So với bạn cùng lớp đại học, tôi lập gia đình và có con khá sớm, khi mới 25 tuổi. Sau đó 6 năm, tôi sinh bé thứ 2. Bé út sinh năm 2020, cách bé thứ hai 4 tuổi.
Muốn bình đẳng, phải đi làm
Ba lần sinh nở, tôi đều phải tự túc khá nhiều trong việc chăm sóc con vì hoàn cảnh gia đình không nhờ được hai bên nội, ngoại. Có những giai đoạn tôi nghỉ hẳn việc công ty, chỉ ở nhà trông con, tranh thủ làm online phụ thêm với chồng.
Có 3 đứa con đồng nghĩa với có 3 lần tôi nghỉ sinh, sau đó nhảy việc. Với bé đầu, tôi đi làm sau khi sinh được 3 tháng rưỡi. Với bé thứ 2, sau khi sinh được gần 1 năm thì tôi xin đi làm ở công ty mới. Với bé thứ 3, do tác động của đại dịch COVID-19, tôi nghỉ trước khi sinh nửa năm, con được hơn 1 tuổi, tôi mới đi làm lại.
Thường thì khi con được 1 tuổi, bắt đầu cho đi nhà trẻ, mẹ đi làm, là giai đoạn khó khăn nhất. Các bé mới đi học thường đau ốm liên tục. Có thời điểm tôi đã nghĩ đến chuyện không đi làm nữa, chỉ tập trung làm nội trợ, chăm con.
Đó là những lúc chán nản thật sự. Tiền làm ra không đủ bù tiền thuốc, khám bệnh cho con. Có khi tôi thức trắng đêm chăm con, hôm sau lại bắt tay vào một nhiệm vụ đau đầu ở công ty. Đi làm dăm bữa tôi lại xin nghỉ, sếp khó chịu, đồng nghiệp khó thông cảm… Chồng tôi động viên: "Nếu em thấy vất vả quá thì cứ nghỉ ở nhà. Anh sẽ cố gắng kiếm thêm".
Nhưng thật may mắn, vào những lúc khó khăn như thế, tôi luôn nhớ câu châm ngôn: "There’s no such thing as a free lunch" (tạm dịch: Không bao giờ có cái gì như là bữa trưa miễn phí, cái gì cũng có cái giá phải trả).
Các con tự lập từ nhỏ sẽ giúp mẹ giảm áp lực. (Ảnh chỉ có tính minh họa)
Tôi không nói đến trường hợp những phụ nữ thích cuộc sống gia đình, hạnh phúc chỉ xoay quanh hai chữ chồng con. Kiểu phụ nữ đó nếu may mắn lấy được người chồng có khả năng bảo đảm kinh tế đầy đủ, thông cảm và ủng hộ việc vợ ở nhà thì họ hoàn toàn có thể lựa chọn hướng trở thành người nội trợ toàn thời gian.
Còn lại, rất nhiều chị em vẫn tự ghim chặt "định kiến giới" với suy nghĩ làm vợ, làm mẹ là thiên chức của người phụ nữ; hy sinh vì gia đình, con cái mới là quan trọng, sự nghiệp là phụ... Vì vậy, họ đã chấp nhận nghỉ việc ở giai đoạn khúc quanh của cuộc đời như sinh con, nuôi con nhỏ. Điều này ngăn bước họ theo đuổi ước mơ, không thể khẳng định năng lực và chỗ đứng trong cuộc đời.
Thực tế, muốn có tiếng nói bình đẳng trong gia đình thì phụ nữ phải đi làm. Làm công việc gì cũng được, nhất quyết đừng "yếu lòng" bỏ rơi hoạt động chuyên môn của bản thân. Hơn nữa, đi làm giúp phụ nữ thấy vui hơn, năng động, trẻ trung hơn khi được học hỏi những điều mới mẻ, gặp gỡ đồng nghiệp, chấp nhận các thử thách và vượt qua trong công việc.
Lựa chọn mục tiêu cho từng giai đoạn
"Cái giá phải trả" cho những năm đi làm khi con còn nhỏ là nhiều khi phải hạ thấp các tiêu chuẩn của mình xuống. Nhà bừa bộn một chút cũng được, con đau ốm mà không nguy hiểm thì vẫn cho đi nhà trẻ. Nhiều khi bận, không có thời gian nấu nướng thì mua đồ ăn sẵn, đồ hộp... Cuộc sống hiện đại có rất nhiều cơ hội, nhiều dịch vụ để phụ nữ linh hoạt lựa chọn. Đừng quá gồng mình để xứng với kỳ vọng: giỏi việc nước, đảm việc nhà.
Đôi khi còn có một "cái giá phải trả" khác, đó là trong giai đoạn không thể dành 100% cho công việc, phụ nữ có thể chọn làm ở công ty nhỏ, được trả lương thấp hơn. Mục tiêu kiếm tiền, phát triển bản thân lúc này tạm gác lại; đặt ra mục tiêu ngắn hạn là tích lũy kinh nghiệm, để hồ sơ xin việc không bị trống một giai đoạn quá dài. Rồi từ từ học hỏi, kết nối các mối quan hệ, cộng với việc đợi con lớn dần, cứng cáp hơn thì chuyển sang nơi làm việc có mức thu nhập tốt hơn.
Phụ nữ ở tầm 30-40 tuổi là giai đoạn chịu áp lực kép. Vừa lo làm việc, kiếm sống, lo sự nghiệp bản thân vừa lo sinh con, nuôi dạy con. Nếu biết sắp xếp, có kế hoạch rõ ràng, cố gắng từng ngày thì khi nhìn lại, chúng ta sẽ thấy không quá thua sút so với bạn bè. Các con lớn lên dần, phụ nữ sẽ có được cuộc sống ổn thỏa trọn vẹn, không phải chọn một trong 2 vế: "sự nghiệp" hay "gia đình".
Bình luận (0)