Nhật Trung và Mỹ Hà (đều 34 tuổi; ngụ quận Gò Vấp, TP HCM) kết hôn gần 7 năm và có 2 bé trai. Trước ngày kết hôn, Hà yêu cầu Trung ký tên vào giấy "thỏa thuận hôn nhân" - những quy ước mà cả hai đã chuẩn bị trước khi chính thức dọn về chung nhà.
Yêu thương và cảm thông
Hà cho biết chị vốn là cô gái tỉnh lẻ, con một, gia đình không khá giả. 18 tuổi, Hà đỗ đại học ngành Ngôn ngữ Anh, vào TP HCM trọ học. Năm cuối, nhờ tiếng Anh khá, Hà được nhận dịch thuật cho một vài dự án cộng đồng ở Việt Nam của một tổ chức nước ngoài. Tại đây, Hà gặp Trung. Thấy Trung giỏi, cầu tiến trong công việc, đẹp trai nên khi anh theo đuổi, chị đã nhận lời.
"Chúng tôi yêu nhau 6 năm mới quyết định kết hôn, khi công việc của cả hai đã ổn định. Thời gian đầu, chúng tôi ở cùng ba mẹ chồng, khoảng 4 năm thì mua được căn hộ nhỏ ra riêng. Biết anh thương ba mẹ nên cuối tuần, chúng tôi lại đưa con về ở cùng ông bà nội. Anh Trung là người đàn ông của gia đình, trừ lúc gặp đối tác hoặc bạn bè, việc nhà hầu như anh làm hết, tôi chỉ việc lo chăm sóc con. Thật ra, để được như hôm nay, chúng tôi cũng trải qua một vài chuyện không hay nhưng vượt qua được nhờ yêu thương, cảm thông và có quy ước trước" - Hà tiết lộ.
Cưới nhau gần 10 năm nhưng hàng xóm chưa bao giờ thấy vợ chồng anh chị Thúy Vi - Minh Quân (TP Thủ Đức, TP HCM) lớn tiếng. Gia đình anh Quân theo đạo Thiên Chúa, còn bên nhà chị Vi chỉ thờ cúng tổ tiên. Ngày mới quen Quân, Vi không biết gì về đạo. Khi yêu nhau, chị bàn với anh sau này cưới thì đạo ai nấy giữ, con cái trưởng thành thì cho tự quyết định. Quân đồng ý nhưng mẹ anh không chịu, khăng khăng bắt anh thuyết phục chị Vi học giáo lý mới được cưới.
"Biết anh khó xử, tôi chọn cách đi học nhưng vì không thích nên không hiểu được bao nhiêu. Điều này khiến tôi đôi lúc bực mình, khó chịu. Anh nhịn hết, nói cảm ơn tôi đã vì anh... Gần chục năm sống với nhau, có đôi lần bất đồng nhưng lần nào anh cũng xuống nước trước, chăm lo gia đình và yêu thương tôi" - chị Vi nhớ lại.
Có người vợ giỏi giang, chu toàn từ chuyện nhà đến việc cơ quan, anh Lương Thế Dũng (quê Quảng Nam) cho rằng mình "thật sự có phúc". Cũng vì vậy, anh luôn ủng hộ vợ, để chị tự do thể hiện năng lực của bản thân.
"Gia đình sẽ không hạnh phúc nếu "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược". Yêu nhau là luôn suy nghĩ tích cực về nhau. Chúng tôi giúp nhau luôn cảm thấy hạnh phúc, không thất vọng khi đặt niềm tin cho nhau, dù bận thế nào cũng dành thời gian cho vợ hoặc chồng… Những điều này là sự thỏa thuận trước khi kết hôn. Với tôi, cô ấy là người vợ tuyệt vời, giàu lòng vị tha và là người tôi có thể tin tưởng tuyệt đối" - anh Dũng bày tỏ.
Tôn trọng, giữ lễ nghĩa
Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Phương Trang (Trung tâm Tham vấn Tâm lý The Sight), hôn nhân luôn phải đối mặt những áp lực nhất định từ cuộc sống và công việc nên một số người dễ bị tổn thương, dẫn đến đổ vỡ. Có những áp lực quá lớn làm vợ chồng trở nên nhạy cảm, cáu gắt hoặc yếu đuối hơn. Nguyên nhân là do thiếu sự đồng cảm và chia sẻ từ người bạn đời, cộng thêm gánh nặng về tài chính, chi tiêu.
Bà Phương Trang cho rằng đưa ra những quy ước, cam kết và cùng cố gắng thực hiện là yếu tố hàng đầu để có cuộc sống hôn nhân hạnh phúc. Ngoài ra, hạnh phúc cần xây dựng từ hai phía, vợ chồng cần có sự thấu hiểu và tôn trọng nhau, thẳng thắn trao đổi nhu cầu, mong muốn của bản thân.
Người vợ có thể bày tỏ sự mềm yếu, luôn tin rằng mối quan hệ có thể vượt qua được sóng gió, cùng chia sẻ với chồng trong công việc, những bước ngoặc trong cuộc đời cũng như sẵn sàng đối mặt sự căng thẳng, dành thời gian vun đắp tình yêu. Người chồng cần sống đạo đức, có trách nhiệm trong nuôi dạy con, đối xử tốt với gia đình hai bên, chia sẻ công việc nhà với vợ...
Theo bà Phương Trang, cuộc sống hiện đại nhiều áp lực, luôn bận rộn. Để "giữ lửa" cho tổ ấm gia đình, đôi khi chỉ cần bữa cơm chung, cùng thưởng thức chén trà, miếng bánh và chia sẻ câu chuyện buồn vui của nhau,, cho nhau lời động viên, khuyên nhủ...
"Thực tế, một số cặp vợ chồng thiếu đầu tư một cách chủ ý cho cuộc hôn nhân, trong khi tình cảm con người thường được phát triển theo hướng đầu tư, vun đắp để có thể thăng hoa. Ví dụ, thỉnh thoảng có những buổi hẹn hò, nhắc về điều gì ở người bạn đời làm mình say mê nhất…; hay một cái ôm chặt trước khi đi ngủ sẽ nhắc nhở cơ thể, trái tim và tâm trí gắn bó với nhau" - bà Phương Trang dẫn chứng.
Chuyên gia tâm lý Trần Trung Kiên cho rằng để có một cuộc hôn nhân hạnh phúc, đòi hỏi nhiều công sức và sự chân thành. Mâu thuẫn và xung đột là điều không thể tránh khỏi đối với bất kỳ cặp vợ chồng nào. Nếu tin tưởng, luôn đồng hành, giúp đỡ nhau thì hôn nhân sẽ hạnh phúc.
"Để mối quan hệ vợ chồng luôn mặn nồng thì không chỉ cảm thông mà còn cần sự tôn trọng và lễ nghĩa. Vợ chồng tôn trọng thì bình đẳng, không nảy sinh tình huống khó xử; giữ lễ nghĩa để đối xử chân thành, không tùy tiện, suồng sã, hời hợt, vô tâm, vô tư. Những câu nói "Cám ơn em", "Anh có thể giúp em"... sẽ khiến người bạn đời cảm nhận rằng mình được tôn trọng và yêu quý" - ông Trung Kiên lưu ý.
Đặt mình vào vị trí đối phương
Theo ông Trần Trung Kiên, vợ chồng hãy đặt mình vào vị trí của nhau, cảm nhận ở vị trí, vai trò đó thì mình sẽ như thế nào, từ đó mà cảm thông. Nên có những quy tắc ngầm, như mỗi ngày ít nhất ăn cơm cùng nhau một bữa, thay nhau dạy con học, thành thật với vợ hoặc chồng rằng mình cảm thấy khó chịu khi bị cư xử hay hành động như thế...
Bình luận (0)