Điều này còn mở ra khả năng vô tận trong việc thiết kế, xây dựng công trình.
Hội Xây dựng Cần Thơ vừa tổ chức Hội thảo "Giải pháp xanh cho xây dựng bền vững khu vực ĐBSCL" tại TP Cần Thơ. Các diễn giả, chuyên gia xây dựng đã bàn đến nhiều vấn đề: Thách thức về biến đổi khí hậu, nguyên - vật liệu và các yêu cầu xây dựng bền vững cho khu vực ĐBSCL.
Sử dụng tro, xỉ ngày càng nhiều
Theo các đại biểu, cuộc cách mạng công nghệ trong xây dựng đang mở ra sự đổi mới và sáng tạo. Việc sử dụng tro, xỉ nhiệt điện hay ứng dụng công nghệ để tuyển rửa cát biển làm nguyên liệu không chỉ giải quyết các vấn đề môi trường mà còn mở ra khả năng vô tận trong thiết kế, xây dựng công trình với chi phí thấp hơn, hiệu quả cao hơn và tính bền vững được nâng cao.
PGS-TS Huỳnh Trọng Phước, giảng viên Trường ĐH Cần Thơ, cho biết cả nước hiện có 31 nhà máy nhiệt điện. Năm 2023, lượng tro, xỉ từ các nhà máy này là hơn 23,7 triệu tấn, trong đó miền Bắc chiếm 64%, miền Trung 25% và miền Nam 11%.
Tro, xỉ có hàm lượng thành phần vô cơ nguy hại thấp hơn rất nhiều so với ngưỡng chất thải nguy hại được quy định trong QCVN 07:2009/BTNMT. Đây là nguồn vật liệu xây dựng dồi dào, có thể được sử dụng để thiết kế hỗn hợp lèn chặt (DMDA), hỗn hợp bê-tông thân thiện và bền vững, có cường độ cơ học cao hơn và độ bền tốt hơn đáng kể so với bê-tông thông thường. Thiết kế bê-tông sử dụng DMDA là giải pháp bền vững cho sự phát triển vì sử dụng ít xi-măng hơn các phương pháp truyền thống và tiêu thụ nhiều phụ phẩm công nghiệp.
"Tro bay được sử dụng như chất độn (filler) và phụ gia khoáng (vật liệu pozzolan), giúp cải thiện cường độ và độ bền của bê-tông" - PGS-TS Huỳnh Trọng Phước khẳng định.
Theo Bộ Xây dựng, tro, xỉ hiện được sử dụng nhiều làm vật liệu san lấp, phụ gia khoáng cho xi-măng, phụ gia bê-tông cho các công trình thủy lợi, công trình giao thông (đường bê-tông xi măng vùng nông thôn) và công trình xây dựng dân dụng (kết cấu móng khối lớn ít tỏa nhiệt). Tro, xỉ cũng được dùng thay thế một phần nguyên liệu sản xuất gạch xây, cả nung và không nung.
Ông Lê Văn Hẳn, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh, thông tin một công ty tại địa phương đang nghiên cứu "Ứng dụng giải pháp công nghệ sử dụng phối hợp tro, xỉ Nhiệt điện Duyên Hải và cát nhiễm mặn làm vật liệu đắp nền đường, bê-tông xi-măng mặt đường". Nghiên cứu này nhằm góp phần sử dụng hiệu quả nguồn nguyên liệu hiện có trên địa bàn, phục vụ các công trình giao thông tại Trà Vinh và ĐBSCL.
Theo ông Hẳn, trong nghiên cứu của mình, công ty nêu trên sẽ đánh giá chất lượng, độ bền tro, xỉ phối trộn cát nhiễm mặn trên đoạn đường thử nghiệm 100 m với 54 vị trí đo. Nghiên cứu cũng sẽ xem xét hiệu quả kinh tế - kỹ thuật và tác động môi trường của việc sử dụng phối hợp 2 loại vật liệu này.
Nhiều giải pháp mới
ĐBSCL đang đứng trước thách thức do biến đổi khí hậu, nước biển dâng... Trước thực trạng này, PGS-TS Phạm Văn Toàn, Trường ĐH Cần Thơ, đưa ra giải pháp công trình nhà nổi để thích ứng.
Theo đó, nhà được xây trên một cấu trúc nổi hoặc có nền móng dựng trên mặt nước, có thể di động hoặc cố định. Cấu tạo nhà gồm 2 phần: phần nổi trên mặt nước và phần chìm bên dưới. Nếu xây dựng nhà nổi xanh sẽ sử dụng vật liệu tại địa phương, thân thiện với môi trường, tích hợp hệ thống năng lượng tái tạo, có thể kết hợp mô hình sản xuất thực phẩm như thủy canh, kinh tế tuần hoàn.
Mô hình nhà nổi này sẽ quản lý được chất thải theo hướng khép kín, giảm tác động đến môi trường. PGS-TS Phạm Văn Toàn cho rằng nhà nổi giúp người dân thích nghi với sự thay đổi mực nước, hạn chế ảnh hưởng bởi ngập lụt và biến đổi khí hậu; dễ dàng di chuyển, tiết kiệm diện tích, không gian, gần gũi với thiên nhiên.
Trong khi đó, ông Võ Tấn Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Công nghệ Cát sạch Mekong, giới thiệu công nghệ tuyển rửa cát biển do công ty ông vừa nghiên cứu. Dây chuyền tuyển rửa cát biển thành cát sạch được tự động hóa, sử dụng hệ thống điện điều khiển. Dây chuyền này được thực hiện theo nguyên tắc cơ lý, dùng tốc độ dòng chảy của cát và nước ngọt để xử lý, không sử dụng hóa chất nên bảo đảm an toàn về mặt môi trường.
"Cát biển sau khi xử lý thành cát sạch dùng xây dựng sẽ bảo đảm chất lượng công trình, tăng độ bền và tuổi thọ, tiết kiệm chi phí và bảo vệ môi trường" - ông Dũng giới thiệu.
Theo TS Lê Văn Quang, Giám đốc Phân viện Vật liệu xây dựng miền Nam - Bộ Xây dựng, những năm gần đây, công nghệ bê-tông in 3D là giải pháp điển hình của ngành trong việc ứng dụng công nghệ. Mô hình thiết kế có thể sử dụng các phần mềm vẽ 3D phổ biến tại Việt Nam, giúp giảm khối lượng công việc thủ công, cung cấp các giải pháp được tối ưu hóa tự động, tận dụng sức mạnh tính toán của máy tính.
Kết cấu tường nhà 1 tầng bằng công nghệ bê-tông in 3D cho thấy rõ hiệu quả kinh tế. Phương pháp này giảm giá thành so với phương pháp xây tường, lắp ghép bằng tấm tường rỗng hay gạch bê-tông không nung ACC.
ThS Nguyễn Kim Hoàng, chuyên gia Cơ quan Hợp tác Phát triển Đức (GIZ), cho rằng khó khăn trong việc sử dụng nguyên, vật liệu mới là giá thành cao hơn so với nguyên, vật liệu truyền thống 20%-30%. Ngoài ra, muốn triển khai ứng dụng công nghệ mới, phải đào tạo và nâng cao nhận thức, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn, đồng thời hỗ trợ đào tạo tại chỗ. Bên cạnh đó, cần xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích, như: hỗ trợ tài chính, ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật, lồng ghép vào quy hoạch và kế hoạch, thúc đẩy nghiên cứu và triển khai thử nghiệm...
Theo Bộ Xây dựng, thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương, đơn vị phát thải đã nỗ lực triển khai thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Chỉ thị 08/CT-TTg năm 2021. Đến nay, hành lang pháp lý và kỹ thuật tạo điều kiện cho việc sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, hóa chất, phân bón đã cơ bản được xây dựng, ban hành đầy đủ. Lượng tro, xỉ, thạch cao tiêu thụ các năm gần đây được duy trì ở mức tích cực, cơ bản cân bằng so với tổng lượng thải ra.
Bộ Xây dựng cùng các bộ, ngành liên quan cũng đã xây dựng và ban hành, hoặc chuyển cho cơ quan có thẩm quyền ban hành, cơ bản đầy đủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật về xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong công trình xây dựng, gồm 24 tiêu chuẩn.
Bình luận (0)