Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đáng ghi nhận, ngành lúa gạo của Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập: Chất lượng, hiệu quả, giá trị thấp, tính cạnh tranh chưa cao; thu nhập của nông dân sản xuất lúa thấp; sản xuất lúa thiếu tính bền vững, tác động tiêu cực đến môi trường và biến đổi khí hậu...
Những hạn chế, bất cập này một lần nữa được đưa ra bàn thảo tại hội thảo quốc tế "Phát triển chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam trách nhiệm và bền vững" do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) phối hợp với UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức vào ngày 13-12. Các diễn giả, nhà khoa học, doanh nghiệp đã có những trao đổi, chia sẻ về thách thức và cơ hội của ngành hàng lúa gạo Việt Nam để qua đó định hướng xây dựng, phát triển chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam minh bạch, trách nhiệm và bền vững, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống và nâng tầm giá trị hạt gạo Việt trên thị trường lúa gạo thế giới.
PGS-TS Nguyễn Phú Son (Trường ĐH Cần Thơ) đã đưa ra các giải pháp được cho là giải quyết được những bất cập, nghịch lý bao lâu nay của ngành lúa gạo Việt Nam. Trong đó, có 3 giải pháp đáng lưu ý:
1. Phải đầu tư phát triển vùng nguyên liệu lúa tập trung, chuyên canh lúa chất lượng cao theo hướng bền vững và tăng trưởng xanh. Hiện tại, Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030" đã được Bộ NN-PTNT trình Thủ tướng Chính phủ, tạo ra cơ hội phát triển lớn cho ngành hàng lúa gạo.
2. Nghiên cứu và phát triển các mô hình liên kết bền vững giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị lúa gạo thông qua sự tham gia trung gian của tác nhân thương lái. Các bộ, ngành cũng cần có những chương trình, dự án hỗ trợ liên kết sao cho thu hút được thương lái tham gia một cách tích cực và hiệu quả hoạt động của chuỗi giá trị lúa gạo.
3. Phải xây dựng dự án nghiên cứu phát triển giống lúa và phát triển thương hiệu gạo chung của Việt Nam. Do đó, nhà nước cần thực hiện và triển khai dự án nghiên cứu và phát triển giống lúa, dựa vào nguồn lực từ các tổ chức, đơn vị nhà nước, kể cả doanh nghiệp tư nhân có năng lực.
Ý kiến của ông Denny Abdi, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Indonesia tại Việt Nam, cũng rất đáng lưu tâm. Ông cho rằng Đông Nam Á có thế mạnh về sản xuất lúa gạo, Việt Nam là một trong 5 quốc gia trong khu vực giữ nguồn cung quan trọng trong thị trường lúa gạo toàn cầu. Do vậy, để duy trì, nâng cao hơn nữa vị thế của các quốc gia đứng đầu trong xuất khẩu gạo, trong đó có Việt Nam, thì cần rà soát, cập nhật các tiêu chuẩn trong chuỗi giá trị gạo cho phù hợp với thị trường quốc tế và hoàn thiện cơ chế thúc đẩy hợp tác công - tư.
Một khi làm được như vậy thì chúng ta mới giúp tăng chuỗi giá trị cho gạo Việt. Đó cũng là cách để giúp hàng chục triệu nông dân hưởng lợi, tăng thu nhập, làm giàu từ chính ruộng đồng của mình.
Bình luận (0)