"Trừ những người đàn ông thật sự lười, không biết và không muốn phụ vợ; còn lại vẫn có những người đàn ông rất muốn chia sẻ việc nhà cùng vợ nhưng… bị buộc phải lười. Bởi có làm gì cũng bị vợ chê, nghỉ làm luôn cho khỏe…" - anh T.H.M.Q (ngụ TP Thủ Đức, TP HCM) phân trần.
Quê nên… khó huề
Anh T.H.M.Q là nhân viên kinh doanh, chị M.K - vợ anh - ở nhà nội trợ. Lúc mới cưới, về nhà thấy vợ lui cui nấu ăn, anh hay hỏi có cần giúp gì không nhưng toàn bị vợ đuổi ra ngoài, nói vướng tay vướng chân. Xếp quần áo thì chê vụng, không biết phân biệt mặt trái mặt phải; quét nhà thì chê dơ. Tết đến, mua sơn về sơn nhà cửa, vợ anh kêu chỉ giỏi làm nhà cửa lộn xộn và yêu cầu "anh đừng làm gì cả, không chừng lợn lành thành lợn què", thuê người giúp cho nhanh...
"Đã vậy cô ấy còn có tật thích đem chuyện nhà ra kể cho người thân, bạn bè nghe khiến nhiều lần tôi phải muối mặt. Như có lần về nhà vợ, cả nhà đang sum vầy ăn uống rất vui, cô ấy vô tư kể tội chồng không khéo tay, chỉ giỏi bày bừa, không ngăn nắp, gọn gàng… Từ đầu đến cuối, tôi chỉ biết cười ngượng, trong lòng rất khó chịu" - anh Q. kể.
Minh họa: KHỀU
Kết hôn được 7 năm, anh T.N.H.K (ngụ quận Tân Bình, TP HCM) đã nhiều lần nén giận khi bị vợ than thở "lấy phải chồng lười, ham chơi, không cố gắng lo cho vợ con". Theo anh K., gần 1 năm nay anh nghỉ làm ở một công ty thủy sản vì bị cắt giảm lương.
"Trong lúc chờ tìm công việc thích hợp, tôi làm bán thời gian, tiền điện, tiền nước, học phí của con, tôi đóng; công việc nhà, đưa rước con, tôi cũng giành làm thay nhưng vợ vẫn tỏ ra lạnh lùng, chê tôi lười nhác, không biết kiếm tiền để vợ phải chịu khổ. Nghe riết, nhiều lúc tôi muốn nổi xung thiên, bỏ mặc luôn nhưng ráng nhịn vì con" - anh K. nói.
Kể về lý do vợ đi làm về trễ nhưng vẫn nhất quyết chờ vợ về nấu ăn, anh Đ.H (TP Hà Nội) cho biết nguyên nhân là vì dù luôn cố gắng làm việc nhà khi vợ đi làm về trễ hay đi công tác nhưng không lần nào vừa ý vợ.
Có lần vợ mua đồ để tủ lạnh, xong đi đón con, đi làm về thấy vậy, anh nấu ăn để vợ bớt phần vất vả. Vậy mà mâm cơm dọn lên, vợ anh nếm thử miếng canh đã chê mặn, gắp miếng sườn kho thì chê dai, nhìn khắp lượt bếp, vợ anh lắc đầu tặc lưỡi chê bừa bộn. "Cô ấy nói sau này tôi đừng tự ý nấu ăn, nuốt không vô, bỏ thức ăn thì phí. Kể từ đó tôi không đụng tay vào việc nấu ăn nữa" - anh Đ.H kết luận.
Lười hay siêng do... vợ
Với anh L.C.H (ngụ quận Gò Vấp, TP HCM), do đặc thù công việc là kỹ sư xây dựng phải tập trung khi thực hiện bản vẽ. Vậy mà lúc thì vợ gọi giữ con, lúc kêu rửa chén, quét nhà, thậm chí lấy giùm cái rổ cũng gọi tên. "Bản vẽ còn dang dở nên tôi cự nự thì vợ mặt nặng mày nhẹ, nói tôi lười, không giúp được gì, không khí gia đình vì thế mà mất vui" - anh H. than thở.
Phân tích nguyên nhân vì sao các ông chồng biết vợ vất vả khi vừa làm việc nhà vừa làm việc công ty nhưng người chồng vẫn chơi game, xem tivi để vợ một mình xoay như chong chóng, anh B.L.G.K (ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM) khẳng định đàn ông không lười, có thể đỡ đần việc nhà nếu vợ không càm ràm, không chê và có hướng dẫn cụ thể một chút.
"Đàn ông lười hay siêng là do vợ. Nếu các bà vợ khéo léo, hào phóng lời khen và câu cám ơn, nêu cụ thể việc cần làm và các bước thực hiện…, bảo đảm các bà vợ sẽ có một ông chồng giỏi việc nước, đảm việc nhà" - anh K. kết luận.
Theo chuyên gia tâm lý Mai Thanh Thủy (Trung tâm Tham vấn tâm lý The Sight), cuộc sống hôn nhân không phải lúc nào cũng đẹp như lúc đang yêu bởi khi về sống chung, những tật xấu mới dần bộc lộ. Vì vậy, cần học cách cảm thông, chấp nhận.
Với những thói quen, tật xấu có thể thay đổi được, vợ chồng có thể ngồi lại để trao đổi những gì mình mong muốn và chấp nhận được mức độ nào ở người bạn đời, từ đó cùng nhau đồng hành, điều chỉnh với thái độ chân thành.
Bàn về việc người chồng nên giúp vợ làm việc nhà, bà Mai Thanh Thủy cho rằng người chồng không nên cáu gắt khi bị vợ chê lười. Cần bình tĩnh, vui vẻ để hóa giải, tránh bùng nổ mâu thuẫn. Ví dụ khi vợ chê chồng, khoảnh khắc đó người đàn ông tinh tế có thể nhường nhịn rồi chờ một dịp vợ vui thì nói suy nghĩ của mình để vợ hiểu.
Một vấn đề mà khi trao đổi với một tâm trạng tốt thì dễ được chấp nhận hơn. Về phía người vợ, cần bao dung, đừng vội tước đi cơ hội trong hành trình học hỏi của chồng. Sự chê bai của người vợ là nguồn cơn để người chồng thêm nản, lâu dần sẽ trở nên lười biếng.
"Chúng ta thường nói "đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm" nhưng thời nay, chồng làm việc nhà không còn quá xa lạ. Hôn nhân có được hạnh phúc thì trước hết gia đình phải có sự bình đẳng. Bình đẳng là lúc hầu hết việc nhà vợ có thể sẻ chia với chồng" - bà Mai Thanh Thủy nhấn mạnh.
Bình luận (0)