Ngày 5-12, tại Quảng trường Đại Đoàn Kết, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai đã diễn ra Lễ Khai mạc không gian trưng bày, triển lãm ngoài trời với chủ đề "Thiên đường Tây Nguyên - Gia Lai".
Không gian trưng bày, triển lãm các cổ vật của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên tại Quảng trường Đại Đoàn Kết diễn ra trong hơn 1 năm (từ ngày 5-12-2023 đến 31-12-2024).
Trong thời gian này, 30.000 cổ vật sẽ được luân phiên trưng bày. Các cổ vật này được chia thành các nhóm chủ đề chính như công cụ âm nhạc; công cụ săn bắt, hái lượm; công cụ dệt; hiện vật lễ nghi; hiện vật trang sức và các hiện vật khác trong đời sống các dân tộc 5 tỉnh Tây Nguyên… Tất cả sẽ mang đến cho người dân một cái nhìn tổng thể về các tinh hoa, văn hóa, phong tục tập quán của các dân tộc ở Tây Nguyên.
Trong số các hiện vật trên, đáng chú ý nhất là chiếc "Ghế xương voi" (làm từ bộ xương voi trắng) có niên đại 700 năm cùng bộ sưu tập dụng cụ săn bắt voi rừng Tây Nguyên cũng có niên đại trên 100 năm.
Đây là hiện vật do ông Đặng Minh Tâm (63 tuổi, tỉnh Lâm Đồng) sưu tầm và đưa tới trưng bày tại triển lãm.
Trao đổi riêng với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Tâm cho biết may mắn sưu tầm được chiếc "Ghế xương voi" từ hơn 40 năm trước. Các dụng cụ để săn bắt voi như dây thòng lọng; dây da cột voi; vồ tăng tốc; khóa đuôi voi… cũng được ông ròng rã sưu tầm liên tục trong khoảng thời gian 6 năm.
Thông qua triển lãm này, ban tổ chức hi vọng sẽ giới thiệu, quảng bá nét đặc sắc các cổ vật của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Qua đó tiếp tục động viên bà con giữ gìn, phát huy ngành nghề truyền thống. Bên cạnh, thu hút khách du lịch đến tỉnh Gia Lai trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Bình luận (0)