Dự án đường dây 500 KV mạch 3 Quảng Trạch (Quảng Bình) - Phố Nối (Hưng Yên) có tổng chiều dài 519 km, đi qua 9 tỉnh: Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Hải Dương và Hưng Yên.
"Thần tốc"
Ngày 29-8, chỉ sau 6 tháng thi công, dự án đường dây 500 KV mạch 3 này đã về đích với nhiều kỷ lục như: thủ tục đầu tư nhanh nhất, thời gian thi công ngắn nhất… Từ đó, góp phần quan trọng vào việc tăng cường truyền tải điện, bảo đảm an ninh năng lượng và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Thành công của dự án là kết quả từ sự nỗ lực, quyết tâm, chung sức, đồng lòng và phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, ngành điện, doanh nghiệp; từ sự đồng thuận của người dân dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ...
Tại lễ khánh thành đường dây 500 KV mạch 3, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh với tinh thần "vượt nắng, thắng mưa, không thua gió bão", "chỉ bàn làm, không bàn lùi"…, toàn bộ dự án đã hoàn thành, đáp ứng được tất cả yêu cầu đề ra.
Thủ tướng cho biết ngay từ lúc chuẩn bị đầu tư, Chính phủ đã chỉ đạo sát sao; các bộ, ngành làm việc nước rút để chưa đầy 5 tháng từ khi trình lần đầu, chủ trương đầu tư 4 dự án thành phần đã được phê duyệt. Trong khi đó, thông thường một dự án với quy mô tương tự thì khâu chuẩn bị đầu tư thường mất 2 - 3 năm.
Nói về đường dây 500 KV mạch 3, chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh cho rằng đây là dự án điển hình trong việc không lãng phí nguồn lực, thời gian cũng như cơ hội. Theo ông, trên cả nước có không ít dự án chậm tiến độ nhiều năm, đội vốn lớn. Chẳng hạn, tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội khởi công từ năm 2010 nhưng gần đây mới đưa vào khai thác đoạn trên cao, còn đoạn chạy ngầm thì chưa hẹn ngày hoàn tất...
Vì thế, nhắc đến các dự án chậm tiến độ để thấy việc triển khai dự án đường dây 500 KV mạch 3 trong thời gian ngắn, có thể nói là thần tốc, đã góp phần tránh lãng phí nguồn lực, thực hiện tốt những mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Những chuyển động tích cực
Thời gian qua, quyết tâm chống lãng phí đã và đang được các địa phương hiện thực hóa.
Tại Hà Nội, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh yêu cầu các địa phương, đơn vị tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên mọi lĩnh vực. Trong đó, tập trung vào các lĩnh vực như: quản lý ngân sách nhà nước; quản lý, sử dụng vốn đầu tư công; quản lý, sử dụng tài sản công; quản lý tài nguyên, khoáng sản, đặc biệt là đất đai; quản lý vốn, tài sản nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp…
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải cho biết Hà Nội sẽ ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài chính, tài sản công chuyên dùng theo thẩm quyền để làm cơ sở lập kế hoạch, dự toán, quản lý, bố trí sử dụng vốn ngân sách, xử lý tài sản công theo đúng quy định... Cùng với đó, tiếp tục cải cách công tác kiểm soát chi ngân sách nhà nước.
Ở Đà Nẵng, tháng 9 vừa qua, UBND thành phố đã ban hành kế hoạch về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
UBND TP Đà Nẵng giao Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; đồng thời có phương án giải quyết dứt điểm những tồn tại kéo dài đối với các dự án hiệu quả thấp, gây thất thoát, lãng phí lớn; các dự án ngừng triển khai theo kết luận của ngành chức năng.
Tại Cần Thơ, trong chỉ thị về việc đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024, lãnh đạo thành phố yêu cầu chú trọng các lĩnh vực dễ xảy ra thất thoát, lãng phí, tiêu cực như: đấu thầu, đấu giá; quản lý, sử dụng tài nguyên, tín dụng; quản lý tài sản công, đầu tư công; sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp. Đáng chú ý, lãnh đạo TP Cần Thơ nhấn mạnh đến công tác rà soát, bãi bỏ chính sách không phù hợp, gây lãng phí ngân sách.
Với TP HCM, Sở Xây dựng cho biết sẽ rà soát các khu đất do nhà nước trực tiếp quản lý phù hợp với quy hoạch rồi đưa vào danh mục sắp xếp lại, xử lý tài sản công theo Nghị định 167/2017 và Nghị định 67/2021; hoặc chuyển mục đích sử dụng đất theo Luật Đất đai để phát triển nhà ở xã hội.
Ngoài ra, từ năm 2022, công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng của dự án đường Vành đai 3 TP HCM được lãnh đạo thành phố xây dựng thành hình mẫu, từ đó lan tỏa ra các dự án khác. Khi các dự án đáp ứng yêu cầu về thi công, chất lượng, tiến độ… thì đồng nghĩa với việc tiết kiệm thời gian, công sức, tiền bạc và giải phóng nhiều nguồn lực, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 21-10
Thông điệp dứt khoát
Đầu tháng 10-2024, trong bài viết "Chống lãng phí", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh đấu tranh phòng chống lãng phí là cuộc chiến chống "giặc nội xâm" đầy cam go, phức tạp; là một phần của cuộc đấu tranh giai cấp; có vị trí tương đương với phòng chống tham nhũng, tiêu cực, "để xây dựng Đảng ta vững mạnh, là đạo đức, là văn minh".
Bài viết yêu cầu tập trung giải quyết triệt để các nguyên nhân dẫn đến lãng phí tài sản công, tài nguyên thiên nhiên, nguồn lực chăm lo cho nhân dân và phát triển đất nước. Trong đó, yêu cầu tổng kết, nhân rộng kinh nghiệm triển khai dự án đường dây 500 KV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối để rút ngắn thời gian thực hiện các dự án đầu tư công trọng điểm, đường cao tốc, công trình liên vùng, dự án có tác động lan tỏa...
Chính phủ cũng đã giao các bộ, ngành, địa phương lấy dự án đường dây 500 KV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối làm hình mẫu về việc chỉ đạo, điều hành quyết liệt để đẩy mạnh giải ngân kế hoạch vốn năm 2024, nhất là với những địa phương được giao vốn kế hoạch đầu tư công lớn.
Hình thành nét văn hóa
PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, cho rằng nâng cao trách nhiệm người đứng đầu là yêu cầu quan trọng trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Người đứng đầu có vai trò rất lớn để lan tỏa tinh thần tiết kiệm, chống lãng phí trong toàn cơ quan, đơn vị.
Trong cơ quan quản lý nhà nước, việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm các điều kiện đầu tư - kinh doanh không cần thiết để tạo điều kiện thuận lợi, tiết giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp cũng là giải pháp chống lãng phí rất hiệu quả.
"Thay vì người dân phải đi lại nhiều lần để thực hiện thủ tục hành chính, chúng ta chuyển lên môi trường số, tiết kiệm chi phí đi lại, thời gian chờ đợi cho họ" - PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc dẫn chứng. Ông cũng cho rằng nên hình thành văn hóa chống lãng phí để việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thực sự trở thành quy chuẩn ứng xử ở mọi nơi.
Bình luận (0)