xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Giải ngân vốn đầu tư công: Tín hiệu tích cực

Nhóm phóng viên

Dù còn nhiều khó khăn, vướng mắc, nhưng không ít dự án đầu tư công tại TP HCM và các tỉnh, thành vùng Đông Nam Bộ vẫn bảo đảm tiến độ, thậm chí vượt kế hoạch đề ra

Năm 2024, TP HCM được giao vốn đầu tư công hơn 79.200 tỉ đồng, cao gấp 1,15 lần so với năm 2023 (hơn 68.600 tỉ đồng). Thành phố đặt mục tiêu giải ngân đạt từ 95% trở lên trên tổng số vốn này. Để hoàn thành kế hoạch đề ra, ngay từ cuối năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, UBND TP HCM đã chỉ đạo thực hiện và ban hành nhiều nội dung liên quan.

Nỗ lực lớn

Theo đó, TP HCM đã cơ bản hoàn thành việc phân bổ chi tiết theo chỉ tiêu mức vốn đầu tư công năm 2024 được Thủ tướng Chính phủ giao. Đồng thời, ban hành nhiều văn bản định hướng, điều hành chung trong đầu tư công của thành phố.

Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP (Ban Giao thông), cho biết từ đầu năm đến nay, nhiều dự án được Ban Giao thông và các nhà thầu nỗ lực đẩy nhanh tiến độ nhằm bảo đảm giải ngân vốn đầu tư công. Điển hình như Dự án xây dựng đường nối đường Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa, quận Tân Bình, vừa đưa vào thông xe gói thầu số 9 hầm chui hướng từ đường Hoàng Văn Thụ đến Thăng Long vào ngày 10-8, trị giá 200 tỉ đồng.

Theo ông Phúc, đây là gói thầu xây dựng hầm chui trong đô thị với điều kiện địa chất phức tạp, có nhiều mạch nước ngầm, thi công trong khu vực cửa ngõ Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất với mật độ giao thông dày đặc, phải bảo đảm vừa thi công vừa duy trì giao thông liên tục là những thách thức vô cùng lớn. 

Do đó, các đơn vị đã nỗ lực thi công ngày đêm, làm xuyên lễ, Tết với tinh thần "Vượt nắng thắng mưa" "Ba ca bốn kíp" "Bàn làm không bàn lui" "Biến không thể thành có thể" như chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Giao thông Vận tải, đưa hầm chui vào sử dụng sớm hơn 3 tháng so với dự kiến. Ngoài mục tiêu kết nối trực tiếp với Nhà ga T3, dự án còn tạo ra một tuyến đường mới song hành và giảm tải cho các tuyến đường Cộng Hòa, Trường Chinh hiện hữu.

Ngoài dự án này, gói thầu xây dựng cầu Bà Dạt thuộc dự án xây dựng nút giao An Phú sẽ hoàn thành ngày 30-8 tới. Đây là dự án trọng điểm nhằm giảm áp lực giao thông cho cửa ngõ phía Đông thành phố, góp phần nâng cao năng lực giao thông khu vực cảng Cát Lái, kết nối vùng TP HCM với các tỉnh Đông Nam Bộ. 

"Dự án nằm ngay cửa ngõ phía Đông, kết nối cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây với tình hình giao thông rất phức tạp, vừa thi công vừa bảo đảm tổ chức giao thông nên chủ đầu tư, các nhà thầu đã nỗ lực làm việc xuyên Tết, xuyên lễ, tranh thủ làm ngày, làm đêm ở những hạng mục phức tạp, phấn đấu hoàn thành một số hạng mục quan trọng trong năm 2024" - ông Phúc cho hay.

Tương tự, dự án Vành đai 3 TP HCM đang được chính quyền TP HCM, chủ đầu tư, nhà thầu cố gắng bảo đảm tiến độ. Sau thời gian nỗ lực làm việc với các tỉnh ĐBSCL tìm nguồn cát san lấp hỗ trợ dự án, kết quả ban đầu, 3 tỉnh gồm Tiền Giang, Vĩnh Long và Bến Tre sẽ hỗ trợ gần 5 triệu m3 cát cho dự án Vành đai 3 trong năm 2024. Hiện các gói thầu vẫn đang triển khai thi công bình thường, nhìn chung tiến độ dự án đang bảo đảm theo kế hoạch.

Tại Bình Dương, ông Phạm Trọng Nhân, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, cho biết với tinh thần khẩn trương, chủ động, Bình Dương xác định giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, ưu tiên nguồn lực để thực hiện, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các đơn vị chủ đầu tư. Theo đó, UBND tỉnh đã phân bổ hết 100% kế hoạch vốn cho các công trình, dự án theo quy định, không để xảy ra tình trạng vốn chờ công trình ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn.

Ghi nhận tại Dự án thành phần 5 xây dựng đường Vành đai 3 đoạn qua tỉnh Bình Dương, trong đó cầu Bình Gởi có chiều dài 1.300 m, đến nay đơn vị thi công đã thực hiện đạt hơn 45% khối lượng công việc, bảo đảm tiến độ theo hợp đồng. Đại diện đơn vị thi công cho biết dự án đã giải ngân được hơn 245 tỉ đồng. Riêng vốn đầu tư công được giao năm 2024 đã giải ngân hơn 60%.

Về nút giao Tân Vạn cũng thuộc dự án đường Vành đai 3, liên danh nhà thầu tổng số vốn đầu tư công đăng ký giải ngân 2024 khoảng 650 tỉ đồng và đến nay đã giải ngân được 408,623 tỉ đồng. Dự án được triển khai vào cuối tháng 5-2024, đến nay liên doanh nhà thầu đã thi công xong cọc đại trà, phần tuyến chính đang vướng một số vị trí mặt bằng, các cơ quan chức năng đang tập trung tháo gỡ.

Giải ngân vốn đầu tư công: Tín hiệu tích cực- Ảnh 1.

Nút giao Tân Vạn trên đường Vành đai 3 TP HCM đang triển khai thi công. Ảnh: THẢO NGUYỄN

Áp lực cũng không nhỏ

Thực tế, dù các cấp chính quyền TP HCM và các địa phương vùng Đông Nam Bộ đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong việc triển khai các dự án đầu tư công năm 2024 nhưng theo Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi, tính đến ngày 9-8, thành phố mới giải ngân được hơn 13.200 tỉ đồng, đạt 16,7% kế hoạch. Kết quả này thấp hơn so với mặt bằng chung về giải ngân của cả nước (32,2%) và chỉ tiêu 6 tháng của thành phố (30%).

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM, bà Lê Thị Huỳnh Mai nhìn nhận với số vốn cần giải ngân trong năm 2024 lên đến hơn 79.200 tỉ đồng, cao gấp 1,15 lần so với năm 2023 và cao nhất từ trước đến nay, là một thách thức lớn đối với TP HCM. "Từ đầu năm đến nay, sở đã tham mưu UBND TP HCM ban hành các chỉ đạo, điều hành liên quan đến đầu tư công" - bà Mai cho biết.

Tại Bình Dương, theo báo cáo trong 6 tháng đầu năm 2024, giá trị giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công của tỉnh mới đạt trên 4.190 tỉ đồng, tương đương 28% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao và hơn 19% kế hoạch vốn HĐND tỉnh giao. Đáng chú ý, giá trị giải ngân các công trình trọng điểm mới đạt 16% kế hoạch, tương đương 2.819 tỉ đồng, thấp hơn mức bình quân của tỉnh. Theo đánh giá, tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công của Bình Dương đến nay chưa đạt được kỳ vọng, lượng vốn còn chưa giải ngân khá lớn, tập trung ở các công trình, dự án trọng điểm, thời điểm hiện tại tỉ lệ giải ngân năm 2024 thấp hơn so với năm 2023.

Tương tự, năm 2024, tổng nguồn vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh Đồng Nai là hơn 19.300 tỉ đồng (bao gồm nguồn vốn kéo dài thời gian thực hiện từ năm 2023 sang năm 2024) nhưng theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai, tính đến cuối tháng 6-2024, vốn ngân sách trung ương mới giải ngân đạt 340,09 tỉ đồng, tương đương 13,55% kế hoạch.

Vốn ngân sách địa phương kế hoạch giao là 12.664,119 tỉ đồng nhưng mới giải ngân được 2.584,187 tỉ đồng, đạt 20,41% kế hoạch. Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức đánh giá, tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công cũng như công tác giải phóng mặt bằng các dự án trên địa bàn tỉnh còn chậm, chưa đạt kỳ vọng đề ra. "Đầu năm, các đơn vị đã cam kết hết tháng 6 sẽ giải ngân đạt 50% kế hoạch vốn. Thế nhưng, đến cuối tháng 7, tỉnh mới giải ngân được hơn 5.400 tỉ đồng, đạt hơn 28% kế hoạch vốn", quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức chỉ rõ trong cuộc họp kinh tế - xã hội vào đầu tháng 8 mới đây.

Theo Bộ Tài chính, qua phản ánh từ các địa phương, khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chủ yếu vẫn là các vướng mắc liên quan đến cơ chế chính sách về đất đai, quy hoạch, đấu thầu. Bộ Tài chính cũng nhấn mạnh nhiều bộ, ngành, địa phương chưa phân bổ chi tiết cho các dự án nên không thể giải ngân. Bên cạnh đó là các vướng mắc của dự án trọng điểm giao thông như vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng; nguồn cung ứng nguyên vật liệu; vướng mắc ở các khâu hoàn thiện thủ tục đầu tư, quy trình giải ngân của các dự án ODA...

Nhấn mạnh đầu tư công là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng, TS Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cũng cho rằng cần sớm tháo điểm nghẽn về giải phóng mặt bằng, tránh tình trạng dự án chờ mặt bằng, ưu tiên bố trí đủ vốn để thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với phần diện tích đã đủ điều kiện. Cùng với đó, tháo gỡ các khó khăn liên quan đến cấp phép mỏ, khai thác vật liệu đá, cát, đất phục vụ các dự án. 

Bà Rịa - Vũng Tàu đã giải ngân hơn 40%

Ông Lê Ngọc Linh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết tổng số vốn đầu tư công năm 2024 của tỉnh là hơn 20.810 tỉ đồng. Đến nay, đã phân bổ hơn 19.825 tỉ đồng (đạt hơn 95%) tổng nguồn vốn. Đến nay, tình hình thực hiện và giải ngân vốn đã đạt hơn 8.284 tỉ đồng (đạt 41,79% so với kế hoạch). Đây là số giải ngân cao hơn so với cùng kỳ năm 2023. Trong số 41,79% vốn đã được giải ngân thì các dự án sử dụng vốn Trung ương có lũy kế thanh toán đạt hơn 669 tỉ đồng (đạt 38,32% so với kế hoạch giao). Tỉ lệ này thấp hơn cùng kỳ năm 2023.

Với các dự án sử dụng vốn ngân sách tỉnh, có tỉ lệ giải ngân đạt 37,73%, cao hơn so với cùng kỳ năm 2023. Đối với các công trình, dự án sử dụng vốn ngân sách cấp huyện, đạt tỉ lệ giải ngân hơn 51%, cao hơn so với cùng kỳ năm 2023.

(Còn tiếp)

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo