xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Gia phả, sau ngày hòa bình

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

Những bản gia phả như những cuốn sử của mỗi gia đình, tộc họ, làm dày thêm bộ sử của một đất nước và hơn thế nữa.

Trong các cuộc chiến tranh vừa qua, có những người đã âm thầm bảo vệ hương án thờ ông bà tổ tiên, giữ cho đến chết những cuốn phả hệ, những sắc phong của dòng tộc giữa binh biến và ly tán. Có người đã ngã xuống để giữ gìn đến cùng những vật gia bảo ấy. Cũng có những gia tộc luân lạc hàng trăm năm không biết gốc gác ở đâu, tộc họ lại phải thay đổi để giữ an toàn cho dòng máu, khi hòa bình lập lại đã cùng nhau truy tìm và xây dựng nên những bộ gia phả. Cháu con các tộc họ về sau, vì những tấm gương đó, đã tiếp tục phấn đấu quên mình trong sự nghiệp cá nhân để làm rạng rỡ gia phong và làng xóm.

Có chết cũng phải giữ cho được

Ở làng Hương Quế bên Quốc lộ 1A, thuộc xã Quế Phú, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam có một nhà thờ của tộc Phạm xây dựng từ thời vua Tự Đức. Ngoài việc thờ cúng tổ tiên, nơi đây còn lưu giữ gia phả tộc họ và 6 tờ sắc phong từ các đời chúa Nguyễn, vua Lê; trong đó có đại ấn "Đế mạng chi bửu" của vua Lê Thánh Tông và "Chế mạng chi bửu" của vua Lê Thần Tông ban tặng cách đây gần 6 thế kỷ vẫn còn nguyên vẹn, được bảo vệ cẩn thận trong một ống đồng.

Theo gia phả tộc Phạm ở Hương Quế, bậc tiền hiền vào đây đầu tiên là Phạm Nhữ Dực, con trai thứ 5 của danh tướng Phạm Ngũ Lão đời Trần. Năm 1401, Phạm Nhữ Dực giữ chức Chánh đô án vũ sứ phụ trách di dân ở khu vực Quảng Nam - Quảng Ngãi. Cháu nội của ông về sau là Phạm Nhữ Tăng theo vua Lê Thánh Tông vào Nam năm 1471 rồi được phong đến chức Quảng Nam thừa tuyên đô thống. Cụ Phạm Nhữ Tăng mất năm 1478 ở Bình Định, được vua cho cải táng đưa về an nghỉ tại làng Hương Quế. Trước mộ của cụ Phạm Nhữ Tăng hiện nay vẫn còn câu đối do chính vua viết, tạm dịch nghĩa:

Nghĩa sĩ lắm mưu cơ, góp sức đồng lòng bình Chiêm quốc;

Gương đài thêm rạng rỡ, hương hồn ngàn thuở rạng trời Nam.

Gia phả, sau ngày hòa bình- Ảnh 1.

Nhớ lại chuyện kể của ông Phạm Trợ, người được giao trọng trách giữ gìn những tài liệu quý giá có một không hai nêu trên nhiều năm trước: Vị tiền nhiệm trước ông là cụ Phạm Trí, hậu duệ đời thứ 17 của tộc Phạm vào định cư ở xứ Đàng Trong. Cụ Trí theo lời trăng trối của các đấng sinh thành là sống chết gì mỗi thế hệ cũng phải thay nhau giữ cho được gia phả của tổ tiên để lại, nên dù chiến tranh, ly tán mấy mươi năm cụ Trí đã phải vất vả mang theo bên mình. Trong đời cụ Trí, một lần vào năm 1949, lính Pháp đi lùng sục đốt phá làng, đã vào nhà thờ tộc Phạm lục tìm tài liệu, vũ khí của Việt Minh. Chúng đã lật tung gia phả, những tờ sắc phong ấy và ném bay tứ tán. Khi chúng rút quân, ông mới đi nhặt lại cất giữ và rất may không có sự hư hại nào. Khi giao nhiệm vụ lại cho ông Trợ, cụ Trí đã sống ngót một thế kỷ, nhưng ông nói khiêm tốn: "Việc lớn nhất đời tôi là giữ được nguyên vẹn bửu bối của tổ tiên để lại, cho dù có phải chết đi!"…

Một cuốn gia phả đẫm máu

Làng Kim Đái nay thuộc xã Tam Thăng, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam từ xưa đã nổi tiếng với hai câu thơ khuyết danh:

Kim Đái đai vàng đâu thuở trước

Thạch Kiều cầu đá mãi còn đây.

35 năm truy tìm

Anh Bảy Câu, tức nhà nghiên cứu Võ Ngọc An, khi nghỉ hưu lại chuyên tâm nghiên cứu về gia phả và được bầu làm Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Dòng họ tại TP HCM. Anh từng lặn lội khắp Nam Bộ và nghiên cứu các tài liệu Hán Nôm, các nhật ký và lời kể để truy tìm gốc gác một chi tộc họ Trương đã được đổi thành tộc Lê hơn 100 năm trước. Cuối cùng, nhóm nghiên cứu đã tìm được mộ tổ Trương Thâu và gốc gác tộc này lưu lạc vào Trà Vinh, Nam Bộ từ Quảng Bình nhờ vào những ghi chép cách đây gần nửa thế kỷ của một cụ ông lúc đó đã 80 tuổi là cụ Lê (Trương) Thái Bình. Nhờ đó đã hình thành được bộ gia phả cho tộc Trương (Lê) có mộ tổ tại ấp La Bang (Cầu Ngang, Trà Vinh). Đây là một trường hợp khá hy hữu trong lịch sử nghiên cứu các dòng họ ở phía Nam.

Trong chiến tranh, xóm Ấp Bắc thuộc làng Kim Đái chỉ có 45 nóc nhà nhưng đã có đến 70 liệt sĩ và 15 bà mẹ Việt Nam anh hùng. Địa đạo Ấp Bắc dài gần 2 km ẩn sâu dưới những lũy tre làng đã góp phần cùng với địa đạo Kỳ Anh gần đó lập nên nhiều chiến tích vẻ vang ở Quảng Nam. Ông Trương Đưa, trưởng tộc Trương làng Kim Đái ở đây, là một trong những người tham gia bám trụ, đào địa đạo trong nhiều năm. Ông đã bị lính Mỹ bắn chết trong một hoàn cảnh rất hy hữu và hết sức cảm động vào năm 1969.

Hôm ấy, xóm Áp Bắc chìm trong lửa đạn. Lính Mỹ từ căn cứ Chu Lai mở cuộc hành quân càn quét vùng ven biển. Nhà thờ họ Trương bị đốt cháy. Là trưởng tộc, ông Đưa quyết bảo vệ cho được bộ phả hệ của dòng họ đang bị nguy cơ biến thành tro. Ông quyết xông vào lửa ôm lấy ống tre đựng bảo vật của dòng họ, chạy thoát ra ngoài. Lính Mỹ tưởng Việt cộng ôm súng liền bắn theo. Ông Đưa trúng đạn mà vẫn cố chạy được qua vài đám vườn rồi ngã quỵ xuống một bờ rào trước khi tắt thở. Bộ phả hệ vẫn được ông nắm chặt trước ngực bằng đôi tay nhuốm đầy máu.

Sau trận càn, dân làng, vợ con đã chôn cất ông trong nước mắt và mang bộ phả hệ ấy về giữ cho đến ngày hòa bình...

Anh Trương Văn Cận, cựu Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Nam, là cháu họ ông Trương Đưa từ miền Bắc trở về làng sau chiến tranh, kể lại: "Khi bước vào ngôi nhà thờ tộc, nhìn lại bộ gia phả của tộc mình vẫn còn đó sau biến cố đau lòng hồi chiến tranh, không ai cầm được nước mắt. Câu chuyện của cụ Trương Đưa cho đến bây giờ luôn là bài học, tấm gương của con cháu những thế hệ tiếp theo trong tộc tôi".

"Sau chiến tranh, chúng tôi quay về làng, tu sửa lại nhà thờ và sao chép, dịch lại bộ gia phả ấy để lưu giữ" - anh Cận kể.

Giá trị sâu xa của gia phả

Nhà nghiên cứu Võ Ngọc An có lần đã kể với người viết rằng: "Cũng do cuộc sống phải ly tán mà tình ruột rà ngày một phai lạt, nghĩa thân thích ngày một chia xa. Không biết đâu là húy kỵ, thế thứ, nơi yên nghỉ của tiền nhân. Tôi nghĩ rằng chỉ có gia phả mới giải quyết được nỗi bức xúc ấy, chỉ cần giở từng trang thì lập tức tên tuổi của người mà ta cần tìm hiểu sẽ hiện rõ ngay, ta cứ chiêm nghiệm vào đấy để mà suy gẫm công lao sự nghiệp của tiền nhơn. Mơ ước ấy đơn giản vậy mà phải chờ cho đến ngày im tiếng súng mới làm được...".

Giữ gìn gia phả là bảo vệ gia phong. Đó cũng chính là giữ lại một phần quan trọng của văn hóa và lịch sử - nguồn cội của mỗi chúng ta. Nhiều nhà nghiên cứu dân tộc học, xã hội học, sử học ngày nay đã dựa vào các gia phả để thu thập các tài liệu liên quan đến những biến cố, quá trình di dân của các tộc họ, lối sống hoặc các xung đột, tiếp biến về văn hóa của các cộng đồng dân cư thuộc một giai đoạn lịch sử nào đó. Bởi những ngành nghiên cứu này ở nước ta thường khiếm khuyết các điều tra mang tính cơ bản.

Những giá trị lưu giữ từ các bộ gia phả lâu đời đó, vì vậy không chỉ cần thiết trong phạm vi tộc họ, gia đình, bởi tộc họ và quan hệ huyết thống chính là yếu tố quan trọng trong quan hệ và văn hóa làng xã Việt Nam từ xưa đến nay.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo