Một phụ nữ 34 tuổi cùng 12 đồng phạm đã bị Công an TP HCM bắt vì liên quan đến vụ án "rửa tiền", "vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới" có tổng giao dịch hoạt động vi phạm pháp luật lên đến hơn chục ngàn tỉ đồng.
Băng nhóm tội phạm đã trực tiếp hoặc thuê người thành lập hơn 250 công ty "ma", mở tài khoản công ty phục vụ hoạt động phạm tội. Người phụ nữ này đã lập đến 116 công ty "ma".
Thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo là xâm nhập email của các công ty đang có trao đổi về giao dịch, hợp đồng kinh tế với đối tác nước ngoài; dùng email giả có tên gần tương tự (thường chỉ khác một ký tự) với email của công ty đối tác đó để liên lạc, nêu lý do khách quan để thay đổi tài khoản giao dịch. Chúng cũng thành lập nhiều công ty "ma" có tên giống với tên công ty đối tác ở nước ngoài để mở tài khoản ngoại tệ USD, tài khoản VND. Sau đó, chúng cung cấp số tài khoản của công ty đối tác "ma" để lừa nạn nhân chuyển tiền.
Phương thức lừa đảo bằng cách tạo các email hay website có tên tương tự công ty thật đã được bọn tội phạm sử dụng để gây án ở Việt Nam từ rất lâu. Chẳng hạn, những trang web giả danh ngân hàng có tên đúng y chang ngân hàng thật nhưng thay vì có mã "vn" của Việt Nam lại chỉ dùng mã quốc tế "com". Theo Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (VNCERT), Ngân hàng ACB từng bị tạo website giả mạo là https://online.acbonliine.com hay https://acb.com-ab.to; Ngân hàng SCB là https://scb.com.vn-cm.info. Trong khi đó, tên website chính thức của các ngân hàng Việt Nam hầu như theo quy tắc tên viết tắt tiếng Anh của ngân hàng và mã "com.vn". Ví dụ: https://www.vietcombank.com.vn/ hay https://acb.com.vn/.
Vì vậy, khách hàng nên cẩn trọng khi nhận được email hay điện thoại gọi đến tự xưng là từ ngân hàng đề nghị vấn đề liên quan đến thông tin tài khoản. Khách hàng nên gọi điện đến tổng đài chăm sóc khách hàng của ngân hàng để kiểm tra. Từ cuối tháng 10-2023, quy định áp dụng định danh số điện thoại của các nhà mạng, các ngân hàng, cơ quan nhà nước, tổ chức dịch vụ… đã góp phần hạn chế tình trạng cuộc gọi hay tin nhắn SMS giả danh. Tuy nhiên, người dùng cần kiểm tra kỹ tên xuất hiện trên số điện thoại đó. Theo số liệu hồi cuối năm 2023, mỗi tuần hệ thống canhbao.khonggianmang.vn do Trung tâm VNCERT vận hành đã nhận được khoảng 300 phản ánh của người dùng internet Việt Nam về các trường hợp lừa đảo. Trong đó, phần lớn là các trường hợp giả mạo ngân hàng, các cơ quan có thẩm quyền, sàn thương mại điện tử... Thực tế, bị lừa đảo trên không gian mạng chủ yếu do sự mất cảnh giác và do hám lợi của người dùng khi bị chiêu dụ bằng những hứa hẹn lợi nhuận "khủng".
Để hạn chế tình trạng này, cơ quan chức năng cần tăng cường giám sát bằng công nghệ cao và kịp thời xử lý nghiêm minh. Bên cạnh đó, cần sự hợp tác chủ động từ người dùng, thông báo cho cơ quan chức năng những cuộc gọi, tin nhắn lừa đảo. Người dân có thể nhắn tin hay gọi điện vào các đầu số tiếp nhận 156 hoặc 5656 để phản ánh về cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo.
Bình luận (0)