đầu vào mà vẫn tăng tối đa năng suất và chất lượng. Từ đó, chúng tôi kỳ vọng sẽ đạt được 2 mục tiêu quan trọng: Giảm phát thải khí nhà kính trong ngành nông nghiệp và nâng cao thu nhập cho nông dân" - bà My tin tưởng.
Ông Trần Minh Lý - nông dân ở TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang - cho biết mong muốn của người sản xuất nông nghiệp là có được giống lúa đạt chất lượng, ít sâu bệnh và cho năng suất cao. Khi cây lúa phát triển tốt, không sâu bệnh thì nông dân sẽ không cần dùng đến thuốc và các chế phẩm hóa học - vừa tiết kiệm chi phí vừa bảo vệ được môi trường.
"Hy vọng đề án 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL sẽ đem lại nhiều lợi ích cho nông dân. Người dân chúng tôi luôn mong mỏi lúa trúng mùa, được giá và đầu ra ổn định để tuân thủ đúng định hướng "gạo xanh - sống lành", vừa đảm bảo được đời sống vừa bảo vệ được môi trường" - ông Lý thổ lộ
ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH
Bình luận (0)