Tuy nhiên, một bộ phận người tiêu dùng đã chủ động thay đổi thói quen để bảo vệ môi trường trong khi nhà sản xuất cũng vào cuộc nhằm đáp ứng xu hướng mới.
Không ngại dùng đồ cũ
Sắp sinh con thứ 2, chị Trần Kim Liên (ngụ quận Gò Vấp, TP HCM) quyết định mua sắm rất ít dù kinh tế gia đình ở mức khá. Ngoài những vật dụng thật cần thiết, chị dùng lại những món đồ mua từ khi sinh con đầu lòng. "Lúc đầu, tôi hơi ngại ngần vì sợ bị chê... nghèo, nhưng thấy quần áo của con đầu vẫn mới, nhiều chiếc chưa sử dụng, còn nguyên tem nhãn, bỏ đi thì quá lãng phí nên tôi đã tận dụng. Với tình hình kinh tế hiện nay, dùng lại đồ cũ là cách vừa tiết kiệm vừa bảo vệ môi trường" - chị Liên nói.
Chị Liên cũng cho biết trước đây vợ chồng chị sắm rất nhiều quần áo nhưng nay chuyển sang phong cách tối giản, cảm thấy rất dễ chịu. Thậm chí, khi tới các phiên chợ "xanh", anh chị không ngại mua đồ cũ với giá 50.000 đồng/3 chiếc nếu thấy phù hợp.
Chị Nguyễn Thị Ngọc, sống trong một chung cư cũ, thang bộ tại quận Bình Thạnh (TP HCM), rất ngán ngại việc xả rác bởi... tốn tiền. Chị cho hay ở chung cư của chị, trước đây, khi vứt bỏ quần áo cũ còn sử dụng được, các hộ gia đình chỉ cần ghi chú ở ngoài túi và sẽ có người đến lấy. Nhưng gần đây, nhân viên thu gom rác nói rằng đây là rác thải nặng, không thuộc nhóm rác sinh hoạt hằng ngày nên phải thu phí thêm. "Có lần dọn nhà, tôi vứt bỏ 3 túi quần áo cũ và phải trả phí 150.000 đồng" - chị Ngọc kể.

Xưởng tái chế Limloop (quận Bình Tân, TP HCM) chuyên gia công các sản phẩm túi “xanh”
Tình trạng nhiều quần áo cũ còn giá trị sử dụng bị bỏ đi đã khơi gợi ý tưởng để chị Trần Thị Nga (Thảo Nâu) sáng lập cộng đồng "Shop 50 đồng". Nhóm bắt đầu từ hoạt động cho, tặng giữa các nhóm "mẹ bỉm sữa", sau đó phát triển chuyên nghiệp dần. Hiện nay, chị bán combo các sản phẩm sau phân loại để có nguồn thu và không trả phí cho người ký gửi quần áo bởi số lượng dư thừa khá lớn, ít người mua. "Điều mà người gửi quần áo nhận được là niềm vui khi món đồ của họ được tiếp tục sử dụng, có tuổi thọ dài hơn, đồng thời có thể giảm xả rác, bảo vệ môi trường và giúp được những trường hợp khó khăn có quần áo giá rẻ hoặc giá 0 đồng" - chị Nga bày tỏ.
Cũng theo người sáng lập "Shop 50 đồng", có nhiều nhóm làm thiện nguyện cần đồ cũ sạch nhưng không thạo việc phân loại, giặt, chỉnh sửa quần áo cho tươm tất nên nhờ cộng đồng "Shop 50 đồng" hỗ trợ. Nhờ vậy, "Shop 50 đồng" cũng tạo thêm được công việc để các bà nội trợ có thêm thu nhập và niềm vui với cuộc sống. Ngay cả với những quần áo bị rách, chị Nga cũng tìm được đầu ra hữu ích để kéo dài tuổi thọ của sản phẩm, thay vì trở thành rác.
Túi tái chế lên ngôi
Bà Đặng Thùy Linh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP APG Eco, từng sống tại châu Âu hơn 20 năm, nơi có xu hướng sống xanh dẫn đầu thế giới, nên rất trăn trở với việc xử lý rác thải từ hoạt động sản xuất - kinh doanh của công ty, trong đó có vỏ bao gạo.
Bà Linh đã phải suy nghĩ rất lâu, gửi mẫu đến rất nhiều xưởng may công nghiệp để đặt hàng tái chế nhưng không có kết quả. Đến cuối năm 2024, bà mới tìm được xưởng tái chế Limloop (quận Bình Tân, TP HCM), nơi các nghệ nhân khiếm thính với bàn tay khéo và có nhiều thời gian có thể tạo ra được những chiếc túi xách "xanh".
"Với 4 vỏ bao gạo VEBO ST25 hoặc VEBO lúa tôm được thu lại từ khách hàng, có thể tái chế 1 một chiếc túi xách "xanh" và gửi tặng lại khách. Đây là túi xách "độc bản", có tính thẩm mỹ cao. Khách hàng có thể kiểm tra mã QR để xác định đây chính là vỏ bao gạo mình đã gửi đến" - bà Linh tâm đắc.
Giới thiệu về Limloop, chị Phạm Thị Kim Hằng, người sáng lập, cho biết hoạt động chính của doanh nghiệp là cung cấp giải pháp tái chế theo định hướng thời trang bền vững. Công ty CP APG Eco là doanh nghiệp đầu tiên gửi vỏ bao gạo đến Limloop để tái chế thành túi xách. Trong quá trình gia công, các nghệ nhân sẽ thêm vào một số phụ liệu như quai, phần lót... Mỗi chiếc vỏ bao gạo được cắt khác nhau, vết rách cũng khác nhau nên phần lớn phải làm thủ công và cho ra sản phẩm tái chế "có một không hai". Ngoài ra, xưởng cũng nhận các đơn đặt hàng may túi xách "xanh" từ áo phao, bao xi-măng, tấm banner..., chủ yếu để làm quà tặng.
"Đây là xu hướng quà tặng mới vừa "độc", lạ vừa giảm rác thải, được nhiều doanh nghiệp lựa chọn trong xu hướng chuyển đổi xanh hiện nay" - chị Hằng nhận định.
Biến rác thành tiền
Ông Đặng Minh Công, Giám đốc Chi nhánh An Giang - Công ty CP APC Holdings, phụ trách nhà máy chế biến lúa gạo Long Xuyên, cho biết từ năm 2023 đã đầu tư nhà máy sản xuất viên nén trấu. Sản phẩm này có ưu điểm nổi bật là sạch sẽ, nhỏ gọn với thể tích chỉ bằng 20%-30% so với bình thường nên tiện cho vận chuyển, bảo quản.
"Trấu rời có giá 900 đồng/kg, còn trấu viên có giá từ 1.800-2.000 đồng/kg và được thị trường ưa chuộng vì là nhiên liệu sinh khối, thân thiện với môi trường. Trước đây, trấu rất khó tiêu thụ do giá thành rẻ, lại cồng kềnh, dẫn đến tình trạng đổ bỏ bừa bãi ra các bãi đất trống, kênh rạch, gây ảnh hưởng đến môi trường. Việc nâng giá trị cho phụ phẩm trấu cũng giúp nhà máy có giá thành hạt gạo tốt hơn, tăng khả năng cạnh tranh" - ông Công phân tích.
Bình luận (0)