xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Giá lạnh đông đất Bắc

TRẦN ĐĂNG KHOA

Chả phải chỉ mùa đông thì mới tầm nhớ về những phong vị Hà Nội. Mà bởi trong phùn mưa, trong phong bấc, cái gợi nhớ nó bật ra từ sự thủ ấm của châu thân

Mùa đông, trên những đỉnh cao vùng Đông Bắc, khi giá rét từ phương Bắc ào xuống, là băng tuyết xuất hiện. Tuyết trong cổ thư, thường sẽ có hồng mai (mai đỏ) hoặc hoàng mai (mai vàng) đi kèm như một tương phản của sắc màu, như một nhân triết của hiện tượng.

Chỉ có thể cảm nhận

Tuyết trắng trời giá đông, lạnh lẽo và băng buốt. Cái lạnh lùng như thể hiện của một cô phong, đơn độc, ngạo nghễ mà tràn khắp, một thứ vật chất chỉ có thể cảm nhận mà không thể cầm nắm, không thể nhìn thấy.

Trong cái ngạo nghễ chỉ có thể cảm nhận đó, một màu lạnh lẽo trắng phủ, bật lên sắc đỏ của hoa mai, như quân tử thản nhiên trước dã tượng, như trượng phu bình thản đón khắc nghiệt, như thiền sư tĩnh lặng đón biến thiên.

Mai đỏ trong tuyết trắng như khí phách của bậc chính nhân. Lại như một nét đẹp của thủ pháp tả văn, có màu sắc, có điểm xuyết nổi bật, lại giàu nghĩa của ẩn dụ.

Giá đông xứ nhiệt đới không có băng tuyết nơi đồng bằng, chỉ có thể "đông ngâm bạch tuyết thi" (mùa đông ngâm thơ dưới tuyết) bằng chuyển hóa hình thức khác, cảm nhận, tiếp nhận theo những cách khác.

Giá lạnh đông đất Bắc- Ảnh 1.

Chỉ còn những chiếc lá mỏng manh trong một ngày nắng hiếm hoi giữa mùa đông giá của Hà Nội. Ảnh: THẾ HUỲNH

"Đào hoa y cựu tiếu đông phong" chẳng phải cũng dành cho mùa đông không có hồng mai trên tuyết trắng không? Dưới gió đông thổi, đào già vẫn thắm tươi cười nụ đó sao?

"Những cây bàng mồ côi mùa đông". Ca từ bài hát như thế là bởi lá đã đỏ sẫm, theo những đợt đông phong mà rụng rơi theo tiết mùa. Chỉ còn những khẳng khiu trơ trụi trong mưa đông gió bấc, làm tưởng đến cả phong trần tha hương của chinh phu trong "Đêm đông" của Nguyễn Văn Thương.

Khi cái giá rét của gió mùa Đông Bắc kéo về, sầm sập kéo theo những cơn mưa hạt nặng, kéo suốt và lê thê qua một ngày mưa gió, không khỏi cảm nhận cái não nùng của ẩm ướt, của lạnh lùng, thì bầu bạn kéo về, bằng hữu vây quanh, sự tan loãng đi cái cô lạnh của vũ phong đông giá vào một cuối ngày, tịch dương đã tắt thường là nên làm.

Trời ngày vần vũ mây, trải khắp một màu xám. Ướt thẫm khắp không gian một lạnh lẽo. Quả thật, nếu mong muốn, sẽ là một hỏa lò đỏ than, rượu bắc lên hâm nóng.

Nồi lẩu nóng bốc nghi ngút khói tỏa, có còn gì hơn?

Mai hồng tuyết trắng, đẹp nhưng cô đơn. Rượu nồng lẩu nóng, bằng hữu quây bên, thế thì mặc cho gió thổi, kệ cho mưa giăng, đằng nào hay hơn?

Kệ thôi, ngày đã gió mưa, lại cả lạnh lùng xuyên suốt, thì lựa gì chọn sao, do mình cả.

Giá lạnh đông đất Bắc- Ảnh 2.

Ảnh: THẾ HUỲNH

Hoặc khi tà dương đã nhập nhòa vào cô tịch của lạnh lùng, ánh nắng hấp hối đang dần loãng tan trên mặt sông, không còn những hoàng kim nhảy nhót trên đỉnh ngọn thu ba, chài phu đã gọn thu lưới cất, những thung quang gồng gánh của một trọn ngày bươn chợ đã vợi vơi, cơm tới thơm mùi gạo quê đã bốc hương vấn vít, thì gời gợi một đoàn viên gia đình ấm cúng bữa cơm chiều, nếp tẻ vây quanh, tươi một nụ cười cho tan những lao nhọc một ngày đã rộn rã những vương mang...

Đông đã lạnh lùng, người cũng chẳng nên co thắt để mà gần nhau hơn, chẳng phải như vậy sẽ ấm tình hơn không.

Hay giả như khi đã đêm buông đèn sáng, góc phố dưới mái bạt tạm giăng, hơ tay trên lửa than hồng ấm mà chờ một bắp ngô nếp nướng sém, thú vị mà nhìn trong co ro từ cái màu ngà trắng nõn bắp ngả dần sang màu vàng sậm, rồi nâu sẫm và xám đen những đốm than, rồi tưởng ra cái thọ hỷ của vị bùi thơm trong miệng. Chỉ thế thôi, cũng đã là cái thú nhặt của một đêm đông.

Gợn vơi những sự lao tâm

Mùa đông, họa mi xuống phố. Là cúc họa mi. Thứ hoa nhắc cho những tâm vướng đa mang những sự nhọc nề của kiếp mưu sinh, mà quên đi mất một nhắc nhở lẻ mọn của tiết thời, là đã đầu đông rồi đấy.

Giá lạnh đông đất Bắc- Ảnh 3.

Ngắm tuyết trên đỉnh Mẫu Sơn (Lạng Sơn). Ảnh: HỮU THẮNG

Bận lẽ mưu sinh, nhưng một ngày qua phố, người ta tíu tít với nhau bên con hè có hai hàng sấu cổ độc nhất vô nhị, nơi Bắc Môn còn lưu giữ vết đạn đại bác năm xưa của chứng nhân lịch sử, chẳng thể không có những lao xao ở tâm thức mà gợn vơi đi những sự đang lao tâm.

Để mà nhớ rằng, có lẽ nên dành cho mình một chút vui tâm bằng dừng lại một chút, chậm lại một chút, để mà chỉ nhìn thôi, chỉ thấy thôi, một lẽ cân bằng cuộc sống đang thị hiện trước mắt mình.

Vậy mình có nên thế không? Chiều chuộng bản thân một chút, mình sẽ thấy hơn cái lẽ an yên để mà hiểu rằng đó là năng lượng cuộc sống.

Mùa đông. Khi cúc họa mi đã tàn, là khi Bắc phương gió ràn rạt kéo lạnh xuống Nam. Đao phong trên những tầng cao, hòa nhịp mênh mang sông dài bãi rộng như tiếng vũ lộng vườn hoang, như tiếng đao tập "Chém treo ngành" của cụ Nguyễn Tuân bước ra ngoài cuộc sống. Tưởng như có thể thấy đao ảnh đang xắt không gian ra từng miếng bởi sự lạnh lùng tê tái mà người ta vẫn gọi là rét ngọt vậy.

Mùa đông xuống phố. Những bãi chợ đầu sông họp sớm trong rét mờ sương bay, dưới ánh của đèn pin quét loáng, của hoa đèn nhấp nhóa giọt đọng mưa đêm, của lấp xấp tiếng bước thấp cao trong xoạt xọ áo mưa tơi cọ, của nhột nhạt hè nền nhớp nháp của phiên đêm đầu mối.

Phu bốc bây giờ, phụ nữ đã nhiều lắm, hơn hẳn đàn ông. Kéo xe, chuyển hàng, phần nhiều là thân gái. Làm gì còn "ca nhi đối gương ôm sầu riêng bóng" nữa? Lại rảo thêm quãng bước, chợ hoa đêm dưới phùn bay nằng nặng, dưới đèn là hoa, lại thêm một sắc đời, vẫn thấy phận phu.

Giá lạnh đông đất Bắc- Ảnh 4.

Ảnh: HỮU THẮNG

Cũng vẫn xuống phố, nhưng mà vào trong. Hoa đăng rực rỡ như hội kinh kỳ đêm Nguyên tiêu mà "Thủy Hử" truyện tả năm xưa. Áo đông thời trang đã thay cho khăn san bay, chả còn lả lơi vai áo nữa. Đèn hiệu kinh kỳ đã khác xưa nhiều. Trong mưa rét, ăn kem lại thành cái thú của người Tràng An. Răng môi lẩy bẩy nhưng vẫn nhỏ nhẻ xoa xuýt túm sát nhau lại mà giữ chặt cái cán que đưa lên miệng, kẻo lạnh quá lại làm rơi.

Hà Nội mùa đông. Qua tháp Hòa Phong, thấy đâu dấu vết lầu xưa gác cũ? Mờ mưa trong xám sớm, thấy ướt lạnh nỗi tiếc trong tâm về một kiến trúc xa xưa đã bị phá hủy, chỉ còn một ngọn tháp đơn côi trong lòng lịch sử. Nhắc nhớ như ước ao…

Trong cái hư hao nỗi nhớ, ly cà phê nhè nhẹ bốc khói loang mang cùng vần vũ sương đông, nghe giọt nhẹ tí tách từ mái hiên rớt thềm, ngoài kia sầm sập mưa, rèm châu tưới khắp, tràn về trong co lạnh cái bàng bạc nhớ húng làng Láng, chả nhái Khương Thượng…

Nếu đêm đông lạnh mà thắp hỏa lò lên sưởi nóng thì chả nhái làng Khương liệu có còn phong vị cũ không?

Giá lạnh đông đất Bắc- Ảnh 5.

Ảnh: HỮU THẮNG

Chả phải chỉ mùa đông thì mới tầm nhớ về những phong vị Hà Nội. Mà bởi trong phùn mưa, trong phong bấc, cái gợi nhớ nó bật ra từ sự thủ ấm của châu thân.

Ngang qua Tây Hồ, thu ba trong mưa xa ngắt mờ sương, thèm về ngay nhà, pha một ấm trà sen đầm Trị, vị hương tan ngọt nơi cuống họng mà năm nào đến mùa cũng cố thủ lấy vài dăm chục ấm để dành.

Mùa đông. Chỉ hai chữ đó thôi là đã gợi đến cái sự thèm ấm nóng. Để mà xua đi cái lạnh lùng xa cách, cái ngại ngần của bấc thổi phùn rơi, cái trễ nải của chăn êm đệm ấm.

Thế thì thêm một áo khoác, quàng thêm một khăn san, rủ nhau một chút bát phố. Bánh trôi tàu, lục tào xá, chí mà phù… Nghe thôi, đã cảm được cái vị nóng ấm của thức quà rồi.

Chí mà phù là chè mè đen, lục tào xá là chè đỗ xanh xay nhuyễn. Bát bánh trôi bánh chay chan nóng có pha gừng, đêm đông ngồi nép ngách cổng tránh gió, thưởng thức quà mà nhìn người ta qua lại, cái thú đông nhặt tưởng nhỏ, mà lại không.

Hay như một cầu kỳ của thú lịch Hà Nội, hâm một bình rượu sen cũng từ đầm Trị hoặc một bình rượu cúc làng Ngâu, thứ hoàng hoa tửu của đất kinh kỳ mà đối ẩm cùng bằng hữu thì Hạnh Hoa thôn phải tìm đâu xa? Đâu có rượu hoa cúc, lại thêm cùng bằng hữu tri âm, thì đó là Hạnh Hoa thôn thôi.

Hà Nội mùa đông. Nhìn sương giăng hồ Tây trắng, biết tại sao tên xưa là hồ Lãng Bạc. Lãng Bạc, tức là sóng trắng. Hàng lệ liễu không còn cũng là một đáng tiếc cho hồ Tây. Mỗi mùa sương gió đông sang, mù giăng khói sóng, tóc liễu trong cảnh đó, u tịch làm sao? Vẳng nhẹ lan xa tiếng chuông Trấn Vũ, lại nhớ tiếng canh gà Thọ Xương, nhịp chày giã giấy dó Yên Thái, phiên chợ Bưởi đã là ký ức, nhưng lại vẫn luôn ở tâm thức Hà thành.

Nhớ không sao quên. 



Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo