xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Giá cà phê biến động: Không ngoài dự báo

NGỌC ÁNH thực hiện

Giá cà phê dù giảm nhưng đang ở mức rất tốt. Việc cần làm của ngành cà phê Việt Nam là thống kê lại diện tích canh tác và nâng cao chất lượng theo tiêu chuẩn của thị trường châu Âu

Sau khi lập kỷ lục hôm 26-4 với mức 4.304 USD/tấn và 134.000 đồng/kg ở thị trường nội địa, giá cà phê bước vào trạng thái "rơi tự do". Chưa đến 10 ngày, giá cà phê Robusta thế giới đã "bốc hơi" đến hơn 760 USD/tấn, trong khi giá nội địa giảm 24.000 đồng/kg. Điều này có bất thường hay không và tác động ra sao đến ngành cà phê Việt Nam? Phóng viên Báo Người Lao Động đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (VICOFA), xung quanh chủ đề này.

Phóng viên: Theo ông, lý do nào khiến giá cà phê giảm mạnh trong những ngày gần đây?

- Ông NGUYỄN NAM HẢI: Tôi cho rằng có 4 nguyên nhân cơ bản khiến giá cà phê giảm trong những ngày qua.

Giá cà phê biến động: Không ngoài dự báo- Ảnh 1.

Ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam

Thứ nhất, hiện tượng El Nino gây khô hạn, làm tăng nguy cơ mất mùa cà phê thời gian qua tại các vùng trồng trên thế giới là Brazil và Việt Nam về cơ bản đã kết thúc; chỉ còn một số khu vực vẫn khô hạn, nắng nóng.

Thứ hai, nguồn cung cà phê trên thế giới được cải thiện khi Brazil bắt đầu thu hoạch vào tháng 5, trong đó có giống cà phê Conilon - tương tự Robusta của Việt Nam. Trước đây, mỗi năm Brazil thu hoạch khoảng 18 triệu bao (60 kg/bao) cà phê Conilon và chủ yếu tiêu thụ nội địa, chỉ dành khoảng 2-3 triệu bao cho xuất khẩu. Nhưng năm nay, Brazil dự kiến thu hoạch trên 25 triệu bao Conilon nên lượng hàng xuất khẩu có thể lên đến 9-10 triệu bao (tương đương 540.000 - 600.000 tấn).

Thứ ba, phải thừa nhận một điều là đợt tăng giá cà phê vừa qua có sự tham gia của các nhà đầu cơ, các quỹ đầu tư lớn, dẫn đến tình trạng dư mua và tồn kho cao. Giờ đang là thời điểm họ bán ra để thu tiền về nên giá cà phê giảm là tất yếu.

Thứ tư, Tổ chức Cà phê thế giới (ICO) vừa công bố báo cáo cho thấy xuất khẩu cà phê toàn cầu tháng 3-2024 tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 6 tháng đầu vụ cà phê 2023-2024, xuất khẩu cà phê tăng 10,4%. Điều này cho thấy xuất khẩu cà phê toàn cầu vẫn tăng. Trong khi đó, giá cà phê Robusta đã đạt mức cao nhất trong vòng 45 năm qua (kể từ tháng 7-1979).

Việc giá cà phê giảm có các nguyên nhân rõ ràng nên không bất thường và điều này đã được dự báo trước. Hiện tại, dù giá cà phê đã giảm so với mức đỉnh nhưng vẫn cao và là mức rất tốt cho người sản xuất cà phê.

Giá cà phê biến động: Không ngoài dự báo- Ảnh 2.

Giá cà phê dù đang giảm nhưng vẫn ở mức rất tốt với người trồng cà phê. Ảnh: AN NA

Trong đợt cà phê tăng giá mạnh trước đây, VICOFA cho biết nhận được phản ánh của các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu, trong đó có vài tập đoàn nước ngoài, về việc một số đại lý thu mua và DN cung ứng đã không giao hàng đúng thời hạn quy định trong hợp đồng. Tình trạng này đến nay ra sao?

- Chúng tôi đã tổ chức hội nghị Ban Chấp hành VICOFA mở rộng để lắng nghe, thấu hiểu khó khăn của các đối tác vào ngày 11-4 vừa qua. Đến nay, hiệp hội không còn nhận được những phản ánh tương tự. Có lẽ các bên đã ngồi lại với nhau tự thỏa thuận, cùng nhau chia sẻ để giải quyết các vướng mắc.

Thời tiết nắng nóng, hạn hán tại Tây Nguyên ảnh hưởng như thế nào đến niên vụ cà phê 2024-2025 sắp tới?

- Hiện tại, vẫn còn sớm để dự báo tình hình. Tuy nhiên, tại các vùng trồng cà phê Tây Nguyên đã có cơn mưa lớn vào đầu tháng 5, chỉ còn một số diện tích bị khô hạn. Vì thế, nhiều người lạc quan hơn về sản lượng cà phê vụ tới.

Trước việc giá cà phê biến động mạnh như thời gian qua, VICOFA có khuyến cáo gì với người trồng và DN kinh doanh để hạn chế rủi ro?

- Khi giá cà phê biến động mạnh, nông dân, thương lái, đại lý và DN xuất khẩu cần hạn chế tối đa việc "mua xa, bán xa" (tức mua hàng khi vụ mùa chưa tới - thường gọi là "mua lúa non", hoặc bán trước, giao hàng sau - PV) để tránh rủi ro. Bởi lẽ, khi giá cà phê biến động mạnh, việc thực hiện hợp đồng này sẽ khiến một bên thua lỗ nặng. Trường hợp xảy ra tranh chấp hợp đồng, người mua và người bán nên cùng nhau thỏa thuận để chia sẻ rủi ro, tránh thiệt hại dồn về một phía.

Các địa phương cũng cần cảnh báo việc chuyển đổi cây trồng, mở rộng diện tích cà phê khi giá cả tăng cao vì có thể xảy ra khủng hoảng thừa toàn cầu như từng xảy ra trước đây.

Ngoài câu chuyện về giá, ngành cà phê hiện có vấn đề lớn nào cần kiến nghị đến cơ quan chức năng để việc phát triển hướng tới bền vững?

- Châu Âu là khách hàng lớn nhất của cà phê Việt Nam nhưng họ đòi hỏi chất lượng luôn gắn liền với tăng trưởng xanh, bảo vệ thiên nhiên và bảo vệ môi trường. Trong đó, có quy định về chống phá rừng và gây suy thoái rừng (EUDR - có hiệu lực từ tháng 6-2023, sẽ triển khai thực hiện ngày 1-1-2025). VICOFA kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương trình Chính phủ khung kế hoạch hành động thích ứng EUDR; đồng thời phối hợp với Bộ Tài Nguyên và Môi trường cùng các địa phương trồng cà phê xây dựng thống nhất bản đồ rừng.

Các cơ quan chức năng Việt Nam cần sớm đàm phán với EU để đưa Việt Nam vào danh sách vùng có rủi ro thấp về EUDR, công nhận bản đồ rừng của Việt Nam đưa ra, đồng thời ban hành tài liệu hướng dẫn cụ thể để các DN tuân thủ EUDR.

Ngoài ra, hiện nay ở nhiều địa phương, người dân đã trồng cây khác nhưng vẫn báo cáo diện tích cà phê. Vì vậy, cần rà soát, thống kê lại con số thực tế để các DN chủ động tính toán thu mua nguồn hàng, lên kế hoạch sản xuất - kinh doanh chính xác hơn. 

Theo số liệu hải quan do VICOFA tổng hợp, tháng 4-2024, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt gần 148.000 tấn, giá trị gần 572 triệu USD. Lũy kế 4 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu cà phê đạt gần 734.000 tấn, trị giá gần 2,5 tỉ USD - giảm 0,3% về khối lượng nhưng tăng 49,4% về giá trị.

Giá cà phê xuất khẩu bình quân 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 3.405 USD/tấn, riêng tháng 4 đạt 3.864 USD/tấn.

Cây cà phê giống: Giá cao, khan hiếm

Sáng 5-5, ông Dương Văn Dũng - chủ đại lý cà phê ở huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk - cho biết đại lý của ông đang thu mua cà phê với giá 100.000 đồng/kg. Trước đó, ngày 26-4, đại lý này thu mua cà phê với giá 134.000 đồng/kg - cao nhất từ trước đến nay - nhưng hầu như không có người bán vì cà phê trong dân không còn nhiều, một số hộ còn hàng thì tiếp tục chờ giá lên.

"Giá cà phê sau đó giảm liên tục, như ngày 4-5 có tới 4 mức giá, từ 105.000 đồng/kg xuống còn 100.000 đồng/kg. Thấy giá cà phê hạ, nông dân lo lắng mang đi bán nhưng cũng không còn nhiều và đại lý chỉ thu mua được vài chục tấn" - ông Dũng dẫn chứng.

Trong khi đó, những ngày qua, tại xã Hòa Thắng, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk - nơi được mệnh danh là thủ phủ cây giống Tây Nguyên - luôn nhộn nhịp cảnh mua bán cây cà phê. Ông Cao Văn Bảo (ngụ huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk) lên xã Hòa Thắng mua 3.000 cây giống cà phê để trồng thay thế diện tích hồ tiêu vốn cho năng suất thấp và tái canh vườn cà phê già cỗi. Chấp nhận mua giá cao nhưng ông Bảo đi 3 cơ sở vẫn chưa gom đủ số lượng cây cà phê giống. "Phải ít tháng nữa mới đến vụ trồng, lo sợ khan hiếm cây giống nên tôi tranh thủ lên mua nhưng đã hết hàng" - ông thất vọng.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, chủ một cơ sở cây giống tại xã Hòa Thắng, cho biết thông thường vào khoảng tháng 6 hằng năm, người dân mới đi mua giống cây cà phê về trồng. Tuy nhiên, năm nay, do giá cà phê có đợt tăng cao chưa từng thấy nên không chỉ người dân mà nhiều đại lý ở các tỉnh Tây Nguyên cũng đổ xô về Hòa Thắng mua cây giống về trữ.

Nhu cầu giống cây cà phê tăng cao khiến giá cũng tăng vọt lên. Nếu như cùng kỳ năm ngoái, giá cây giống cà phê thực sinh chỉ 2.000 đồng/cây, cà phê ghép 8.000 đồng/cây thì hiện đã tăng gấp đôi nhưng vẫn khan hiếm.

TS Phan Việt Hà, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên, cho rằng giá cà phê tăng kỷ lục là nguyên nhân chính khiến người dân đổ xô mua cây giống về trồng, tái canh, xen canh. Năm nay, viện này cung ứng hơn 1 triệu cây cà phê giống, hơn 5 tấn hạt cà phê giống và đều có các đơn vị, cá nhân đặt hàng từ trước.

Lãnh đạo Viện Khoa học Kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên cũng cảnh báo viện chỉ có một Trung tâm Cây giống Ea Kmat nhưng ngoài thị trường, rất nhiều cơ sở đã tự treo bảng cây giống của Trung tâm Ea Kmat để bán, khiến nông dân nhầm lẫn.

"Chúng tôi khuyến cáo nông dân không nên nôn nóng tái canh nếu không tìm được nguồn cây giống chất lượng. Chọn lựa cây giống là một trong những yếu tố quan trọng, then chốt trong việc phát triển cà phê bền vững" - ông Hà nhấn mạnh.

Cao Nguyên


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo