Giá cà phê hôm nay 17-12 chốt phiên giao dịch hàng hóa trên sàn London - Anh đồng loạt tăng từ 11 USD/tấn – 21 USD/tấn, tùy kỳ hạn.
Ở kỳ hạn giao hàng gần nhất là tháng 1-2025, giá cà phê Robusta lên mức 5.230 USD/tấn (gần 132 triệu đồng), tăng 21 USD; kỳ hạn giao tháng 3-2025 lên 5.203 USD/tấn (gần 131 triệu đồng), tăng 19 USD; kỳ hạn tháng 5-2025 lên 5.140 USD/tấn, tăng 14 USD; kỳ hạn tháng 7-2025 tăng 11 USD, lên 5.057 USD/tấn.
Trong khi đó, giá cà phê trong nước chiều 16-12 lại giảm 1.000 đồng/kg so với cuối tuần qua, còn khoảng 124.000 đồng/kg – vẫn thấp hơn giá cà phê trên sàn London giao vào tháng 3-2025 là 7.000 đồng/kg.
Điều này cho thấy giá cà phê trong nước so với thế giới đang có sự liên thông với nhau.
Trên sàn New York - Mỹ, giá cà phê Arabica tăng mạnh 2%-2,47%, tùy kỳ hạn. Ở kỳ hạn giao hàng tháng 3-2025, giá cà phê Arabica tăng tới 170 USD, lên mức 7.220 USD/tấn (182 triệu đồng).
Trước đây, thị trường tiêu thụ cà phê của Việt Nam tập trung vào các nước châu Âu, châu Mỹ, Nhật Bản nhưng nay có những thị trường gần mới nổi lên như Trung Quốc, các nước Đông Nam Á, khiến ngành cà phê có những bước tiến mới.
Phát biểu trực tuyến tại Hội nghị Thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 16-12, ông Nông Đức Lai, Tham tán thương mại Việt Nam tại Trung Quốc, đã cung cấp nhiều thông về thị trường tỉ dân này.
Dẫn số liệu thống kê của Trung Quốc, ông Nông Đức Lai cho biết 9 tháng đầu năm 2024, nước này đã nhập khẩu 190.000 tấn cà phê, trị giá 1,026 tỉ USD; tăng 47% về sản lượng và tăng gần 33% về giá trị - tương đương đơn giá nhập khẩu bình quân 5.400 USD/tấn.
Riêng nguồn hàng từ Việt Nam, Trung Quốc đã nhập 166 triệu USD, tăng 66,5% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm tỉ trong 16,21%. Việt Nam xếp thứ 3 về nguồn cung cà phê cho Trung Quốc (sau Brazil và Colombia).
Về thị hiếu tiêu dùng, thị trường Trung Quốc trước đây chủ yếu ưa chuộng cà phê hòa tan (trên 70%), cà phê pha tại chỗ (gần 20%) và cà phê uống liền (10%). Nhưng nay, tỉ lệ này thay đổi lần lượt là 52%; 36% và 11%. Trong đó, xu hướng uống cà phê pha tại chỗ tăng lên thấy rõ.
Dư địa tăng trưởng của thị trường cà phê Trung Quốc còn rất lớn. Mức tiêu thụ bình quân cà phê trên đầu người của nước này vẫn còn rất thấp so với các quốc gia lân cận như Nhật Bản, Hàn Quốc.
Nguyên nhân được các chuyên gia chỉ ra là do người dân Trung Quốc có thói quen uống trà, thế hệ trẻ sinh năm 1990 trở lại đây đang chuyển dần sang uống cà phê.
Vừa qua, đoàn công tác của quận Triều Dương, TP Bắc Kinh đã đến làm việc với Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (VICOFA) và ngỏ ý mời doanh nghiệp Việt Nam mở quán cà phê đầu tiên tại đây cùng với một số chính sách hỗ trợ.
"Cứ điểm" chế biến cà phê Tô Châu
Tham tán thương mại Việt Nam tại Trung Quốc cũng thông tin TP Tô Châu, tỉnh Giang Tô - Trung Quốc đang trở thành một "cứ điểm" sản xuất cà phê. Đây là điều các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam nên chú ý khi thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại để đạt kết quả cao nhất.
Bình luận (0)