Thứ Ba, 7/1/2025
xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Gia đình là điểm tựa của mỗi người

Nhật Tân - Trúc Quy

Không có điều kiện học hành đến nơi đến chốn, nhiều ông bố bà mẹ quyết tâm không để con thất học. Họ đã nhận lại được quả ngọt cho sự cố gắng không mệt mỏi của mình

Cứ đến cuối tuần, Trúc Thủy (sinh viên Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP HCM) lại háo hức xách ba lô về quê nhà Đồng Nai sau một tuần học tập, đơn giản vì "ở nhà có ba".

Mồ hôi ba nuôi lớn ước mơ con

Ba của Thủy, ông Hoàng Đình Nam quê gốc ở Thừa Thiên - Huế. Rời gia đình năm 16 tuổi, ông Nam một mình mưu sinh khắp nơi trước khi dừng lại ở Đồng Nai. Thủy xúc động kể: "Ba mình từng bán kem, sửa xe rồi cuối cùng là xây dựng. Ông bắt đầu từ phụ hồ, xúc cát đảo xi-măng, biết đặt gạch xây tường thì lên thợ, làm dần lành nghề thì đi nhận thầu. Tất cả đều do ba nhìn người khác làm rồi bắt chước theo chứ không học hành bài bản ở đâu cả".

Gia đình là điểm tựa của mỗi người - Ảnh 1.

Trúc Thủy và ba (Ảnh nhân vật cung cấp)

Ông Nam phải lao động cực nhọc nhưng chưa bao giờ lơ là chuyện chăm lo, giáo dục các con. Đổi lại, Trúc Thủy rất thương yêu gia đình và học tốt. Thủy có 12 năm liền là học sinh giỏi, lên đại học luôn ở trong tốp đầu lớp. Thủy nói do ba phải nghỉ học từ năm lớp 5. Không có cơ hội được học hành đầy đủ nên khi có gia đình, ba chuyển khát khao đó cho Thủy và ở phía sau giúp Thủy hiện thực hóa.

Động lực đằng sau hành trình bền bỉ chinh phục tri thức của Thủy luôn là ba. Thủy chưa bao giờ ngừng tự hào về nghề thợ hồ của ba. "Mình nhớ cảm giác xót xa khi nhìn ba xây từng viên gạch giữa trời nắng với lưng áo ướt đẫm; thấp thỏm mỗi lần ba leo trèo lên giàn giáo cao mấy chục mét; nhớ cả khi mình đưa cho ba chiếc nón rộng vành đội cho đỡ nắng..." - Thủy nói.

Ông Nam từng tự ti vì không có bằng cấp và điều đó khiến Thủy càng thương ba. Chứng kiến ba với xuất phát điểm khó khăn mà vẫn sống đời thiện lương, kiên trì vươn lên, Thủy nể ba nhiều hơn: "Tuy không sinh ra trong một gia đình giàu có nhưng mình luôn thấy may mắn khi có ba là ba của mình".

Vầng trăng khuyết ấm áp

Bảo Vy (sinh viên Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học TP HCM) thì không có mái ấm đầy đủ thành viên gia đình. Cô nhớ lại: "Môn đăng hộ đối là con dao chia cắt ba và mẹ, gia đình bên nội không chấp nhận vì nhà mẹ nghèo… Ba nghe theo gia đình để có một cuộc sống khác. Mẹ gồng gánh, sinh con và kiếm tiền lo cho con".

Mẹ Vy - bà Nguyễn Thị Thu Nguyệt - một mình cáng đáng nhiều thứ, có lúc phải mượn nợ nên gửi con gái cho bà ngoại săn sóc để rời quê nhà kiếm kế sinh nhai.

Sau 3 năm nơi đất khách quê người, mẹ Vy trở về. Ôm mẹ vào lòng, Vy vẫn cảm nhận niềm hạnh phúc như chưa từng có khoảng thời gian chia cách. Dần dà, những khoản nợ vơi đi dù tháng ngày khốn khó vẫn chưa hoàn toàn kết thúc. Hai mẹ con Vy sống tằn tiện trong căn nhà cấp bốn chỉ vỏn vẹn 30 m² nhưng tình yêu thương thì luôn ngập tràn.

Bảo Vy nung nấu ý chí thay đổi cuộc sống, cố gắng để không phụ lòng mẹ. Bé gái non nớt ngày ấy giờ đã bước qua tuổi 21, rất chăm học chăm làm. Vy thường đứng đầu lớp với thành tích cao, tích cực hoạt động phong trào. Bên cạnh đó, Vy tranh thủ đi làm, tích lũy kinh nghiệm. Nhờ chiều cao nổi bật 1,70 m, cô còn thử sức ở lĩnh vực người mẫu cho các thương hiệu và đồ án thiết kế thời trang.

Giờ đây, Bảo Vy đã có đủ khả năng tự trang trải học phí và đưa mẹ đi du lịch. Cô tâm tình: "Thương mẹ lắm, chỉ mong đỡ đần giúp mẹ, bù đắp những gì mẹ đã hy sinh cho gia đình nhỏ".

Huỳnh Thanh Trúc (21 tuổi, ngụ quận Bình Tân, TP HCM) có tuổi thơ chung sống với nhiều thành viên trong gia đình lớn. Ba mất khi Trúc mới 5 tháng tuổi, mẹ Trúc lúc ấy một mình nuôi 3 đứa con. Anh em Trúc lớn lên trong sự yêu thương và công ơn dưỡng dục của cả đại gia đình bên ngoại.

Gia đình là điểm tựa của mỗi người - Ảnh 3.

Đại gia đình của Huỳnh Thanh Trúc (Trúc mặc áo dài xanh lá- Ảnh nhân vật cung cấp)

Trúc tâm sự: "Mình hay nghe các bạn đồng trang lứa chia sẻ rằng họ không thân thiết với họ hàng. Điều này khác với mình, có thể vì mình sống với họ hàng từ bé. Mỗi giai đoạn mình lại sống với một người khác trong nhà, lúc ở với dì, lúc thì chuyển vào nhà mấy cậu, sau thì về với bà ngoại". Thương cháu gái nhỏ thiếu thốn hơi ấm từ ba nên cả họ ngoại luôn hết lòng hỗ trợ mẹ Trúc và đồng hành trong quá trình trưởng thành của cô. Cậu dì dù có gia đình riêng vẫn dành thời gian và sự quan tâm cho Trúc.

Trúc trải lòng về cách mẹ và mọi người trong gia đình ngoại cùng là hậu phương để cô có tương lai tốt hơn: "Gia đình chưa bao giờ đưa ra áp lực buộc mình phải học cái gì hay học thế nào, bất kể mình muốn thử sức làm gì thì gia đình sẵn sàng tạo điều kiện. Đặc biệt, từ trước đến nay, sau tất cả cuộc thi lớn nhỏ từng tham gia thì mình chưa bao giờ nhận câu hỏi làm bài tốt không từ người nhà. Mọi người cứ bên cạnh ủng hộ mình một cách tâm lý như vậy".

Bà Trương Thị Đạo, mẹ của Trúc, chưa học hết cấp 2 nhưng nuôi nấng được 3 con đều vào đại học. Chính đại gia đình đã tiếp sức cho bà nuôi dạy các con thật chu toàn. Trúc thường tự nhắc bản thân nỗ lực nhiều hơn để đáp lại tình cảm của cả nhà.

Gia đình thương mình, mình thương gia đình. Sức mạnh của tình thân là vô giá” - Thanh Trúc chia sẻ.

Hãy là người đầu tiên bình luận bài viết!

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo