Năm 2024, TP HCM được giao giải ngân đầu tư công với con số kỷ lục là 79.000 tỉ đồng. Với tiến độ như vừa qua thì mục tiêu giải ngân trên 95% được xem là rất khó. Tuy nhiên, thành phố đang tập trung cao độ để tăng tốc và xác định các trọng tâm, trọng điểm nhằm tạo chuyển biến trong những tháng còn lại của năm.
Tháo gỡ từng dự án cụ thể
Tại buổi làm việc với Thủ tướng Phạm Minh Chính mới đây, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho biết những tháng cuối năm thành phố sẽ tập trung các giải pháp đột phá để thúc đẩy giải ngân đầu tư công. TP HCM vẫn quyết tâm đạt mục tiêu giải ngân 95% trong năm nay theo các mốc: tháng 8 đạt 16.200 tỉ đồng (20,4%), tháng 9 là 21.300 tỉ đồng (26,9%), tháng 10 là 30.400 tỉ đồng (38,4%), tháng 11 là 45.700 tỉ đồng (47,6%), tháng 12 là 68.000 tỉ đồng (85,9%). Đến tháng 1-2025 sẽ giải ngân 74.900 tỉ đồng (94,6%). "Đây là những mốc mà TP HCM đang đeo bám, tháo gỡ để đạt được kết quả đề ra. Thành phố đang theo dõi hằng ngày và thống kê chỉ đạo hằng tuần" - Chủ tịch UBND TP HCM nhấn mạnh.
Ông Phan Văn Mãi cũng cho biết Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM cũng đã thành lập các đoàn giám sát để kiểm tra các dự án lớn, dự án trọng điểm.
Ngoài ra, UBND TP HCM cũng đề ra các giải pháp cụ thể để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Theo đó, thành phố tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành báo cáo Thủ tướng Chính phủ giải quyết khó khăn, vướng mắc cho các dự án có vướng mắc pháp lý vượt ngoài thẩm quyền để giải ngân số vốn đã cân đối. Đồng thời, thành phố đã chủ động có phương án điều chuyển tạm số vốn cân đối cho các dự án này để bố trí cho các dự án khác có thể giải ngân ngay trong thời gian chờ các bộ, ngành và cơ quan có liên quan xử lý vướng mắc cho dự án.
Khẩn trương giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc đối với những dự án đang chậm thủ tục đầu tư đã được nêu cụ thể nội dung cần giải quyết, tháo gỡ và mốc thời gian phải hoàn thành tại các văn bản chỉ đạo theo tinh thần quyết liệt, chủ động, thực sự vào cuộc thực chất hơn.
Yêu cầu các sở, ngành, địa phương quán triệt, thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND TP HCM về rút ngắn 30% thời gian giải quyết thủ tục đối với các dự án đầu tư công; siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp chậm trễ.
Chủ tịch UBND TP HCM cho biết vừa rồi có 2 dự án có nguy cơ chậm tiến độ, khó giải ngân được trong năm nay là Rạch Xuyên Tâm và Bờ Bắc - Kênh Đôi. Do đó, Chủ tịch UBND TP HCM đã đăng ký phụ trách 2 dự án để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. Đến nay, chủ đầu tư báo cáo là nếu tập trung thì năm nay dự án vẫn "chạy" và có thể giải ngân được. Từ đó cho thấy kinh nghiệm điều hành là phải đi vào từng dự án cụ thể, vướng mắc cụ thể, tháo gỡ cụ thể, không nói chung chung.
Cần nỗ lực hết sức
Dưới góc độ chuyên gia, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh phân tích khó khăn, vướng mắc lâu nay của việc giải ngân chậm chính là công tác giải phóng mặt bằng, tiếp đến là việc lập và thẩm định hồ sơ dự án. Những vướng mắc này phải giải quyết trong thời gian dài, làm ảnh hưởng chung đến tiến độ giải ngân đầu tư công. "Muốn tăng tỉ lệ giải ngân đầu tư công, việc quy hoạch và lập kế hoạch ban đầu phải tốt để làm cơ sở xin triển khai dự án hoặc vay vốn ODA. Quy hoạch phải bảo đảm các tiêu chí như ổn định, đồng bộ, lâu dài và phải mang tính khoa học. Sau đó mới đến việc lập dự án đầu tư. Tuy nhiên, việc quy hoạch từ nhiều năm nay chưa đồng bộ nên khi được giao vốn mới "quay cuồng" điều chỉnh nên tốn nhiều thời gian" - PGS-TS Đinh Trọng Thịnh nói.
Về công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, dù cuộc họp nào của các sở, ngành, địa phương cũng đưa ra nhưng vẫn vướng ở cách thức tính giá trị đất đai, cách đền bù... Khiến công tác này bị kéo dài. "Việc chậm giải ngân còn có nguyên nhân sâu xa từ chính trách nhiệm của người đứng đầu. Nếu có vướng mắc trong tầm kiểm soát của mình phải giải quyết ngay, nếu vượt tầm phải báo cáo cơ quan có thẩm quyền để giải quyết dứt điểm. Làm được điều đó dự án sẽ "chạy" nhanh hơn" - PGS-TS Đinh Trọng Thịnh nói thêm.
TS Hồ Hoàng Anh, Đại học Kinh tế TP HCM (UEH), nhận định tốc độ giải ngân đầu tư công chậm của TP HCM phần nào gây ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng khá khiêm tốn của khu vực xây dựng. Trong thời gian còn lại của năm, TP HCM cần phải nỗ lực hết sức để giải ngân đầu tư công nhanh hơn, đặc biệt là các công trình, dự án trọng điểm. "Bên cạnh đóng góp trực tiếp của các khoản chi đầu tư công vào tăng trưởng kinh tế, việc hoàn thành các công trình, dự án trọng điểm sẽ góp phần giảm thiểu chi phí sản xuất - kinh doanh và gia tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp. Từ đó góp phần thúc đẩy đầu tư tư nhân và đầu tư trực tiếp nước ngoài" - TS Hồ Hoàng Anh nói.
Nói về triển vọng giải ngân đầu tư công từ nay tới cuối năm ở TP HCM, TS Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, nhận định với danh mục các dự án đầu tư theo cơ chế đặc thù mà HĐND TP HCM đã thông qua và đang kêu gọi đầu tư, thành phố sẽ gỡ được điểm nghẽn về hạ tầng, góp phần tạo nền tảng quan trọng nhất cho giai đoạn 2026-2030.
Một loạt dự án lớn trên địa bàn cũng đang được TP HCM đầu tư, tập trung xây dựng quy hoạch để triển khai như: hệ thống đường sắt đô thị giai đoạn 2025-2035, cảng trung chuyển Cần Giờ, trung tâm tài chính quốc tế hay những công trình chỉnh trang đô thị thành phố...
Ngoài ra, UBND TP HCM vừa ban hành Chỉ thị số 12/CT-UBND về thực hiện nhiệm vụ, giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thành phố đến năm 2025, trong đó nhóm nhiệm vụ trọng tâm là thúc đẩy thực hiện và giải ngân đầu tư công, tăng cường khả năng hấp thụ vốn đầu tư.
Xử lý nghiêm trường hợp kéo dài thời gian
Trong cuộc họp kinh tế - xã hội vào đầu tháng 8, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức đã yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường triển khai thực hiện quyết liệt Nghị quyết số 14 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XI về thúc đẩy công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, lãnh đạo các sở, ngành, địa phương phải bám sát và kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công gắn với bảo đảm chất lượng công trình, dự án. "Phải coi đây là căn cứ đánh giá xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao trong năm 2024" - ông Võ Tấn Đức yêu cầu.
Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, cũng chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung vào các công trình trọng điểm như đường Vành đai 3 TP HCM; Quốc lộ 13; cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành; cầu Bạch Đằng 2... Đồng thời, yêu cầu các đơn vị chủ đầu tư thường xuyên kiểm tra, giám sát và có biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp kéo dài thời gian thực hiện dự án do nhà thầu hoặc đơn vị tư vấn năng lực yếu kém.
Báo Người Lao Động tổ chức Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2024 - phiên thứ 3
Nối tiếp thành công của phiên thứ nhất với chủ đề "Kích cầu tiêu dùng nội địa" tổ chức vào cuối tháng 12-2023 và phiên thứ 2 với chủ đề "Gỡ khó về vốn và thị trường cho doanh nghiệp xuất khẩu" tổ chức vào tháng 4-2024, vào lúc 8 giờ 30 sáng nay (15-8), Báo Người Lao Động tổ chức Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2024 - phiên thứ 3 với chủ đề "Tháo điểm nghẽn giải ngân đầu tư công" nhằm bàn giải pháp tháo điểm nghẽn về giải ngân đầu tư công - một động lực quan trọng để tăng tốc phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Phiên thứ 3 của diễn đàn được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại Trụ sở Báo Người Lao Động ở địa chỉ: 123 Võ Văn Tần, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP HCM.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 13-8
Bình luận (0)