Ngày 18-10, Báo Người Lao Động tổ chức talkshow với chủ đề "Vai trò của gia đình trong việc duy trì dân số", nhân kỷ niệm ngày Phụ nữ Việt Nam 20-10.
Những yếu tố tác động đến dân số
Chia sẻ tại talkshow, PGS-TS-BS Nguyễn Duy Phong, Phó trưởng khoa phụ trách Khoa Y tế công cộng - Đại học Y Dược TP HCM, nhìn nhận để duy trì chất lượng và số lượng dân số cần sự phối hợp giữa gia đình - nhà trường - xã hội, trong đó đóng vai trò cốt lõi, nền tảng là gia đình.
"Dân số là yếu tố then chốt quyết định sự phát triển của một đất nước. Bởi số lượng dân số ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn lao động, khả năng cạnh tranh kinh tế và sự ổn định xã hội; quyết định năng lực phát triển lâu dài và bền vững của quốc gia" - PGS Phong nhấn mạnh.
Giải thích vì sao tỉ lệ sinh trung bình 2,1 con/1 phụ nữ được xem là quan trọng đối với sự phát triển dân số Việt Nam, PGS-TS-BS Nguyễn Duy Phong cho hay tỉ lệ sinh này không chỉ quan trọng ở Việt Nam mà các nước trên thế giới cũng vậy.
Mức sinh này giúp ổn định dân số, bởi gia tăng hoặc giảm dân số đều ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của xã hội.
Trình bày quan điểm bình đẳng giới trong gia đình có tác động đến việc duy trì tỉ lệ sinh ổn định, bà Trần Thị Hồng, Phó trưởng Phòng Sức khỏe sinh sản - Kế hoạch hóa gia đình thuộc Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TP HCM, nhận định khi thực hiện quyền bình đẳng, vợ chồng sẽ có sự trao đổi, cảm thông, bàn bạc quyết định số lần sinh, khoảng cách những lần sinh, cùng san sẻ, giúp đỡ, chăm sóc con thay vì dồn hết cho người phụ nữ.
Bà Hồng phân tích những yếu tố ảnh hưởng đến quyết định sinh con của các cặp vợ chồng tại Việt Nam là kinh tế; lối sống thích tự do không muốn ràng buộc về hôn nhân; muốn phát triển bản thân, sự nghiệp…
"Nhưng điều đáng lo ngại là một bộ phận không nhỏ những người trẻ phải chứng kiến cha mẹ, người thân, bạn bè… có hôn nhân không trọn vẹn nên mất niềm tin" - bà Hồng cảnh báo.
Có kinh nghiệm nuôi dạy 2 con khỏe mạnh, thành đạt, nhiều năm liền là gia đình văn hóa, bà Nguyễn Thị Hạnh (giáo viên nghỉ hưu; ngụ quận Tân Bình, TP HCM) chia sẻ cần trang bị kiến thức về sức khỏe sinh sản, hôn nhân - gia đình cho những cặp vợ chồng trẻ.
Khi có sự hiểu biết, họ sẽ ý thức việc không nên sinh con quá trễ; có kỹ năng chăm sóc, giáo dục con. Một đứa trẻ sinh ra được chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục tốt thì chất lượng dân số sẽ tăng, góp phần tạo nên nguồn nhân lực chất lượng cao cho tương lai đất nước.
Bà Hạnh cũng đề xuất cần có sự hỗ trợ tốt hơn, thiết thực hơn về chi phí giáo dục, y tế, nhà ở... để người phụ nữ có thể chăm sóc, nuôi dạy con tốt hơn.
Phải thay đổi nhận thức
Về xu hướng nhiều gia đình hiện đại giảm số lượng con vì lý do kinh tế và thời gian, PGS-TS-BS Nguyễn Duy Phong nói nguyên nhân bắt nguồn từ những áp lực về chi phí nuôi dạy con ngày càng tăng, cùng với sự thiếu hụt thời gian do công việc bận rộn.
Nhiều cặp vợ chồng lựa chọn sinh ít con, thậm chí không sinh con, để tập trung phát triển sự nghiệp, nâng cao chất lượng cuộc sống của chính họ.
"Chính sách về gia đình của Việt Nam hiện có nhiều thay đổi lớn, cải thiện phần nào về bình đẳng giới nhưng đôi khi người dân chưa được tiếp cận đầy đủ.
Cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của tất cả mọi người, việc sinh con không chỉ là của phụ nữ hay của riêng vợ chồng, mà của đại gia đình, rộng hơn là của xã hội" - PGS Phong nêu ý kiến.
Để khuyến khích các cặp vợ chồng trẻ sinh con, PGS-TS-BS Nguyễn Duy Phong gợi ý Chính phủ cần cung cấp các chính sách hỗ trợ tài chính như trợ cấp sinh đẻ, tăng cường các phúc lợi xã hội liên quan chăm sóc trẻ em và giáo dục...; doanh nghiệp cần tạo môi trường làm việc linh hoạt (làm việc từ xa, giờ làm việc linh động) giúp các cặp vợ chồng cân bằng giữa công việc và gia đình; các dịch vụ chăm sóc trẻ em cần bảo đảm chất lượng tốt.
Đặc biệt là tăng cường tuyên truyền và giáo dục để nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc duy trì mức sinh hợp lý.
Nói thêm về ảnh hưởng của ông bà đối với sự phát triển của trẻ, bà Nguyễn Thị Hạnh phân tích gia đình là trường học đầu tiên, đầu đời của mỗi người, là nơi giáo dục về nhân cách lẫn kiến thức.
Cha mẹ là người trực tiếp dạy dỗ, chăm sóc con, ông bà là người gần gũi tiếp theo trong nuôi dạy trẻ. Vai trò của ông bà đối với con cháu rất quan trọng.
Bằng kinh nghiệm, tình yêu thương, với những kiến thức khó kiếm được trên sách vở, ông bà không chỉ là người cố vấn tận tâm cho ba mẹ mà còn là người động viên, khích lệ trẻ.
Cảm ơn Công ty Tân Hiệp Phát và nhãn hàng Sữa đậu nành Number 1 Soya Canxi đã đồng hành cùng chương trình.
Giáo dục gia đình tác động đến việc sinh con
ThS Nguyễn Thị Ngọc Vui, giảng viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP HCM, cho rằng vợ chồng cần học cách sống để hai người có suy nghĩ, tính cách khác biệt trở nên đồng điệu trong cách nuôi dạy con.
Ngày nay gen Z có cách nuôi dạy con rất khác, điều này gây ra những bối rối cho các gia đình có nhiều thế hệ. Vì vậy, ông bà, cha mẹ cần thống nhất nguyên tắc nuôi dạy con cháu, tránh tình trạng "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược".
"Giáo dục gia đình tác động rất nhiều đến việc sinh con. Từ nhỏ, trẻ đã được ảnh hưởng bởi những giá trị, truyền thống và quan niệm về gia đình từ cha mẹ.
Nếu trong gia đình việc sinh con được coi trọng và gắn liền với trách nhiệm duy trì dòng dõi, trách nhiệm với xã hội, trẻ được cha mẹ yêu thương, chăm sóc thì sẽ có xu hướng tôn trọng và ủng hộ việc sinh con khi trưởng thành và ngược lại" - bà Nguyễn Thị Ngọc Vui lưu ý.
Bình luận (0)