Con gái Nguyễn Lưu Mẫn Nhi (học sinh lớp 6 Trường liên cấp Ngô Thời Nhiệm, TP HCM) vừa vào cấp 2, chị Lưu Nguyễn Thùy Linh (ngụ TP HCM) đã cho phép bé đi du lịch Đà Lạt vài ngày cùng nhà trường mà không cần cha mẹ đi cùng. Sở dĩ cả nhà có sự an tâm và đồng thuận cao là vì đã có quá trình dài rèn luyện sự tự lập, bản lĩnh cho con trước đó.
Lắng nghe, thấu hiểu, cùng con trưởng thành
Mẫn Nhi trải nghiệm việc xa ba mẹ từ bé khi sống và sinh hoạt cùng ông bà ngoại. Ban đầu thì từ sáng đến chiều, sau đó là giãn dần thành 1 tuần, 2 tuần và 1 tháng. Điều này giúp bé có cơ hội tương tác với nhiều người xung quanh hơn; dạn dĩ, nhạy bén hơn khi giao tiếp với người quen lẫn người lạ dù ba mẹ không phải lúc nào cũng xuất hiện bên cạnh.
"Điều quan trọng là lắng nghe những điều con chia sẻ để trẻ hình thành thói quen biết nói lên những điều mình suy nghĩ... Thay vì chỉ đợi khi có sự cố mới tìm hiểu, giảng giải cho con thì con có thể chia sẻ bất cứ việc gì mỗi ngày trong lúc ăn sáng, ăn tối, trên xe đến trường hay tan trường về nhà... Dù thời lượng trao đổi ngắn song vẫn hiệu quả và bổ ích" - chị Thùy Linh chia sẻ.
Bé Diệp Quỳnh biết tự làm các món ăn ưa thích và cũng rất quan tâm đến sở thích ăn uống của cả nhà (Ảnh gia đình cung cấp)
TS quản lý giáo dục Nguyễn Vinh Quang, chồng chị Thùy Linh, nói thêm: "Hãy cho con cơ hội được thử, được chạm vào nhiều tình huống ứng biến đa dạng có thể tiềm ẩn những rủi ro trong mức chấp nhận được để từ đó con có kỹ năng thực tế. Ví dụ đại dịch COVID-19 cũng được xem là cơ hội vàng để một lần nữa bé Nhi thể hiện khả năng tự lập khi biết tự kiểm soát việc học tập, phân bổ nghỉ ngơi, vui chơi của mình trong 8 tháng không có ba mẹ bên cạnh".
Mục tiêu gia đình chị Thùy Linh đặt ra là con mạnh khỏe, hạnh phúc và ngày càng tự lập. "Bí quyết" của họ là hạn chế thời gian phải đi học thêm và phụ đạo để con có thời gian học điều con thích. Những gì con yếu, thiếu trên trường thì ba mẹ sẽ thay phiên nhau giúp đỡ, tìm hiểu con cần được quan tâm gì.
Cha mẹ là tấm gương sinh động nhất
Xã hội hiện đại áp lực và tất bật, nhiều phụ huynh đã có định hướng trang bị cho con trẻ những kỹ năng thiết yếu để có thể tự lập từ sớm.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Diệp có 3 con: Nam Quân (20 tuổi) đang du học ngành hóa ứng dụng tại Marseille, Pháp; Nam Trung (18 tuổi) vừa vào Đại học Bách khoa (ĐHQG TP HCM) với lĩnh vực kỹ thuật cơ khí (chuyên về vật liệu polymer và composite); Diệp Quỳnh (11 tuổi) học lớp 6 hệ song ngữ Pháp - Việt trường Colette (quận 3). Công việc kinh doanh trong lĩnh vực thực phẩm nhập khẩu bận rộn, chị Diệp gần như có mặt trực tiếp ở công ty suốt 7 ngày trong tuần. Bản thân yêu cuộc sống gia đình nhưng chị cũng tích cực tham gia nhiều hoạt động xã hội.
Chị Diệp rèn giũa cho các con theo cách mà ngày trước mẹ chị đã dạy: việc nhà là của mọi người trong nhà; việc cá nhân thì phải biết tự chủ động; làm thì sẽ có sai, sai thì sửa, nếu sợ sai mà không làm thì mãi cũng không biết làm gì.
Theo chị Diệp, tự lập trước hết là để phục vụ chính con. Khi Nam Quân lên lớp 8, trường không có bán trú, học 2 buổi đi lại xa, ba mẹ không đưa đón xuể cũng đã tập đi xe buýt đến trường. Chị nhớ lại: "Một sáng mùa thu, tôi đưa con ra trạm xe rồi vào quán cà phê có hẹn khách. 10 phút sau, nỗi hồi hộp nhường chỗ cho niềm vui khi giọng con như reo trong điện thoại: "Con đến trường rồi, trên xe rất mát mẻ, thoải mái". Nay Diệp Quỳnh cũng đã chủ động ra trạm đón xe buýt khi cha mẹ bận không kịp đưa rước".
Chị Diệp khẳng định càng hiện đại, càng nhiều tiện ích thì con người càng dễ trở nên thụ động, phụ thuộc. Trẻ tự lập, cha mẹ sẽ có cuộc sống thư giãn hơn; trẻ sẽ ý thức cao hơn về giá trị của tiền bạc, thời gian, hay những gì cha mẹ làm cho mình. Trẻ tự lập sẽ có nhiều cơ hội trở thành người trưởng thành có trách nhiệm trong gia đình, trong công sở và cả ngoài xã hội.
Động viên, khích lệ kịp thời
Theo thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Oanh, Hiệu trưởng Trường Mầm non Họa Mi (quận Gò Vấp), trẻ em như trang giấy trắng, chúng ta viết gì thì sẽ in sâu trên đó. Sự tự tin, tự lập ở trẻ không tự nhiên có mà được hình thành nhờ sự giáo dục đúng đắn của người lớn.
Cha mẹ và thầy cô cần gần gũi, tiếp xúc với trẻ để nắm rõ tâm sinh lý, biết được một số tính cách của trẻ (lanh lẹ, nhút nhát hay hiếu động...) từ đó có phương pháp phù hợp.
"Hãy lắng nghe, tôn trọng ý kiến của trẻ, không nên gạt ngang mong muốn của trẻ khi không vừa ý người lớn mà phải dùng lời nói nhẹ nhàng hướng trẻ đến giải pháp hay hơn. Thích và không thích là điều trẻ mong muốn được bày tỏ với người lớn. Ví dụ: Trẻ được tự chọn bộ quần áo yêu thích cũng góp một phần nhỏ vào việc rèn khả năng tự lập" - thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Oanh nói.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Oanh cũng lưu ý đừng chê trẻ mà cần động viên, khích lệ kịp thời. Trẻ làm đúng một việc nào đó tuy chưa hoàn hảo cũng nên khen ngợi. Khi trẻ sai phạm, chớ quát mắng nặng lời mà phải giải thích cho trẻ hiểu đúng - sai để hoàn thiện hơn.
Bình luận (0)