xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Gay go bài toán phương tiện cá nhân

Thu Hồng - Lê Thúy

Hà Nội và TP HCM đã và đang triển khai nhiều giải pháp để phát triển giao thông công cộng, hạn chế phương tiện cá nhân nhằm giảm áp lực cho giao thông đô thị

Nhiều năm qua, để giảm ùn tắc giao thông (UTGT) ở các đô thị lớn, hàng loạt giải pháp đã được chính quyền TP HCM, Hà Nội triển khai, nghiên cứu, như phát triển giao thông công cộng; mở rộng, nâng cấp hàng loạt tuyến đường; hạn chế phương tiện cá nhân...

Giảm 20% lượng xe vào nội đô

Cuối tuần trước, với sự chủ trì của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh, UBND thành phố đã họp với các sở, ngành để xem xét thông qua một số nội dung của Đề án "Giao thông thông minh trên địa bàn TP Hà Nội". Đề án này được UBND TP Hà Nội dự kiến trình HĐND thành phố xem xét, quyết định trong phiên họp cuối năm vào tháng 12-2024.

Đề án gồm nhiều giải pháp, ứng dụng công nghệ hiện đại nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành giao thông, giảm UTGT và nâng cao an toàn cho người dân. Trong các giải pháp hạn chế UTGT, có đề án thu phí vào nội đô đối với phương tiện cơ giới. Theo đó, đề án triển khai hệ thống thu phí tự động gồm lắp đặt hệ thống thu phí không dừng trên các tuyến đường chính và tại các trạm thu phí; hoàn thiện, nâng cấp hệ thống trạm thu phí tự động để tích hợp với hệ thống vé tháng, vé năm cho phương tiện công cộng.

Gay go bài toán phương tiện cá nhân- Ảnh 1.

Nhiều tuyến đường ở TP HCM thường bị kẹt xe, ùn tắc vào giờ cao điểm. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Ngoài ra, hệ thống camera giám sát giao thông sẽ được lắp tại các ngã tư, tuyến đường lớn và các điểm nóng giao thông. Hệ thống camera không chỉ ghi nhận tình hình giao thông mà còn hỗ trợ phát hiện, xử lý vi phạm như: vượt đèn đỏ, tốc độ, sai làn đường…

Theo đề án đã trình TP Hà Nội lần thứ 3, khảo sát cho thấy nếu 1 giờ, một nút giao thông có khoảng 5.000 lượt xe đi qua đường Vành đai 3 để vào nội đô thì khi thực hiện đề án, lập tức sẽ giảm khoảng 20% lượng xe không có nhu cầu vào nội đô. Với lưu lượng xe hiện nay, nếu vào giờ cao điểm, khu vực nội đô giảm được 20% lưu lượng xe trên đường thì ùn tắc sẽ không còn phức tạp.

Đề án trên đang được lấy ý kiến người dân để tiếp tục chỉnh sửa. Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP Hà Nội, thành phố hiện có khoảng 8 triệu phương tiện, trong đó có gần 1,5 triệu ô tô. Tốc độ gia tăng phương tiện cá nhân của thành phố là 4,5%/năm, riêng ô tô khoảng 10% nhưng tốc độ tăng hạ tầng giao thông chỉ khoảng 0,28%.

UBND TP Hà Nội cũng đang lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết quy định tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục xác định vùng phát thải trên địa bàn nhằm cụ thể hóa Luật Thủ đô năm 2024. Vùng phát thải thấp (LEZ) là khu vực giới hạn trong thành phố, nơi có mức độ ô nhiễm trong không khí cao. Các phương tiện giao thông hoạt động ở khu vực này phải đáp ứng tiêu chuẩn phát thải nghiêm ngặt, phương tiện không đạt tiêu chuẩn sẽ bị hạn chế hoặc phải trả phí.

Sau khi lấy ý kiến, Hà Nội đưa ra dự thảo lần 2 với quy định cụ thể hơn. Theo đó, 12 quận hiện nay, 5 huyện sắp lên quận và 2 thành phố mới nằm trong danh sách khu vực được xem xét hạn chế phương tiện giao thông gây ô nhiễm. Việc lựa chọn và thực hiện biện pháp này sẽ căn cứ vào tình hình kinh tế - xã hội và đặc điểm riêng của mỗi khu vực.

Trước mắt, Hà Nội khuyến cáo các quận, huyện cấm lưu hành xe tải hạng nặng chạy bằng dầu diesel, ưu tiên phương tiện giao thông đáp ứng tiêu chuẩn khí thải Euro 4 trở lên và đạt quy chuẩn khí thải cho phép theo quy định; hạn chế, có thu phí đối với phương tiện đáp ứng tiêu chuẩn khí thải dưới Euro 4 và không đạt quy chuẩn khí thải cho phép. Các tổ chức, cá nhân đang sinh sống và làm việc trong vùng LEZ sẽ được ưu tiên áp dụng lộ trình (12 tháng) để chuyển đổi phương tiện phát thải thấp hoặc đạt quy chuẩn phát thải cho phép khi lưu hành trong vùng này… Những khu vực được xác định là vùng LEZ sẽ phải áp dụng biện pháp về giao thông, kinh tế để giảm ô nhiễm không khí.

Ưu tiên phát triển giao thông công cộng

Trong khi đó, đề án thu phí ô tô vào trung tâm thành phố năm 2010 được UBND TP HCM chấp thuận cho Công ty CP Công nghệ Tiên Phong lập, xây dựng 36 cổng thu phí tự động. Tuy nhiên, mới đây, Sở GTVT đề xuất thành phố chưa triển khai thu phí ô tô vào nội đô cho đến khi hoàn thành 7 tuyến metro.

Theo ông Ngô Hải Đường, Trưởng Phòng Quản lý vận tải đường bộ - Sở GTVT TP HCM, trong quá trình nghiên cứu, điều chỉnh quy hoạch chung thành phố, đơn vị tư vấn lập Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung TP HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 đã đưa ra định hướng phát triển hệ thống hạ tầng cho khu trung tâm thành phố. Mục tiêu là ưu tiên phát triển giao thông công cộng (metro và xe buýt); từng bước hạn chế giao thông cá nhân, tổ chức hệ thống giao thông tĩnh và thu phí kẹt xe ở khu trung tâm; phát triển hệ thống đường sắt đô thị (ĐSĐT) TP HCM…

Về việc giảm UTGT cho nội đô TP HCM, theo ông Đường, thành phố sẽ triển khai các giải pháp theo các đề án, kế hoạch, chương trình đã được UBND TP HCM ban hành, theo 2 nhóm chính. Nhóm giải pháp công trình sẽ tập trung triển khai thực hiện Đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn TP HCM giai đoạn 2020-2030, trong đó tập trung triển khai thực hiện các dự án giao thông trọng điểm như tuyến cao tốc kết nối, đường vành đai, tuyến kết nối vùng, hệ thống giao thông tĩnh… theo cơ chế đặc thù của Nghị quyết 98/2023. Đồng thời, triển khai xây dựng các tuyến ĐSĐT sau khi Đề án Phát triển hệ thống ĐSĐT TP HCM được phê duyệt.

Với nhóm giải pháp phi công trình, tiếp tục phát huy hiệu quả công tác phối hợp của các nhóm phản ứng nhanh tại các khu vực trọng điểm và cơ chế phối hợp thông tin, xử lý kịp thời giữa cơ quan, đơn vị liên quan trật tự an toàn giao thông. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, khai thác hiệu quả Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị. Nâng cấp, mở rộng mạng lưới hệ thống giám sát điều khiển giao thông. Tối ưu hóa hoạt động của hệ thống điều khiển đèn tín hiệu giao thông từ các trục giao thông chính đã kết nối về trung tâm. Ứng dụng trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn nhằm phân tích, tối ưu hóa dòng giao thông... 

Hà Nội sẽ thí điểm mô hình phát thải thấp

Ông Lê Thanh Nam, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội, cho hay mỗi ngày, phương tiện giao thông tiêu thụ hàng triệu lít xăng dầu... Đây là một trong nhiều nguyên nhân gây ô nhiễm không khí.

Để cải thiện môi trường, Hà Nội đang triển khai một số giải pháp. Trong đó, chú trọng chuyển đổi năng lượng xanh và phát triển đô thị thông minh; phát triển giao thông thông minh, hiện đại; cải tạo, xây dựng không gian xanh tại nội đô. Từ năm 2025, thành phố sẽ thí điểm mô hình phát thải thấp tại một số khu vực đông đúc, là điểm nóng về ô nhiễm không khí. Tại khu vực này, phương tiện giao thông gây ô nhiễm sẽ bị hạn chế.

Ông NGUYỄN QUANG HUÂN - Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội:

Cần lộ trình và chính sách hỗ trợ

Việc hạn chế phương tiện giao thông để bảo vệ môi trường không khí là bước đi cần thiết. Song, khi triển khai, các thành phố cần có lộ trình cụ thể để người dân chủ động chuyển đổi và cần chính sách hỗ trợ.

TS PHẠM VIẾT THUẬN - Viện trưởng Viện Kinh tế Tài nguyên và Môi trường TP HCM:

Vận tải công cộng phải được phủ rộng

Việc thu phí chỉ áp dụng khi các điều kiện về hạ tầng bảo đảm để người dân có quyền lựa chọn. Trong đó, bảo đảm hạ tầng bến bãi đậu đỗ xe để người dân gửi xe, đi phương tiện trung chuyển vào trung tâm thành phố; điều kiện về vận tải công cộng phải bảo đảm kết nối phủ rộng. Khi có đủ các điều kiện, muốn đi ô tô vào trung tâm thì phải trả chi phí gây kẹt xe, ô nhiễm môi trường. Đây là điều sòng phẳng mà rất nhiều nước trên thế giới áp dụng.

TS HOÀNG DƯƠNG TÙNG, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường:

Cần thí điểm trước khi nhân rộng

Việc hạn chế phương tiện sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới sinh hoạt của rất nhiều người dân sống và làm việc trong các thành phố. Vì vậy, chính sách cần có lộ trình cụ thể đi kèm việc phát triển hệ thống hạ tầng giao thông công cộng và phát triển phương tiện giao thông xanh. Nhiều nước đã xây dựng vùng phát thải zero, khu vực chỉ dành cho xe điện, xe đạp và người dân đi bộ. Việt Nam cũng nên thực hiện thí điểm trước khi triển khai nhân rộng.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo