Ngày 28-10, Quốc hội (QH) thảo luận tại hội trường về báo cáo của Đoàn giám sát của QH về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản (BĐS) và phát triển nhà ở xã hội (NƠXH) năm 2015-2023. Nhiều tồn tại, bất cập đã được nêu ra trong phiên thảo luận đặc biệt với sự hiện diện của 123 đại biểu đại diện cho Thường trực HĐND của 53 tỉnh, thành phố.
Không để lũng đoạn, thao túng và thổi giá
Đại biểu (ĐB) Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, nhấn mạnh giá nhà, đất tại một số khu vực đang "tăng phi thực tế". Tại buổi họp báo ngày 17-10 vừa qua, đại diện Bộ Xây dựng cũng thừa nhận giá nhà đất tăng cao như thời gian vừa qua là "vô lý và bất thường".
ĐB Thủy cũng nêu thực tế tại một số thành phố lớn, từ đầu năm đến nay, giá nhà, đất liên tục tăng cao ở tất cả phân khúc từ chung cư đến nhà liền kề, biệt thự... Không chỉ các khu vực trung tâm, sức nóng còn lan sang các thị trường quận, huyện vùng ven đô. Không chỉ chung cư cao cấp, chung cư mới mà cả chung cư cũ cũng có giá tăng vọt. Nhiều căn hộ chung cư đã được đưa vào sử dụng vài thập kỷ nhưng hiện giá tăng gấp 2-3 lần so với thời điểm bàn giao. "Nhiều người dân ở Hà Nội chia sẻ với báo chí rằng sau một thời gian vất vả tìm kiếm nhà để mua, nay đã phải tạm gác lại ý định này, bởi sự tăng giá đột biến của BĐS, nhất là chung cư" - bà Thủy nói.
Đề cập câu chuyện đấu giá đất đang nóng hơn bao giờ hết tại một số huyện ven đô Hà Nội khi giá lên tới hơn 100 triệu đồng/m2, ĐB Nguyễn Thị Thủy chỉ rõ mức giá này đang vượt xa so với thu nhập của đại bộ phận người dân. Trong khi đó, thị trường đang thiếu trầm trọng nguồn cung nhà ở, căn hộ dành cho người có thu nhập trung bình. Khi không có cạnh tranh, sẽ không tạo được áp lực từ thị trường để các nhà cung cấp sản phẩm này phải giảm giá.
Quan tâm phát triển NƠXH, ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho rằng đối tượng được tiếp cận có khi chưa đúng, không đúng, "có người sở hữu NƠXH không phải là người được hưởng chính sách ưu đãi này". ĐB Nga mong muốn Đoàn giám sát kiến nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương ngăn chặn kịp thời và kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm cục bộ về NƠXH; tăng cường kiểm tra đối tượng sở hữu NƠXH và quy trình, thủ tục xét duyệt hồ sơ mua, thuê mua nhà để có thể phát hiện, xử lý các sai phạm có liên quan.
ĐB Tạ Văn Hạ (Quảng Nam), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục, bức xúc trước những dấu hiệu bất thường của thị trường BĐS. Đó là tình trạng tăng giá đột ngột, không phù hợp với tình hình thực tế của nền kinh tế và nhu cầu nhà ở của người dân. "Phải chăng có vấn đề lợi ích nhóm, có dấu hiệu làm lũng đoạn, thao túng và thổi giá, tạo ra bong bóng của một nhóm lợi ích?" - ông Hạ đặt câu hỏi và nói thêm rằng cần mạnh dạn chỉ ra được vấn đề này thì mới có giải pháp cụ thể, căn cơ.
Kiến nghị kê khai giá, đánh thuế
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy kiến nghị Chính phủ kiểm soát tình trạng đầu cơ nhà đất trong thời gian vừa qua; tiếp tục có chính sách ưu đãi đủ sức hấp dẫn để khuyến khích doanh nghiệp (DN) phát triển phân khúc nhà ở thương mại phù hợp với túi tiền của phần đông người lao động. Đồng thời, quyết liệt chỉ đạo để tháo gỡ những vướng mắc của các dự án nhà ở hiện nay.
ĐB Nguyễn Văn An (Thái Bình) nhấn mạnh giá nhà ở tại Hà Nội, TP HCM ngày càng vượt xa tầm tay của người có nhu cầu ở thực, khi nhà tái định cư cũ kỹ cũng có giá tới 70 triệu đồng/m2. Để giải quyết tình trạng này, ông An đề xuất có thể dùng nguồn cung nhà đủ lớn và tháo gỡ vướng mắc cho các dự án tồn đọng, phát triển NƠXH. Chính phủ cũng cần chỉ đạo khẩn trương nghiên cứu việc đánh thuế BĐS, BĐS thứ hai trở lên cùng với các giải pháp đồng bộ nhằm bình ổn giá nhà. Khi đó, những căn nhà rao "giá trên trời" hoặc mua đi bán lại đầu cơ sẽ không có khách hàng, dần dần sẽ quay về với giá trị thực.
Đặc biệt, để hạn chế tình trạng xét duyệt đối tượng không đúng mua NƠXH rồi "bán sang tay", ĐB An đề nghị đẩy mạnh việc xây dựng NƠXH từ ngân sách nhà nước để cho thuê thay vì bán.
Theo ĐB Trịnh Xuân An (Đồng Nai), cần có giải pháp tài chính đầy đủ và đồng bộ, trong đó có giải pháp về thuế, để ổn định thị trường BĐS. "Chúng ta đã đề xuất rất nhiều lần là cần có thuế đối với tài sản hoặc thuế đối với sở hữu nhiều nhà, nhiều tài sản. Tôi cho rằng lúc này là thời điểm chín muồi để xây dựng đạo luật thuế này. Tôi rất tha thiết đề nghị nghiên cứu các sắc thuế này và xử lý những công cụ mang tính vĩ mô như vậy" - ông An bày tỏ.
Gấp rút ngăn bỏ cọc
Trong khi đó, ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng bên cạnh giải pháp giải quyết các thủ tục pháp lý cho các dự án để tăng nguồn cung, cần có quy định ngăn chặn tình trạng bỏ cọc khi đấu giá đất. Theo đó, người tham gia đấu giá phải chứng minh đủ tiền để mua nếu trúng đấu giá, bằng việc xác nhận tài khoản tiền gửi ngân hàng hoặc tài sản bảo đảm khác như nhà đất và phải cam kết nếu cố tình bỏ cọc sẽ bị phong tỏa các tài sản trên để xử lý.
Để các DN BĐS không lợi dụng khi thị trường khan hiếm nguồn cung, đưa ra giá bán cao một cách bất thường, cần đưa vào nghị quyết đề nghị Chính phủ thực hiện ngay điều 31 của Luật Giá về kiểm tra các yếu tố hình thành giá khi có sự biến động giá bất thường, từ đó bảo vệ người tiêu dùng, ổn định thị trường, có cơ sở để thu thuế... Chính phủ phải đưa hàng hóa BĐS của các DN bán ra lần đầu trên thị trường thứ cấp thuộc đối tượng phải kê khai giá để nắm bắt được kịp thời nguồn gốc biến động giá nhằm điều chỉnh hữu hiệu.
ĐB Cường cũng đề nghị nghị quyết của QH cho phép Chính phủ nghiên cứu thí điểm tại một số thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM cơ chế quản lý các giao dịch BĐS chuyên nghiệp trở thành công cụ thực sự hữu hiệu nâng cao tính công khai, minh bạch của thị trường. Cuối cùng, kiến nghị sớm sửa đổi, ban hành mới các luật thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều nhà, nhiều đất. "Đây là công cụ hữu hiệu để chống đầu cơ BĐS, qua đó sẽ giảm giá về đúng giá trị thực của thị trường" - giáo sư kinh tế, nhấn mạnh.
Làm rõ vấn đề đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy cho biết trong thời gian tới, với đấu giá đất, ngoài việc phải thực hiện nghiêm quy định của pháp luật, các địa phương khi tổ chức đấu giá đất phải công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị. Điều chỉnh hợp lý giá đất trong bảng giá đất làm cơ sở tính giá khởi điểm. Bổ sung quy định công khai các trường hợp trúng giá cao nhưng bỏ cọc nhằm hạn chế các đối tượng gây nhiễu loạn thị trường. Tăng cường biện pháp bảo đảm nguồn cung BĐS nhà, đất ở có giá cả hợp lý, phù hợp với khả năng chi trả của người dân có nhu cầu thực, khắc phục tình trạng mất cân đối cung cầu trên thị trường. Cùng với đó, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định trong hoạt động đấu giá...
Hôm nay (29-10), QH thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thuế GTGT (sửa đổi). Thảo luận ở tổ về Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi).
Nâng tuổi nghỉ hưu sĩ quan quân đội
Chiều 28-10, thừa ủy quyền của Thủ tướng, Đại tướng - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang trình QH dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Về tuổi phục vụ tại ngũ cao nhất của sĩ quan, dự thảo luật quy định với cấp úy, hạn tuổi cao nhất của sĩ quan tại ngũ (tuổi nghỉ hưu) tăng từ 46 lên 50 tuổi; thiếu tá từ 48 lên 52 tuổi; trung tá từ 51 lên 54 tuổi; thượng tá từ 54 lên 56 tuổi; đại tá từ 57 tuổi (đối với nam) và 55 tuổi (đối với nữ) lên 58 tuổi (không phân biệt nam, nữ). Cấp tướng vẫn giữ nguyên là 60 tuổi đối với nam, đối với nữ tăng từ 55 tuổi lên 60 tuổi.
Việc tăng tuổi nghỉ hưu bảo đảm phù hợp với chủ trương của Đảng và thống nhất với quy định của Bộ Luật Lao động năm 2019.
Bình luận (0)