Rạng sáng 5-10 (giờ Việt Nam), giá cà phê kỳ hạn giao tháng 11-2024 trên sàn London - Anh chốt phiên tăng 146 USD/tấn, lên mức 5.067 USD/tấn.
Đây là một phiên giao dịch có biến động mạnh khi giá cà phê có lúc giảm đến 45 USD/tấn và tăng cao nhất lên tới 174 USD/tấn.
Ở các kỳ hạn khác, giá cà phê Robusta cũng tăng 110 - 139 USD/tấn, bất chấp những dự báo tiêu cực trước đó.
Cụ thể, các số liệu của Tổ chức Cà phê thế giới (ICO) cho thấy xuất khẩu cà phê của Brazil cũng như tình hình thời tiết đã diễn biến thuận lợi trở lại.
Ngày 2-10, Ủy ban châu Âu (EU) thông báo hoãn việc thực hiện luật chống phá rừng (EUDR) thêm 1 năm, tức áp dụng vào 31-12-2025, khiến các nhà nhập khẩu cà phê không cần tăng tốc nhập khẩu để dự trữ, phòng trường hợp thương mại bị gián đoạn do EUDR. Thực tế, khi EUDR áp dụng, có một lượng cà phê không đáp ứng được quy định, không chỉ do hàng liên quan đến phá rừng mà còn vì vấn đề thủ tục, hồ sơ.
Về mùa vụ tại Việt Nam, các khảo sát cho thấy sản lượng tốt do nông dân tập trung chăm sóc, giảm thiểu được tác động của khô hạn hồi đầu năm.
Ông Phan Minh Thông, Tổng Giám đốc Công ty CP Phúc Sinh - doanh nghiệp trong tốp 4 về xuất khẩu cà phê, cho rằng giá cà phê hiện phụ thuộc quá nhiều vào các nhà đầu cơ nên vô cùng khó lường.
"Chúng tôi đã có 1 mùa cà phê chưa từng thấy trong lịch sử khi suốt 5 tháng qua, gần như "ngồi chơi xơi nước" vì không có hàng để giao dịch. Trong khi đó, từ năm 2022 trở về trước, đến tận tháng 9, 10 – tức cuối vụ cũ đầu vụ mới, mỗi tháng công ty vẫn có thể xuất khẩu đến 20 container cà phê" – ông Thông dẫn chứng.
Ông Thông cho rằng với giá cà phê cao như hiện nay, các doanh nghiệp phải hết sức thận trọng theo nguyên tắc mua cao bán cao. Dự báo trong 5 năm tới, giá cà phê vẫn ở mức cao, từ 4.000 USD/tấn.
Bình luận (0)