Chiều 1-8, tại phiên họp của UBND TP HCM về tình hình kinh tế-xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM, thông tin thêm về việc điều chỉnh bảng giá đất của TP HCM - một vấn đề được dư luận rất quan tâm thời gian gần đây.
Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, trong số các nội dung triển khai Luật Đất đai năm 2024 (sửa đổi), UBND cấp tỉnh được xem xét, sử dụng bảng giá đất cũ hoặc điều chỉnh bảng giá đất. Theo đó, TP HCM có chủ trương điều chỉnh bảng giá đất cũ.
Việc điều chỉnh bảng giá đất gồm 7 bước. Hiện tại, Sở đã hoàn thành 6 bước, toàn bộ dữ liệu của đơn vị tư vấn thu thập trên toàn địa bàn đã được cân chỉnh lại và chuyển cho tổ giúp việc của HĐND TP HCM xem xét, thẩm định.
"Xin nói rõ lại, bảng giá đất lần này là bảng giá điều chỉnh, chúng ta chưa xây dựng bảng giá đất mới theo Luật Đất đai 2024. Bảng giá đất mới sẽ được xây dựng và áp dụng từ ngày 1-1-2026. Bảng giá điều chỉnh hiện nay là điều chỉnh giá cũ, cập nhật giá đất giao dịch hiện hành, giá bồi thường đã được phê duyệt, giá cụ thể của thị trường để đảm bảo không gây thất thoát trong bối cảnh bảng giá cũ quá thấp"- Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh.
Lấy ví dụ, ông Nguyễn Toàn Thằng cho biết trên địa bàn có một số tuyến đường theo bảng giá cũ chỉ 1-2 triệu đồng/m2. Trong khi đó, giá giao dịch thực tế lên tới 100-200 triệu đồng/m2. Do đó, TP HCM cần cân chỉnh lại để có bảng giá phù hợp nhất sử dụng trong giai đoạn này.
Hiện Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM đang hoàn tất những bước cuối cùng để trình UBND TP HCM ban hành bảng giá đất tại địa phương theo Luật Đất đai 2024.
Chiều cùng ngày, tại buổi họp báo kinh tế - xã hội, Chánh Văn phòng UBND TP HCM Đặng Quốc Toàn cho biết Sở Tài nguyên và Môi trường đang tích cực chuẩn bị, Ban Cán sự Đảng UBND TP HCM đang họp để triển khai sớm nhất.
Theo dự thảo bảng điều chỉnh giá đất của Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM vừa công bố, giá đất tại nhiều địa bàn có xu hướng tăng trung bình từ 5-10 lần so với bảng giá đất hiện hữu (áp dụng từ năm 2020 đến nay). Một số địa phương thuộc khu vực ngoại thành và vùng ven dự kiến điều chỉnh tăng đột biến từ 15-50 lần so với hiện tại. Tuy nhiên, Sở Tài nguyên và Môi trường khẳng định giá đất này mới chỉ bằng 70% thị trường.
Cụ thể, tại huyện Hóc Môn, đường song hành Quốc lộ 22 (đoạn từ đường Nguyễn Ảnh Thủ đến đường Lý Thường Kiệt) giá đất tăng 51 lần.
Ở huyện Bình Chánh, giá đất tăng 24 lần (như tại đường số 8, khu dân cư Trung Sơn, giá hiện hành là 6,3 triệu đồng/m2, theo dự thảo là 150 triệu đồng/m2).
Ở huyện Nhà Bè có tuyến đường Phạm Hùng giá đất tăng tới 23 lần (giá hiện hành là 3 triệu đồng và dự kiến điều chỉnh là 70 triệu đồng/m2).
Tại khu vực trung tâm, tuyến đường Đồng Khởi có giá đất cao nhất 810 triệu đồng/m2, hiện hành là 162 triệu đồng/m2 (tăng khoảng 5 lần).
Nhiều tuyến đường khác cũng có giá dự kiến lên cao như Công Trường Mê Linh, Công xã Paris là 484 triệu đồng/m2 (hiện hành là 96,8 triệu đồng/m2); Công trường Lam Sơn 579 triệu đồng/m2 (hiện hành gần 116 triệu đồng/m2); đường Hai Bà Trưng (đoạn từ Bến Bạch Đằng tới Nguyễn Thị Minh Khai) có giá đất là 484 triệu đồng/m2, hiện hành là 96,8 triệu đồng/m2.
Bình luận (0)