Ngày 19-7, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP HCM có tờ trình về Dự thảo điều chỉnh bảng giá đất trên địa bàn TP HCM theo quy định của Luật Đất đai 2024, có hiệu lực từ 1-8-2024.
Theo Sở TN-MT, ưu điểm theo cách tính giá đất mới là giá đất được điều chỉnh sát với thị trường, giải được bài toán khiếu kiện về đất đai tồn tại lâu nay liên quan đất bị giải tỏa, đền bù. Qua đó giúp các dự án hoàn thành giải phóng mặt bằng sớm hơn, tránh gây ách tắc trong đầu tư, đầu tư công.
Tờ trình cũng nêu rõ bảng giá đất mới chỉ áp dụng từ ngày 1-8 đến hết ngày 31-12, sau đó sẽ tổng kết, đánh giá tác động với kinh tế - xã hội để tiếp tục điều chỉnh bảng giá đất áp dụng trong năm 2025.
Đáng chú ý, với bảng giá mới, giá đất cao nhất ở TP HCM thuộc về các trục đường lớn ở quận, huyện, với mức tăng 10 - 50 lần.
Tuy nhiên, tại cuộc họp báo chiều 29-7, Giám đốc Sở TN-MT TP HCM Nguyễn Toàn Thắng cho biết giá đất dự kiến tại dự thảo bảng giá đất điều chỉnh chỉ tăng so với bảng giá đất tại Quyết định 02/2020 của UBND TP HCM khoảng 7 lần. Theo lý giải của lãnh đạo Sở TN-MT, bảng giá đất theo Quyết định 02/2020 khi sử dụng phải nhân với hệ số điều chỉnh giá đất 3,5 lần. Do đó, thực tế bảng giá đất điều chỉnh lần này chỉ tăng khoảng 2,5 lần và giá đất theo bảng giá đất dự kiến điều chỉnh mới bằng 70% mặt bằng thị trường.
Bảng giá đất điều chỉnh sẽ tác động đến 12 nhóm đối tượng, trong đó chỉ có 1 nhóm được lợi, 3 nhóm không bị ảnh hưởng và có đến 8 nhóm bị ảnh hưởng. Đáng nói là nhóm bị ảnh hưởng nhiều nhất là cá nhân, hộ gia đình chuyển mục đích sử dụng đất và công nhận quyền sử dụng đất.
Tuy nhiên, đối chiếu pháp luật đất đai năm 2013 với pháp luật đất đai năm 2024, các trường hợp sử dụng đất ổn định trước ngày 15-10-1993 không phải nộp tiền sử dụng đất. Trường hợp diện tích vượt hạn mức thì thu theo bảng giá đất năm 2005. Với các trường hợp sử dụng đất còn lại, xét theo nguồn gốc và các mốc thời điểm sử dụng đất để có tỉ lệ thu thích hợp.
Thực tế, vẫn có nhiều nhóm đối tượng lo lắng sẽ gặp khó với bảng giá đất dự kiến, nhất là trường hợp tách thửa, chia đất đai cho con cháu để xây dựng nhà ở, mà đất đai đó họ đã sở hữu từ rất lâu.
Ngoài ra, nhóm bị thiệt thòi nhất là nhiều hộ gia đình, cá nhân có đất vướng quy hoạch "treo". Nếu bỏ quy hoạch treo, với bảng giá đất mới, tiền sử dụng đất, thuế sử dụng đất phải đóng sẽ tăng rất cao.
Nhóm người đầu cơ bất động sản, đặc biệt là đất nông nghiệp, cũng bị tác động lớn vì chi phí để hoàn tất hồ sơ chuyển đổi hay sang nhượng đều sẽ tăng 3 - 5 lần so với hiện tại.
Với thị trường bất động sản, các chuyên gia cho rằng bảng giá đất mới có thể tạo ra "cú sốc" nhẹ vì mức điều chỉnh dự kiến tăng đột biến so với hiện tại. Điều này hoàn toàn có thể xảy ra khi mà sau TP HCM, các tỉnh, thành khác cũng sẽ công bố bảng giá đất mới theo quy định của Luật Đất đai 2024.
Tác động của giá đất mới đến đời sống kinh tế - xã hội chắc chắn sẽ không nhỏ. Vì vậy, giới chuyên gia cho rằng các địa phương cần nghiên cứu việc tăng giá đất có lộ trình, chia làm nhiều giai đoạn để giảm "sốc" cho thị trường bất động sản.
Đáng nói hơn là Luật Đất đai 2024 cho phép áp dụng bảng giá đất hiện tại đến ngày 31-12-2025, tức còn hơn 17 tháng nữa. Trong khi đó, Chính phủ vẫn chưa công bố dự thảo nghị định về thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất. Do đó, cần cân nhắc trước khi áp dụng bảng giá đất mới để tránh những tác động tiêu cực có thể xảy ra. Với riêng TP HCM, việc áp dụng bảng giá đất mới từ ngày 1-8 và chỉ có giá trị trong 5 tháng cũng là điều cần cân nhắc.
Bình luận (0)